Page 1 of 1

Hạt mầm dân chủ

PostPosted: Mon Dec 03, 2018 1:08 pm
by NewsReporter
VOA - Vietnam News


Tự do là các quyền cơ bản của mỗi công dân được quy định rõ ràng trong hiến pháp và pháp luật của một quốc gia, được tôn trọng và thực thi một cách công minh và bình đẳng, không phân biệt đối xử hay tùy tiện diễn giải bởi phía hành pháp.


Dân chủ là nhiều thứ. Nó là tam quyền phân lập, là các định chế bảo đảm hiến pháp và pháp luật áp dụng cho mọi công dân, mà mục tiêu là để tản quyền sâu rộng và để bảo đảm được các quyền tự do nền tảng. Dân chủ cũng là giá trị, là văn hóa, là cách sống, là suy nghĩ, là hành xử, là cách lấy quyết định v.v…


Bầu cử là bầu và cử: bầu chọn và ứng cử, kể cả tự ứng cử. Bầu cử phải thật sự tự do thì người dân mới bầu chọn người đại diện xứng đáng nhất. Ứng cử phải tự do để mọi người, không nhất thiết phải thuộc bất cứ đảng phái hay khuynh hướng chính trị nào, có thể tham gia việc điều hành quốc gia. Mục tiêu của bầu cử là để chọn ra những người xứng đáng nhất về khả năng và tầm nhìn vào quốc hội và chính quyền, để làm ra các luật pháp thiết thực đối với hoàn cảnh quốc gia lúc đó, và để điều hành quốc gia một cách hiệu quả và thực thi pháp luật một cách công minh và bình đẳng.


Cả ba điều này đều liên hệ mật thiết với nhau trong mọi chế độ chính trị dân chủ cấp tiến. Còn các thể chế dân chủ nửa vời hay độc tài thì họ cũng cóp nhặt các mô thức của nền dân chủ cấp tiến, tuy nhiên nó chỉ có bề ngoài chứ ruột thì trống rỗng. Tất cả đều rất vẻ vời, hình thức và nguỵ trá.


Tự do là một trong những giá trị cao quý nhất của con người. Khi chúng ta có tất cả vật chất trong tay nhưng không được tự do đi lại, chẳng hạn, hoặc không được quyền tìm hiểu các vấn đề triết học, tôn giáo hay lịch sử một cách tường tận, hoặc không được nói lên những gì mình suy nghĩ hay tin tưởng là đúng, thì có lẽ đến lúc đó sẵn sàng đánh đổi những gì mình có để được tự do. Khi đánh mất tự do thì mới cảm nhận được giá trị đích thực của nó.


Nhưng không phải có bầu cử, kể cả bầu cử tự do, là có (nghĩa là đã có) dân chủ.


Có những thể chế được xem là dân chủ bầu cử (electoral democracy), còn các thể chế khác là độc quyền bầu cử (electoral authoritarianism). Độc quyền bầu cử chắc chắn là độc tài. Còn dân chủ bầu cử không nhất thiết là dân chủ.


Một chế độ mà (những) người đứng đầu ngành hành pháp lại sử dụng quyền lực tùy tiện, kể cả chà đạp nó, tước quyền sống và quyền tự do của người khác, thì không thể nào gọi là dân chủ cấp tiến được. Dân chủ đích thực phải bảo đảm được quyền và tự do của mọi công dân. Trường hợp điển hình là Phi Luật Tân.


Theo giáo sư chính trị học Dan Slater, nhiều nước Đông Nam Á, như Phi Luật Tân, chẳng hạn, là một quốc gia dân chủ phi cấp tiến (illiberal democracy). Người Phi đi bầu một cách tự do, các cuộc bầu cử không hay chưa có vẻ gì là gian lận. Nhưng người đứng đầu guồng máy điều hành quốc gia, như tổng thống Rodrigo Dutert hiện nay, coi thường pháp luật và lạm dụng quyền lực.


