Chiều ngày 24/10, Công an TP Cần Thơ nói việc một thợ điện bị phạt 90 triệu đồng do đổi 100 đôla là “đúng trình tự pháp luật,” và “không gài bẫy.”
Báo Pháp Luật TP. HCM trích lời ông Trần Văn Dương, Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Cần Thơ cho biết tại buổi họp báo rằng vụ việc được cơ quan chức năng thẩm quyền thực hiện xử lý “theo đúng trình tự thủ tục, đúng thẩm quyền hoàn toàn đúng quy định pháp luật.”
Ngày 23/10, UBND TP.Cần Thơ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê, một thợ điện ở Cần Thơ, lương tháng 4 triệu đồng, vì đã mang đổi 100 đôla tại tiệm vàng Thảo Lực. Ngoài ra, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng, số tiền đã đổi được từ 100 đôla.
Truyền thông Việt Nam cho biết số tiền 100 đôla là tiền của người thân gửi cho ông Rê. Vào ngày 30/1, trước Tết nguyên đán vừa qua, ông Rê mang đến tiệm vàng đổi thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau nhiều lần mời lên làm việc, đến ngày 13/8, cơ quan chức năng mới có biên bản vi phạm.
UBND TP. Cần Thơ cũng đã phạt tiệm vàng Thảo Lực 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 đôla của ông Rê và tịch thu số ngoại tệ đã đổi.
Công an Cần Thơ nói có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm nên đã trình Chủ tịch thành phố ra quyết định xử phạt với với ông Rê và công ty Thảo Lực.
Báo Tuổi trẻ trích lời ông Trần Văn Dương nói Công an Cần Thơ không “gài bẫy” vụ đổi tiền này.
Ngày 24/10, truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hành vi mua bán ngoại tệ của ông Rê là vi phạm quy định của pháp luật và việc UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt là đúng.
Trả lời báo chí, ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực thắc mắc không hiểu vì sao công an lại thu cả đầu thu camera nội bộ trong nhà ông, đến hơn 8 tháng sau mới trả lại, nhưng khi nhận lại đầu thu thì đã bị hư hỏng, mất toàn bộ dữ liệu.
Theo báo Tuổi trẻ, ông Lực nói phía công an cho rằng có đơn tố giác gia đình ông kinh doanh ngoại tệ nên tiến hành khám xét và thu giữ nhiều kim cương, đá nhân tạo và vàng trắng. Tuy nhiên, ông Lực không khiếu nại.
Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội viết trên Facebook hôm 24/10: “Cho dù doanh nghiệp không khiếu nai, nhưng cấp trên và báo chí cùng VCCI phải làm rõ việc này. Doanh nghiệp không dám khiếu nại chẳng qua sợ hãi thôi. Nếu không làm ra ngô khoai, tạo tiền lệ cho mấy lực lượng chức năng làm bậy, còn bất cứ người kinh doanh nào cũng như “cá nằm trên thớt.”
Báo Zing trích lời Luật sư Nguyễn Văn Đức ở Cần Thơ nói việc áp dụng Nghị định 96/2014 của Chính phủ để xử phạt anh Cà Rê “cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để nghị định "đi vào cuộc sống."
Luật sư Nguyễn Tấn Thi ở TP.HCM nói rằng: “Nên xử lý người nhận đổi ngoại tệ là phù hợp nhất. Ở góc độ quản lý Nhà nước, nếu để một đơn vị chưa được phép đổi ngoại tệ tồn tại như vậy là phải xử lý địa phương vì lỗi trước tiên của chính quyền, chứ không ai đi phạt người dân.”
Thời báo Kinh tế Sài gòn nhận định một khi nhà chức trách muốn “cố ý xử mạnh tay” thì sẽ lợi dụng điều luật để xử lý luôn người vô tình đi đổi tiền quà tặng.
Trang Việt Nam Thời báo nói: “có một cái gì đó không bình thường, rất không bình thường trong vụ chính quyền thành phố Cần Thơ thình lình ‘đánh úp’ công dân Nguyễn Cà Rê khi ông này vào tiệm vàng chỉ để đổi tờ 100 đôla do người thân của ông tặng.”
Trang này lý giải rằng đây dù chỉ là một vụ bắt bớ hành chính thuộc tầm vi mô, “nhưng vụ này lại xảy ra trong một bối cảnh có quá nhiều khó khăn kinh tế thuộc thượng tầng vĩ mô mà không thể tránh khỏi những suy luận rằng vụ bắt phạt công dân Rê là một hành động có chủ ý, thậm chí có thể được chỉ đạo từ… cấp trung ương.”