Tân Chủ tiệm nước và vụ đổi ông Tơn bị phạt ông Hồ
Vậy là nước ta đã có Chủ tiệm nước mới, cách người dân thân mật gọi người vừa chiến thắng trong cuộc đua cam go với những một ứng viên và giờ tay trái ký việc đảng, tay phải ký việc nước.
Còn vụ đổi ông Tơn bị phạt ông Hồ được đưa tin trong cùng ngày diễn ra lễ tuyên thệ mà khá khen ông Chủ tiệm nước nhắc tới Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp trước khi chợt nhớ ra là khi thực hiện nhiệm vụ thì ông vẫn phải để đảng lên trên hết.
Chuyện là nhiều tháng trước khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành ứng viên duy nhất tranh chức chủ tịch nước, thợ điện Nguyễn Ca Rê bước vào tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ để đổi 100 đô la, dân vẫn gọi là tiền ông Tơn (Washington), lấy 2,2 triệu đồng, hay còn được gọi là tiền ông Hồ. Chưa kịp hưởng xu nào từ số tiền người thân cho vừa được quy đổi, lực lượng chức năng đã từ đâu ập tới và lập biên bản để rồi gần đây ra quyết định phạt ông Rê 90 triệu đồng vì mua bán ngoại tệ ở nơi không được cấp phép, theo báo trong nước. Người ta cũng tịch thu luôn số tiền vừa đổi được.
Tiệm vàng còn đen hơn vì bị phạt tổng cộng gần 300 triệu đồng vì thu đổi ngoại tệ không phép, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc và sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp. Họ bị chính quyền tịch thu 100 đô la mà ông Rê đem tới đổi cộng thêm với 20 viên kim cương cùng gần 20.000 viên hột đá nhân tạo với giá trị hơn nửa tỷ đồng. Tôi đồ là tiệm này không chọn hoặc chọn nhầm người bảo kê thôi. Tôi biết có những tiệm vàng làm chuyện này ngay giữa thủ đô từ nhiều năm nay mà chẳng hề hấn gì.
Đó là chuyện xảy ra với một cá nhân. Còn đối với các pháp nhân thì sao? Viện Kiểm sát ở thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị toà án bắt hãng taxi Grab bồi thường cho công ty taxi Vinasun hơn 41 tỷ đồng vì có các hành vi khiến Vinasun không cạnh tranh nổi dẫn tới bị mất khách hàng và mất tiền.
Một nhà báo viết trên Facebook: “Như nhiều người đã nói, nó giống như câu chuyện con trâu đi kiện cái máy cày vì làm mất việc của nó. Như ông báo in đi kiện ông báo mạng vì làm tiara sụt giảm; như DN [doanh nghiệp] đường sắt [muốn] kiện hãng hàng không vì cho là cướp mất hành khách ...
“Ô thế mà cái Viện kiểm sát ấy lại làm được cái điều mà người ta nghĩ rằng sẽ không xảy ra.
“Cơ mà nhìn lại một loạt sự việc xảy ra gần đây với các doanh nghiệp, bỗng cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ. Ấy là môi trường kinh doanh chẳng những [không] được cải thiện hơn mà đang xấu đi, trong cách hành xử của một số chính quyền địa phương, ở một số ngành ...
“Tuần trước là ở Đà Nẵng, các DN đã tham gia đấu giá, trúng thầu các lô đất với giá có lợi nhất cho ngân sách, nhưng Thành phố này lại không chịu giao đất cho họ theo đúng chính sách đề ra.”
Qua hai ví dụ này có thể thấy tân chủ tịch nước có nhiều việc để làm nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi cách hành xử cửa quyền và ấu trĩ của nhiều quan chức. Tuy nhiên làm được điều này không dễ vì chính ông Trọng đã thừa nhận sau khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 23/10:
“Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ, hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu… Cho nên thật tình là rất lo. Trong khi đó thì tuổi tác đã lớn, như Bác Hồ đã nói là khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn tinh thần ấy".
Nếu ông Trọng nói thật thì tôi cũng thật tình là rất lo. Một người mà tự thấy hạn chế về năng lực và trình độ, biết là mình không đủ hiểu biết để ngồi vào ghế chủ tịch mà vẫn ngồi vào đó thì thật là liều quá. Đó là còn chưa nói tới sức khoẻ đang ngày càng giảm sút như chính ông nói.
Nhưng riêng chuyện ông Trọng là ứng viên duy nhất cho vị trí chủ tịch nước cho thấy chưa ai trong số những người còn lại trong Bộ Chính trị muốn để lộ tham vọng chính trị của họ vào lúc chiếc lò của ông Trọng đang nóng giãy. Họ sợ rằng họ có thể lại cao vút rồi mất hút như ông Trần Đại Quang, nếu không phải là theo nghĩa đen thì cũng là theo nghĩa bóng.
Ông Trọng hiện đang mạnh tới mức nếu muốn có lẽ ông có thể tiếp tục ở lại trong chính trường tới tận tuổi 80. Vấn đề là ông sẽ làm gì cho người dân Việt Nam thay vì cho đảng của ông.
Tôi nghĩ đã qua rồi thời người dân chỉ muốn có ‘cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày’. Họ muốn có quyền sở hữu thực sự đối với đất đai, có quyền làm những gì pháp luật không cấm, có quyền nói ra sự thật mà không sợ làm mất lòng các quan chức, có quyền được xét xử công bằng nếu không may vướng vào vòng lao lý và nhiều điều khác nữa.
Điều trớ trêu là những điều này khó có thể xảy ra nếu Việt Nam không phát triển một hệ thống triết lý mới để phát triển nhằm thay thế hệ tư tưởng ngoại nhập lỗi mốt và không tưởng mang tên xã hội chủ nghĩa. Đã có những nước tư bản vừa phát triển kinh tế tốt vừa có hệ thống y tế miễn phí cho toàn bộ dân chúng như nước Anh, cho người dân đi học ở mọi bậc không mất tiền như Phần Lan hay hệ thống an sinh xã hội tương đối tốt cho người nghèo và người cơ nhỡ ở hầu hết các nước tư bản. Việt Nam cũng đã cử các đoàn sang châu Âu tìm hiểu nhưng chưa áp dụng được bao nhiêu các kinh nghiệm phát triển của châu lục này.
Mong rằng cơ hội được giao tiếp nhiều hơn với các chính trị gia trên thế giới trong cương vị chủ tịch nước sẽ giúp ông Trọng thực sự hiểu điều người ta đã góp ý cho Việt Nam từ nhiều năm nay là chính quyền cần mở rộng không gian hoạt động cho người dân để họ chung tay giải quyết các vấn đề xã hội. Chuyện nhà nước độc quyền xử lý các khó khăn trong xã hội là điều có thể nói là ngớ ngẩn và chừng nào các quan chức còn chưa hiểu ra và chấp nhận thực tế này, Việt Nam sẽ vẫn còn là nước không chịu phát triển bất chấp tiềm lực đáng kể từ cả trong và ngoài nước.