Việt Nam, Mỹ hoàn tất tẩy độc dioxin sân bay Đà Nẵng
Việt Nam và Mỹ vừa hoàn tất việc tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, một điểm nóng ô nhiễm chất độc da cam lớn nhất còn lại ở Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/11 cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam tuyên bố xử lý xong môi trường ô nhiễm dioxin kéo dài 6 năm qua.
“Nỗ lực làm sạch trong 6 năm cho thấy sự cam kết lâu dài của chúng tôi trong việc giải quyết di sản chiến tranh Việt Nam, nhằm cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam và những thế hệ tương lai,” Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nói với các phóng viên tại một buổi họp báo ở Washington, DC.
Một buổi lễ bàn giao 30ha đất sạch đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông vận tải Việt Nam được tổ chức hôm 7/11 với sự chứng kiến của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sức Daniel Kritenbrink, theo AP.
Thứ trưởng Vịnh nói thành công của dự án thể hiện sự cam kết và hợp tác hiệu quả của chính phủ Mỹ.
Cũng tại sự kiện này, Đại sứ Kritenbrink gọi việc tẩy sạch này là một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng sự hợp tác giữa hai nước.
Một lượng lớn chất độc da cam, trong đó có chứa dioxin, được lưu giữ ở sân bay Đà Nẵng trong thời gian chiến tranh và được quân đội Mỹ dải xuống để làm rụng lá cây ở các khu vực nông thôn nhằm triệt phá nơi ẩn nấp của quân Cộng sản trong các khu rừng. Người Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng những ảnh hưởng của việc dải chất độc này.
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội nói rằng đây là một thành tựu mang tính lịch sử hai quốc gia từng đối đầu nay cùng nhau vượt qua quá khứ và hợp tác hướng tới một tương lai thịnh vượng chung, theo Người Lao Động.
Trong thời gian từ 1962 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 11 triệu gallon chất độc da cam trên một khu vực rộng lớn ở miền nam Việt Nam. Chất dioxin ngấm trong đất và lắng dưới đáy sông, hồ trong nhiều thế hệ qua. Theo AP, chất độc này còn có thể có trong thức ăn thông qua cá và các động vật khác.
Việt Nam cho biết khoảng 4 triệu người bị nhiễm chất da cam và khoảng 3 triệu người vẫn đang bị những di chứng từ chất độc này.
Chính phủ Mỹ cho rằng số lượng người bị ảnh hưởng trên thực tế thấp hơn và rằng Việt Nam đã vội vàng đổ lỗi cho chất độc da cam là nguyên nhân gây ra những dị tật bẩm sinh mà có thể là do thiếu dinh dưỡng hoặc do các yếu tố khác.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tới thăm sân bay Biên Hòa, nằm ở phía bắc của TP HCM. Đây cũng là một điểm nóng khác bị nhiễm dioxin.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/11 cho biết USAID giờ đây sẽ tập trung vào việc thực hiện cam kết của Mỹ trong việc tẩy độc chất da cam ở sân bay Biên Hòa.
Theo truyền thông trong nước, ngày 11/5, USAID đã ký Thỏa thuận tài trợ với Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam cho khoản đóng góp kinh phí dự kiến là 183 triệu USD để phục vụ các hoạt động xử lý ô nhiễm tại khu vực Sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu. Việc ký kết bản Thỏa thuận chung là bước đi đầu tiên trong dự án quan trọng này.