Dolce & Gabbana hủy show Thượng Hải sau quảng cáo đũa gây tr
Dolce & Gabbana đã hủy một buổi trình diễn thời trang tại Thượng Hải – trung tâm thương mại của Trung Quốc – hôm 21/11, sau những phản đối om xòm trên mạng về các chương trình quảng cáo thời trang mới nhất của hãng này, và điều mà người dùng mạng xã hội nói là những bình phẩm tiêu cực chống lại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Vụ tranh cãi là chủ đề số một trên mạng xã hội Weibo – phiên bản Twitter của Trung Quốc, với hơn 120 triệu lượt người đọc vào giữa chiều ngày 21/11, có sự góp tiếng của những người nổi tiếng, như Trương Tử Di, ngôi sao điện ảnh trong bộ phim “Hồi ức của một Geisha”, người đã đưa ra những bình luận chỉ trích thương hiệu Golce & Gabbana.
Dân mạng lên án chiến dịch quảng cáo “ăn bằng đũa”, trong đó một phụ nữ Trung Quốc loay hoay dùng đũa để ăn pizza và mì spaghetti.
Một số khán giả cảm thấy bực dọc về điều họ cho là giọng điệu kẻ cả của người kể chuyện trong chương trình quảng cáo, dạy bảo cách cầm đũa.
Những bức ảnh chụp màn hình lan truyền trên mạng cũng cho thấy nhà thiết kế Stefano Gabbana bị cáo buộc đã gọi Trung Quốc là "lũ mafia hôi thối bẩn thỉu ngu dốt" trong một cuộc trò chuyện trên Instagram.
"Chúng tôi xin lỗi vì tác động và hệ lụy do những nhận xét không đúng này gây ra cho đất nước và nhân dân Trung Quốc", thương hiệu thời trang cao cấp nói trong một lời xin lỗi trực tuyến bằng tiếng Trung Quốc phát trên Weibo, và cho biết thêm là tài khoản Instagram của Gabbana đã bị tấn công.
Chương trình biểu diễn đêm 21/11 ở Thượng Hải “được lên lịch lại vì nhiều lý do”, công ty cho biết. "Chúng tôi rất xin lỗi về những bất tiện gây ra bởi điều này."
Nhưng hãng thời trang không cho biết ngày cụ thể của chương trình được lên lịch lại.
Những người nổi tiếng, như nữ diễn viên Lý Băng Băng và ca sĩ Vương Tuấn Khải, cho biết họ sẽ tẩy chay show diễn thời trang Thượng Hải.
Đây không phải là lần đầu tiên Dolce & Gabbana bị chỉ trích ở Trung Quốc. Một loạt chương trình quảng cáo năm ngoái đã bị chỉ trích, nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng các quảng cáo đó chỉ cho thấy những mặt xấu của cuộc sống ở Trung Quốc.
Dolce & Gabbana không lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề này.
Sự cố này cho thấy những rủi ro đối với các thương hiệu toàn cầu ở Trung Quốc, nơi những công dân mạng có thế lực thường phản ứng trước những hành vi được cho là xúc phạm văn hóa Trung Quốc, và có thể hướng dẫn dư luận để tác động đến các công ty đang tìm cách quyến rũ người tiêu thụ có hầu bao lớn.