LHQ: Kiểm soát tăng nhiệt toàn cầu, cần nỗ lực gấp ba
Phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2030 có thể nhiều hơn khoảng từ 13 tỉ tới 15 tỉ tấn so với mức cần để giữ cho tình trạng tăng nhiệt toàn cầu ở mức khoảng 2 độ C trong thế kỉ này, theo ước tính từ một báo cáo của Liên Hiệp Quốc hôm 27/11.
Báo cáo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc thường niên lần thứ 9 (UNEP) phân tích tác động của các mục tiêu và chính sách giảm phát thải của các nước, và liệu chúng có đủ để giới hạn sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu tới ngưỡng an toàn hơn, dưới 2 độ C, hay không.
Báo cáo này được công bố một vài ngày trước khi hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc khai mạc ở Ba Lan từ ngày 2 tới 14 tháng 12. Các cuộc đàm phán sẽ tạo ra một "bộ quy tắc" về cách thức thi hành Hiệp định Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự tăng nhiệt toàn cầu trong khoảng từ 1,5 đến 2 độ C.
UNEP nói phát thải khí nhà kính hàng năm đạt mức cao kỉ lục 53,5 tỉ tấn trong năm 2017 sau ba năm sụt giảm. Báo cáo cho rằng phát thải sẽ chưa đạt đỉnh điểm vào năm 2030, huống hồ là năm 2020.
Tuy nhiên, phát thải vào năm 2030 sẽ cần phải thấp hơn từ 25 phần trăm và 55 phần trăm so với năm ngoái để đưa thế giới đi đúng hướng nhằm giới hạn sự tăng nhiệt toàn cầu trong khoảng 2 độ và 1,5 độ C tương ứng, báo cáo cho biết.
"Phát thải gia tăng và hành động chậm chạp có nghĩa là con số cách biệt cho báo cáo năm nay là lớn hơn bao giờ hết," báo cáo nói.
Các chính sách khí hậu hiện thời đang giảm phát thải tới 6 tỉ tấn tính đến năm 2030. Điều này có nghĩa là đến năm 2100 sự tăng nhiệt toàn cầu là khoảng 3 độ C, và tiếp tục tăng sau đó.
"Nếu cách biệt về phát thải không được rút ngắn vào năm 2030, rất có thể mục tiêu tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C cũng sẽ nằm ngoài tầm với," báo cáo nói.
Để giữ mức tăng nhiệt dưới 2 độ C, các quốc gia phải tăng gấp ba nỗ lực hiện thời của mình. Với mục tiêu đầy tham vọng hơn là 1.5 độ C, các quốc gia phải nâng tham vọng lên gấp năm lần.
20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, G20, tính tổng thể, hiện không đang đi đúng hướng để đạt được cam kết năm 2030 của họ, UNEP cho biết.