Còn Singapore thì thuộc một thể loại cường quyền kiểu khác, độc quyền bầu cử. Các thế lực nắm quyền Singapore đề cao pháp luật và muốn mọi người khác phải tuân thủ pháp luật. Đảng Nhân dân Hành động vận dụng và thay đổi hệ thống bầu cử để phía đối lập không có cơ hội chính đáng nào để thắng nó. Và tại đây không có ủy hội bầu cử độc lập. Nếu cử tri bầu cho đối lập thì sẽ có những hậu quả bất lợi cho họ khi bị phát hiện.


Trong khi đó, tại Miến Điện thì cuộc bầu cử năm 2015 tuy được xem là tự do và công bình, nhưng người thiểu số theo đạo Hồi Rohinga thì bị đàn áp thậm tệ. Những người hay cơ quan truyền thông nào đưa tin về vi phạm nhân quyền hay cái gọi là bí mật quốc gia thì bị đàn áp bỏ tù. Còn tại Nam Dương thì chính quyền có thể bỏ tù những ai bị cho là xúc phạm đạo Hồi. Campuchia thì loại trừ gần như hoàn toàn phía đối lập và giới truyền thông, cho phép nó được gần như độc quyền bầu cử. Nó không giống Singapore hoàn toàn nhưng lại giống Trung Quốc và Việt Nam. Còn tại Mã Lai thì đảng Tổ chức Thống nhất Quốc gia Mã Lai trong 50 năm qua là một chế độ thể hiện hoàn toàn tính độc quyền bầu cử và sử dụng bao nhiêu thủ thuật khác nhau, kể cả vẽ lại vùng cử tri, để bảo đảm bên đối lập không có cơ hội nào thắng cử.


Con người có xu hướng học hỏi lẫn nhau, cái tốt lẫn xấu, tích cực lẫn tiêu cực, ôn hòa cũng như bạo lực v.v... Trong khi nhiều người trên thế giới học hỏi những điều tích cực và văn minh của nhân loại để tiến bộ thì cùng lúc đó các thế lực khác lại đi học những cái tiêu cực và độc hại, và tìm cách cản trở mọi nỗ lực tiến bộ. Do đó mà ngày nay có nơi có nền dân chủ cấp tiến (tự do được tôn trọng) và nơi khác cũng mang tên dân chủ nhưng dân chủ phi cấp tiến (tự do không hề hiện hữu). Và chúng ta cũng có nền độc tài khắp nơi. Nền dân chủ cấp tiến thì rất đa dạng và nền độc tài cũng vô cùng đa dạng. Hiếm có cơ chế nào, độc tài hay dân chủ, giống nhau hoàn toàn. Nguyên do là vì trong nền văn hóa mà mỗi chúng ta thừa hưởng, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, và rộng hơn trên toàn nước và toàn thế giới, chúng ta hấp thụ một số luồng tư tưởng nhất định nào đó mà định hình cách suy nghĩ của chúng ta. Và khi tiếp thu học hỏi các ý tưởng mới, chúng ta đem áp dụng nó vào trong bối cảnh xã hội, chính trị và văn hóa của mình, trong đó truyền thống đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố địa phương, môi trường sống và văn hóa hành xử cũng góp phần vào việc định hình sản phẩm chính trị mà con người khắp nơi tạo ra.


Có thể ví dân chủ như một loại cây. Cây dân chủ. Từ hạt mầm dân chủ, tức chủ yếu là ý tưởng và tư tưởng, người ta yêu thích nó và tìm cách đem trồng nó trong vườn của họ. Họ chăm sóc, vun bồi hàng ngày để bảo đảm nó phát triển và không bị hư hại hay bị phá hoại. Họ thể hiện tinh thần dân chủ ngay trong ngôi nhà họ. Họ tôn trọng các giá trị và thành quả nó mang đến, áp dụng tinh thần đó đối với người vợ hay chồng của mình, với các con của mình, và giữa các con mình. Họ bảo bọc hạt mầm dân chủ từng ly từng tí (như bảo vệ quyền tự do ngôn luận và diễn đạt của mọi thành viên, dầu cho thành viên đó có không xứng đáng đi nữa). Các hạt mầm như thế sẽ có cơ hội sinh sôi, nẩy nở. Họ cũng cố gắng tìm cách chia sẻ cách thức ươm mầm và vun trồng cây dân chủ với hàng xóm, người thân, bạn bè v.v… để học cách làm cho cây đơm hoa kết quả. Họ tìm cách khuyến khích con cái mình khi đi học hay đi làm cũng thực hành và phát huy tinh thần và giá trị dân chủ như vậy. Khi cây lớn lên cho ra hoa quả, họ tìm quả tốt nhất để làm hạt giống tốt và lại tiếp tục một chu kỳ trồng cây dân chủ khác.


