Vụ 231 cái tát: Nền giáo dục ‘nát’, bộ trưởng nên từ chức
Một tuần sau khi xảy ra chuyện một giáo viên ở Quảng Ninh ra lệnh cho cả lớp học tát một học sinh hàng trăm cái, gây phẫn nộ trong xã hội, công an địa phương hôm 26/11 đã khởi tố vụ án “hành hạ người khác”, theo tin tức trên báo chí Việt Nam.
Vụ việc đã làm bùng nổ nhiều cuộc thảo luận, trong đó không ít người cho rằng nguyên nhân của nạn bạo lực học đường nằm ở chính sách “dốt nát” về giáo dục và bộ trưởng đương nhiệm “cần phải từ chức”.
Các báo trong nước hồi tuần trước đưa tin rằng hôm 19/11, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường trung học cơ sở Duy Ninh tại một xã thuộc tỉnh Quảng Binh, đã chỉ đạo cả lớp “tát liên tiếp” một học sinh nam 230 cái để phạt em này về tội “nói tục”. Bản thân cô Thủy cũng tát em này 1 cái.
Tin cho hay, sau cuộc “trừng phạt”, em học sinh lớp 6 rơi vào tình trạng “mặt mũi tím sưng, không nói được” nên gia đình đã phải đưa em đi cấp cứu ở bệnh viện.
Không lâu sau khi tin được đăng, rất nhiều người đã lên án cô giáo Thủy trên mạng xã hội hoặc trong mục ý kiến của các trang web báo chí. Họ gọi cô giáo là “ác quỷ” hay “quái vật” vì đã ra lệnh cho học sinh thực hiện một “trận đòn man rợ”, đồng thời họ kêu gọi nhà chức trách “khởi tố” và bắt cô giáo “chịu hình phạt thích đáng”.
Cùng lúc, một số người đòi hỏi bộ trưởng giáo dục lên tiếng về vụ việc này nói riêng và các vấn đề khác của ngành giáo dục nói chung.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất cứ tin bài nào trên báo chí Việt Nam cho thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra ý kiến gì. VOA cố gắng liên lạc với ông qua điện thoại, nhưng ông không nhấc máy.
Trong bối cảnh dư luận sôi sục giận dữ không ngừng suốt mấy ngày nay, hôm 26/11, vị trrưởng công an huyện Quảng Ninh, tình Quảng Bình, nơi có trường học của cô Thủy, cho báo chí biết công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án "hành hạ người khác", căn cứ vào một điều trong Bộ Luật Hình sự, để điều tra vụ việc do cô Thủy gây ra.
Quyết định khởi tố vụ án hiện đang chờ Viện Kiểm sát Nhân dân của huyện phê duyệt, vị lãnh đạo công an cho hay.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội, và nữ doanh nhân Lê Hoài Anh ở thành phố Hồ Chí Minh, hai trong số nhiều người thường lên tiếng vì tiến bộ xã hội, đặc biệt là đã có những ý kiến mạnh mẽ về vụ việc nói trên, bày tỏ với VOA rằng việc khởi tố là “cần thiết”.
Bà Hoàng Ánh nói:
“Tôi nghĩ cái này rõ ràng đã phạm vào tội làm nhục và hành hung người khác. Việc công an phải khởi tố, tạm giam, sau đó đưa ra tòa thì tôi nghĩ đấy là cách xử lý của xã hội văn minh”.
Bà Hoài Anh có chung suy nghĩ:
“Đó là hành vi bạo hành, hành hạ trẻ em. Tôi không chấp nhận được hành vi đó của một người giáo viên. Ngoài chuyện khởi tố ra, tôi cũng muốn là cô giáo này phải chịu hình phạt về hình sự, tức là phải có án tù. Bởi vì ngoài chuyện đau đớn, thì còn vấn đề nữa là vấn đề tâm lý của cháu”.
Theo các báo, vụ việc đang gây bão trong dư luận không phải là lần đầu tiên hay duy nhất cô Thủy buộc học sinh của mình phải ra tay đánh một số học sinh khác như là một biện pháp phạt. Các bản tin nói thông tin họ thu thập từ nhiều nguồn cho thấy tổng cộng có 11 học sinh trong cùng lớp “đã hứng trọn 901 cái tát rất mạnh”.
