Sinh viên Việt 'đóng góp' gần 900 triệu đôla cho kinh tế Mỹ
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 17 liên tiếp và đóng góp hàng trăm triệu đôla cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo hàng năm với tên gọi “Open Doors” của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), có trụ sở ở New York, Mỹ.
Theo báo cáo mới công bố, trong năm học 2017 – 2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ, với 24.325 sinh viên, tăng 1.887 sinh viên so với năm học 2016 – 2017, tức tăng 8,4%.
Trong tổng số 24.325 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, 69,6% học đại học, 15,2% sau đại học, 8,6% tham gia thực tập không bắt buộc, và 6,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng. Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam cho biết, sinh viên Việt Nam "đóng góp 881 triệu đôla cho nền kinh tế Mỹ".
Theo báo cáo của IIE, kỹ thuật, kinh doanh và quản trị, toán và khoa học máy tính vẫn là các ngành học được sinh viên quốc tế theo học nhiều nhất trong năm học 2017 - 2018. Toán và khoa học máy tính là khối ngành học tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng 11,3% so với năm học 2016 - 2017, tiếp theo là khối ngành luật và thực thi pháp luật với mức tăng trưởng 10,4% so với năm học 2016 - 2017.
Các bang có nhiều sinh viên quốc tế du học nhất gồm California, New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan, và Indiana.
Báo cáo này cũng cho thấy có 1.094.792 sinh viên quốc tế đến Hoa Kỳ du học trong năm học 2017 – 2018, tăng 1,5% so với năm trước. Sinh viên quốc tế hiện chiếm 5,5% tổng số sinh viên tại Hoa Kỳ, tăng nhẹ từ 5,3% so với năm trước.
Ngoài báo cáo về sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, số liệu từ phúc trình của IIE cũng cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến quen thuộc hơn của sinh viên Mỹ. Trong năm học 2016 - 2017, Việt Nam đã đón 1.147 sinh viên đến từ Hoa Kỳ, tăng 13,3%.
Báo cáo “Open Doors” được công bố hàng năm vào Tuần lễ Giáo dục Quốc tế, một sáng kiến chung giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Đại sứ quán Hoa Kỳ mới cho biết, nhân kỷ niệm Tuần lễ Giáo dục Quốc tế 2018, cơ quan ngoại giao này đã tổ chức các hoạt động quảng bá giáo dục đại học Mỹ, cung cấp thông tin thị thực du học và các chương trình học bổng của chính phủ Hoa Kỳ tại Hà Nội và các tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, thu hút gần 400 học sinh, sinh viên và giáo viên tham dự trực tiếp, và tiếp cận khoảng 1.200 công chúng trực tuyến.
Trong các tuyên bố cấp cao Việt – Mỹ gần đây nhân chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, đôi bên đều “khẳng định ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, cụ thể thông qua trao đổi chuyên môn và học thuật”.
Mạng xã hội và truyền thông Việt Nam gần đây nhiều lần đề cập tới tình trạng chảy máu ngoại tệ, chất xám qua việc du học, và thậm chí vấn đề này còn được nêu lên tại Quốc hội.
Phát biểu trước cơ quan lập pháp của Việt Nam hồi tháng Sáu năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết rằng học sinh, sinh viên của Việt Nam ra nước ngoài học tập mỗi năm “mất 3 - 4 tỷ đôla” dưới dạng các chi phí khác nhau, theo báo Tuổi Trẻ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về chuyện ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài theo con đường du học, ông Nhạ nói rằng “đây là nguồn tiền rất lớn”, đồng thời “chia sẻ mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục trong nước để các gia đình có điều kiện không phải gửi con ra nước ngoài học tập”.
Ông Nhạ còn được trích lời cho biết rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho chính phủ “có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đầu tư vào giáo dục”, và nói thêm rằng “khuyến khích xã hội hóa cũng là điểm ưu tiên trong sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học”.