Nền dân chủ Hoa Kỳ được khai sinh, phát triển và, một phần nào đó, được toàn cầu hóa, trong một tiến trình hơi giống như vậy.


Trong bài “Người Mỹ không còn thực hành dân chủ nữa”, Yoni Appelbaum đã trình bày các biện luận rất hay. Appelbuam cho rằng dân chủ là một hành động bất tự nhiên nhất. Nó không phải là một bản năng tự nhiên của con người, mà là một thói quen cần phải trau dồi và thâu thập. Trong các thế kỷ trước, người Mỹ bị lôi cuốn bởi hội đoàn. Gần như đối với mọi cách thức của cuộc sống, họ áp dụng một giải pháp chung. Họ tình nguyện đến với nhau bằng các ràng buộc chung, chấp nhận các luật lệ chung, bầu chọn người đại diện, lấy quyết định bằng số phiếu đa số. Vào cuối thế kỷ 19, càng ngày càng có nhiều hội đoàn bắt chước hình thức hoạt động của chính quyền liên bang Hoa Kỳ. Qua thời gian, sự tham gia mang tính cách công dân (civic participation) vào các vấn đề xã hội trở thành bình thường chứ không phải là điều ngoại lệ. Năm 1892, một nghiên cứu đối với một thành phố nhỏ cho thấy mọi đàn ông, đàn bà và trẻ em (trên 10 tuổi), ngoại trừ những cá tính đặc biệt, đều tham dự vào một tổ chức nào đó mà tất cả đều có văn phòng hoạt động. Hoa Kỳ trở thành một quốc gia của chủ tịch (a nation of presidents). Những người tham gia bị mê hoặc bởi nguyên tắc và thủ tục. Năm 1876, một kỷ sư tên Henry Robert xuất bản cuốn sách có tên “Hướng dẫn Bỏ túi về Quy tắc Trật tự của Hội nghị Thảo luận”, trở thành sách bán chạy nhất, và trong vòng bốn thập niên bán được 500 ngàn bản in. Nhưng Hoa Kỳ đã không còn như thế trong những thập niên qua. Vốn liếng xã hội và đời sống công dân bị xuống dốc thậm tệ, trong khi những người trẻ tham gia ngày càng ít vào các tổ chức xã hội hoạt động một cách dân chủ. Appelbuam kết luận rằng văn hóa mà cam kết bảo vệ dân chủ (hay văn hóa dân chủ) sẽ duy trì hiến pháp, không phải ngược lại.


Đúng vậy. Có bao nhiêu quốc gia có hiến pháp hẳn hoi, không chừng còn hay hơn cả hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng nó có làm cho quốc gia đó dân chủ đâu. Dân chủ là tư duy, là nếp sống, là cung cách hành xử, coi trọng tiếng nói của mỗi thành viên trong tổ chức, cộng đồng hay toàn xã hội, tôn trọng sự khác biệt cũng như quy tắc và tiến trình hiện hữu. Nó là văn hoá.


Trong khi các nền dân chủ khắp nơi đang bị soi mòn và xu hướng dân túy đang trổi lên, nền dân chủ Úc vẫn vững ổn vì nhiều nguyên do.


Trước hết, là một nền văn hóa dân chủ vững chắc và mạnh mẽ. Kế đến, nền kinh tế phát triển bền vững hơn 27 năm qua cũng đóng vai trò quan yếu. Bắt buộc đi đầu cũng là yếu tố quan trọng đối với nền dân chủ vững ổn của Úc. Phần lớn công dân trong một quốc gia họ là trung hòa, không cực đoan và không ủng hộ các xu hướng quá cực đoan. Nếu không bắt buộc đi bầu thì các đảng chính trị dễ dàng thỏa hiệp với các khuynh hướng cực đoan, cuối cùng đưa đến tình trạng cực tả và cực hữu chống nhau kịch liệt, trong khi đại đa số người dân không thuộc cả hai. Vì thế mà một quốc gia có đa đảng chính trị thay vì lưỡng đảng vẫn là điều kiện tốt hơn cho nền dân chủ. Úc có đầy đủ các điều kiện này.