Khi chuyện gây chấn động này vỡ lở trong mấy ngày qua, nữ hiệu trưởng của trường được các báo Người Lao Động và Tiền Phong trích lời nói rằng một mặt bà “thừa nhận toàn bộ sự việc” song mặt khác bà “xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia”.
Trên mạng xã hội, nhiều người lên án sự đối phó của bà hiệu trưởng, xem đó không khác gì hành vi “che giấu tội bạo hành” và cho rằng chính bà hiệu trưởng cũng phải bị “kỷ luật” hoặc “hạ chức”. Ở một khía cạnh khác, họ chỉ trích bà vì “chạy theo thành tích”.
Từ vị trí một giảng viên có thâm niên hơn 30 năm và am hiểu nền giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Hoàng Ánh phân tích với VOA về yếu tố “căn bệnh thành tích” trong vụ việc này:
“Thể chế của chúng ta dung túng cho chuyện đấy. Trường nào cũng ra sức tìm cách bao che những sai phạm của mình vì danh hiệu, vì huân chương. Tất cả những người dám nói lên gì đấy đều bị kỳ thị. Cô giáo có thể nóng nảy, tát người ta một cái, nhưng mọi người phản ứng ngay, thì cô sẽ không sai phạm nữa. Nhưng đằng này cô tát 1 cái không sao, ngày mai cô tát 2 cái, xong rồi lâu dần cô tát 10 cái”.
Cũng liên quan đến vấn đề thể chế trong ngành giáo dục, bà Hoàng Ánh lưu ý đến điều mà bà gọi là “cơ chế đánh giá sai” đang được áp dụng với giáo viên.
Bà nói:
“Giáo viên được đánh giá dựa trên những con số như số học sinh giỏi, số em không vi phạm, số em không nói tục… Vì thế người ta sẽ chạy theo những chỉ tiêu đấy. Không có giáo viên nào được tôn vinh về những điều như học sinh đánh giá là cô nhân ái. Chúng ta không có cơ chế nào như vậy cả. Nhưng cái này không phải chuyện riêng của ngành giáo dục. Nói thẳng thắn ra thì Luật Thi đua - Khen thưởng của Việt Nam là sai rồi”.
Nữ giảng viên đại học lâu năm khẳng định đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo “phải chủ động” xem xét lại việc đánh giá thành tích của giáo viên nói riêng và của ngành giáo dục nói chung. Bà đề xuất “nên học” cách đánh giá của các nước tiên tiến để có kết quả thực chất và tránh “bệnh thành tích”.
Trong khi đó, dư luận xã hội và báo chí điểm lại hàng loạt các vụ bạo lực học đường hoặc hành hạ, xâm hại học sinh trong vài năm nay, như giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, liếm ghế, ăn ớt hay thậm chí nhúng đầu học sinh vào hố xí v.v… Từ đó, họ đòi hỏi Bộ Giáo dục-Đào tạo phải có những thay đổi mạnh mẽ, không loại trừ cả việc thay thế lãnh đạo.
Góp tiếng nói về điều này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói với VOA:
“Để xảy ra một loạt các vụ trong ngành giáo dục như thế này, kể cả các vụ điểm giả, bằng giả ở Hà Giang, Sơn La v.v…, tôi nghĩ người đứng đầu ngành giáo dục nên từ chức. Không thể nói là ‘tôi không biết”, ‘đấy là do cấp dưới làm. Đó chính là từ chính sách và những vấn đề về theo dõi, giám sát. Người đứng đầu ngành giáo dục và các sở giáo dục phải chịu trách nhiệm. Tôi đòi hỏi ông Bộ trưởng Bộ giáo dục phải nên từ chức”.
Song song với các ý kiến mổ xẻ, chỉ trích chính sách của ngành giáo dục, nhiều người trong đó có giảng viên đại học Nguyễn Hoàng Ánh cũng nhắc nhở về một thực tế là lâu nay một phần lớn các phụ huynh vẫn làm theo tôn chỉ “yêu cho roi cho vọt”, và điều này được xem như là một nguyên nhân quan trọng của nạn giáo viên đối xử bạo lực hoặc xâm hại học sinh.
Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân, nữ tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, viết: “Mình không nghĩ là trách nhiệm chỉ thuộc về ngành giáo dục. Triết lý phát triển xã hội nói chung đã sai rồi, đó là nguyên nhân sâu xa của sự bế tắc về tinh thần, sự xuống cấp về đạo đức và của bạo lực xã hội nói chung và bạo lực nhà trường nói riêng”.