Chính sách đối ngoại của Trump sẽ thay đổi thế nào sau bầu c
Đảng Dân chủ sẽ sử dụng thế đa số của họ ở Hạ viện để đảo ngược những gì mà họ cho là sự bỏ mặc của Đảng Cộng hòa đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump và thúc đẩy các chính sách hà khắc hơn đối với Nga, Ả Rập Xê-út và Bắc Triều Tiên.
Dân biểu Eliot Engel, ứng viên Dân chủ sẽ lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói rằng họ sẽ tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội để sử dụng hành động quân sự ở những nơi như Iraq và Syria. Những trên những hồ sơ nóng bỏng như Trung Quốc và Iran, ông thừa nhận rằng họ không thể làm gì nhiều để thay đổi nguyên trạng.
Là đảng kiểm soát Hạ viện, Đảng Dân chủ sẽ quyết định đạo luật nào sẽ được Hạ viện xem xét và sẽ có vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách chi tiêu và soạn thảo các dự luật.
“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ xét lại một số vấn đề bởi vì nó được chính quyền Trump đưa ra, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi có nghĩa vụ xem xét các chính sách và thực hiện giám sát,” ông Engel nói.
Nga và can thiệp bầu cử
Đảng Dân chủ đang lên kế hoạch điều tra về Nga, chẳng hạn như về những mối quan hệ làm ăn có thể và xung đột lợi ích giữa ông Trump và Nga.
Từ góc độ chính sách, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ thúc đẩy trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ và các hoạt động như sáp nhập lãnh thổ của Ukraine và sự can dự vào nội chiến ở Syria.
Hạ viện sẽ thúc đẩy thêm lệnh cấm vận. Họ cũng có thể áp lực ông Trump thực thị tất cả các lệnh trừng phạt trong một đạo luật mà ông miễn cưỡng ký thành luật hồi tháng Tám năm 2017.
Các vị dân biểu Dân chủ cũng quyết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nỗ lực có được thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh hồi mùa hè rồi của Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà Trắng cho đến nay vẫn chỉ công bố ít chi tiết về cuộc gặp này.
“Thật lố bịch khi có một cuộc gặp thượng đỉnh như thế giữa hai nhà lãnh đạo mà Quốc hội vẫn còn mù tịt về nó,” ông Engel nói.
Ông còn nói rằng vấn đề Nga can thiệp bầu cử ‘vẫn chưa hề được giải quyết’.
Bắc Triều Tiên
Phe Dân chủ nói họ quyết tâm có được thêm thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và lo lắng rằng ông Trump rất háo hức có được ‘thỏa thuận tuyệt vời’ mà ông nhượng bộ cho ông Kim quá nhiều.
Ông Engel dự định triệu tập các quan chức chính quyền ra điều trần về tình trạng của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên phe Dân chủ cũng sẽ cẩn thận để không bị xem là can thiệp vào ngoại giao và nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân.
“Tôi nghĩ cần phải có sự đối thoại với họ. Nhưng chúng ta không mơ mộng hão huyền rằng họ sẽ có thay đổi nào đó đột phá,” ông Engel nhận định.
Trung Quốc
Dân chủ kiểm soát Hạ viện dự đoán là sẽ không đem lại thay đổi nào lớn trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ. Họ sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc điều trần và yêu cầu được báo cáo nhiều hơn, nhưng thái độ của hai đảng lâu nay vẫn là e ngại Trung Quốc và điều đó sẽ không thay đổi.
Các dân biểu Dân chủ hàng đầu, chẳng hạn như ông Adam Schiff, người sẽ lên lãnh đạo Ủy ban Tình báo Hạ viện, đã cùng với các đồng nghiệp Cộng hòa ủng hộ các biện pháp trấn áp Trung Quốc, chẳng hạn như đạo luật xem các công ty công nghệ ZTE và Huawei là đe dọa an ninh mạng hàng đầu.
Tuy nhiên, ông Engel thừa nhận Mỹ cần Trung Quốc như là một đối tác, nhất là trong vấn đề đối phó với Bắc Triều Tiên. “Tôi nghĩ chúng ta cần cẩn thận không đả kích,” Engel nói.
Chiến tranh thương mại
Cũng giống như Đảng Cộng hòa, phe Dân chủ cũng bị chia rẽ về cuộc chiến thương mại của ông Trump. Một số người cho rằng thương mại tự do giúp đem lại công ăn việc làm trong khi một số thành viên khác của đảng Dân chủ muốn bảo vệ công nhân trong những ngành nghề như thép và chế tạo.
Mặc dù Tổng thống Trump có quyền hạn đáng kể trong lĩnh vực thương mại, phe Dân chủ nói rằng họ muốn ông Trump phải giải trình nhiều hơn, trong đó có mức tăng thuế quan quá cao đánh vào Trung Quốc vốn ảnh hưởng đến nông dân và các bang chế tạo, nhất là ở vùng Trung Tây. Ngay cả khi họ không áp lực ông Trump quá mức về thương mại thì Đảng Dân chủ sẽ yêu cầu ông đảm bảo rằng các thỏa thuận thương mại phải có các chuẩn mực lao động và môi trường.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Đảng Dân chủ bất bình trước việc ông Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà cựu Tổng thống Barack Obama đạt được hồi năm 2015. Nhưng họ không thể làm gì được gì khi nào Đảng Cộng hòa còn nắm giữ Nhà Trắng.
Engel nằm trong số các đảng viên Dân chủ phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng ông nói rằng ông Trump nên làm việc với các đồng minh quan trọng như các nước châu Âu. “Tôi nghĩ điều mà chúng ta nên làm là sửa chữa lại những thiệt hại trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh mà ông Trump đã gây ra,” ông nói.