Ngoài ra, mặc dầu bầu cử là bắt buộc bởi pháp luật, các cơ quan trách nhiệm bầu cử tầm tiểu bang như VEC hoặc liên bang AEC luôn tìm mọi cách khuyến khích mọi công dân đi bầu [1]. Họ tiếp xúc, giải thích và tạo đủ mọi điều kiện để mọi người, kể cả những người tàn tật, thiếu lý trí hay thiếu khả năng lấy quyết định, vẫn có thể sử dụng lá phiếu của mình một cách tốt nhất. Các ứng cử viên đều được quyền ra tranh cử một cách tự do và độc lập hoàn toàn, nếu muốn, và còn được Ủy hội Bầu cử Victoria hoặc Australia tài trợ nếu đạt được từ 4 phần trăm phiếu cơ bản trở lên (mỗi phiếu hiện nay được tài trợ 1.75 đô la cho bầu cử tiểu bang Victoria và 2.73454 đô la cho bầu cử liên bang).


Thêm vào đó, để chuẩn bị các thế hệ tương lai, tòa án Tối cao của Úc đã phối hợp cùng Qũy Giáo dục Hiến pháp thành lập một cơ quan có tên Trung tâm Hiến pháp Úc vào ngày 9 tháng Tư năm nay 2018. Ý tưởng thành lập này được hình thành sau khi giới tinh hoa chính trị Úc quan ngại về xu hướng dân túy khắp nơi có nguy cơ tác động đến phẩm chất và giá trị dân chủ tại Úc, nhất là sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ 2016. Chương trình giáo dục này bao gồm các câu chuyện thật và các hoạt động của Hiến pháp Úc dựa trên sáu nguyên tắc căn bản: dân chủ; pháp trị; phân chia quyền lực; liên bang; quốc gia; và quyền được cân bằng với trách nhiệm. Nếu các thế hệ mai sau không hiểu, không quan tâm hoặc coi dân chủ như điều có sẵn, không phải hy sinh để có được, và không phải đấu tranh liên tục để bảo tồn, thì đó là điểm khởi đầu của sự suy thoái dân chủ. Các chương trình và nguồn tài liệu dạy này được các chuyên gia soạn thảo và đưa vào các trường học để chuẩn bị kiến thức và tinh thần cho các em, chuẩn bị các thế hệ lãnh đạo quốc gia tương lai có khả năng và tầm nhìn quốc gia.


Trong buổi ra mắt sách “Dân chủ: Những câu chuyện về con đường dài đến tự do” của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice tại Viện Hoover, đại học Stanford, vào năm ngoái, bà Rice có chia sẻ câu chuyện của mình. Sinh trưởng tại Birmingham, Alabama ngay vào thời điểm mà người Mỹ da đen bắt đầu có cơ hội sử dụng lá phiếu của mình. Bà khoảng sáu tuổi gì đó khi cậu/chú bà đến đón bà tại trường học. Chứng kiến người dân da đen xếp hàng dài để bầu, lúc đó vẫn còn phân tách đen trắng (segregation), bà nói với cậu/chú mình là nếu người dân da đen đi bầu đông như thế thì làm sao Thống đốc George Wallace có thể thắng? Ông trả lời rằng người da đen tuy chiếm số phiếu lớn, nhưng vẫn là thiểu số. Bà Rice hỏi vậy thì họ bầu để làm gì (có thắng đâu!) thì người cậu/chú trả lời rằng họ biết họ không thắng, nhưng một ngày nào đó, họ tin rằng lá phiếu của họ sẽ mang tính quyết định.


Thứ Bảy tuần trước tôi đã quan sát cuộc bầu cử tiểu bang Victoria, Úc châu. Tôi chứng kiến các vị cao niên đi đứng vô cùng khó khăn mà vẫn cố gắng đến để thực hiện quyền hạn và trách nhiệm công dân bằng lá phiếu của mình. Rồi tôi nghĩ đến Việt Nam. Mặc dầu người dân Việt Nam vẫn phải đi bầu, nhưng vẫn là đảng cử dân bầu. Hiện nay lá phiếu của họ chẳng có giá trị nào. Nhưng đến một ngày nào đó họ sẽ sử dụng lá phiếu của mình một cách thích đáng và sẽ bầu chọn người xứng đáng. Trong hiện tại, người dân Việt Nam có thể sử dụng lá phiếu của mình để bày tỏ quan điểm trong các kỳ bầu cử. Một, là để phiếu trắng. Hai, là gạch tất cả những người đảng cử ra và để chữ BX, tức bất xứng, chẳng hạn. Ba, là vẻ ô vuông, viết tên người mình muốn đề cử, như Trần Huỳnh Duy Thức hay một người nào đó, và đánh dấu ủng hộ. Bốn, hãy xử dụng trí tưởng tượng của mình.


Dân chủ là cùng nhau thảo luận, tranh luận và cuối cùng lấy quyết định chung để làm việc. Văn hóa dân chủ mang người ta lại gần đến nhau, thay vì đẩy họ xa cách, trở thành thù nghịch. Nó không phải là cách làm việc hay điều hành hữu hiệu nhất, nhưng nó là cách ít gây đổ vỡ nhất và ít đưa đến những rạn nứt không thể hàn gắn. Dân chủ đích thực đặt nặng tinh thần trách nhiệm của mọi công dân, coi trọng tiếng nói của họ, và coi mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Do đó dân chủ là thể chế bảo đảm quyền tự do tối thiểu của mọi công dân tốt hơn mọi chế độ đã thử nghiệm xưa nay. Còn một chế độ mà không bảo đảm quyền tối thiểu, như ngôn luận và truyền thông, hoặc tự do để và tự do miễn (freedom to and freedom from) thì đó chỉ là độc tài hoặc dân chủ trá hình.


Nếu người dân Việt Nam khao khát tự do đủ thì một ngày nào đó họ sẽ đứng lên làm cách mạng để xây dựng nền dân chủ đích thực cho chính họ và các thế hệ Việt Nam mai sau. Tôi nghĩ rằng không ai có thể ban phát các giá trị hay văn hóa dân chủ này được. Nó phải được xây dựng và bồi đắp liên tục, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bắt đầu bằng ý thức, tư duy. Người ngoài và nước ngoài có thể hỗ trợ bằng nhiều cách, nhưng họ phải tự làm lấy. Nếu dân chủ có thể ban phát được thì cũng có thể bí lấy đi được. Một nền dân chủ không có nền móng thì có thể sập bất cứ lúc nào. Nhưng hạt mầm dân chủ có thể được gieo, được vun bồi, được bảo bọc và phát triển ở mọi nơi. Chỉ cần tư duy, ý chí và quyết tâm của các công dân quan tâm thì sẽ trồng được.


Úc Châu, 30/11/2018


Ghi chú: Đi bầu là luật bắt buộc của Úc, do đó tỷ lệ tham gia bầu cử thường rất cao. Theo thông tin của Ủy hội Bầu cử Victoria (VCE), trong năm kỳ bầu cử trước đây, tỷ số người bầu cho hạ viện và thượng viện hợp lệ là ít nhất 92 phần trăm tổng số cử tri của tiểu bang, trong khi số phiếu bất hợp lệ (như điền không theo quy định thì từ 3 đến 5.22 phần trăm). Vậy có khoảng 2 đến 4.4 phần trăm cử tri trong các kỳ bầu cử này không bầu, và sẽ bị phạt, trừ phi họ có lý do chính đáng nào đó, như vì lý do sức khỏe, chẳng hạn.


So với bầu cử liên bang thì cũng có tỷ lệ bầu cử hợp pháp khoảng 92 đến 95 phần trăm.



Tài liệu tham khảo:


1. Dan Slater, “After Democracy”, Foreign Affairs, November 6, 2018.


2. Yoni Appelbuam, “Americans Aren’t Practicing Democracy Anymore”, The Atlantic, October 2018 Issue.


3. Hoover Institute, “A conversation with Condoleezza Rice on ‘Democracy: Stories from the Long Road to Freedom’”, May 3, 2017.