Tham tán ngủ ở New York: Bảy điều rút ra về người Việt
Vụ Tiến sỹ Nguyễn Nam Dương, tham tán của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngủ gật có lẽ sẽ qua nhanh và ít ầm ĩ hơn rất nhiều nếu không có nhiều người muốn chứng minh anh ngủ đúng giờ chứ không phải ngủ trong giờ làm việc. Nguyên tắc đầu tiên của xử lý khủng hoảng là đưa ra những thông tin chính xác và kịp thời. Việc tồn tại những tin vịt quanh bức ảnh đã đổ thêm dầu vào lửa khiến nó cháy lâu hơn. Vụ việc cũng cho thấy đôi điều về người Việt và con người nói chung.
- Hiểu biết nói chung của người ta về tin tức còn kém. Nhiều người không hiểu rằng phóng viên phương Tây sẽ không bao giờ chụp hình người đang ngủ vào đúng giờ ngủ để đem bán. Đúng giờ người ta ngủ thì mắc mớ gì mà chụp. Và chụp bán cũng không ai mua cả vì biết chú thích sao đây. ‘Ông Việt Nam ngủ vào giờ nghỉ’ đâu phải là điều gì hấp dẫn người đọc. Và quan trọng hơn là luôn đọc tất cả mọi điều với một chút nghi ngờ trong thời tin vịt lên ngôi này. Hãy kiểm tra với nhiều nguồn khác nhau, kể cả những nguồn mình không thích.
- Văn hoá ‘chổi cùn cắp nách khư khư, hễ ai động đến là văng chổi cùn’ được thể hiện rất rõ khi tranh luận về chủ đề này. Thay vì tranh luận vào đúng chủ đề là ngủ khi làm việc hay ngủ vào giờ nghỉ thì người ta quay sang bảo ‘ôi, đầy người khác cũng ngủ kia kìa’. Sự bao biện này đã được đáp lại bởi những câu như ‘vậy thấy người khác ăn cắp thì ta cũng đi ăn cắp à’. Hay có người bảo ‘ai cũng phải kiếm cơm, đừng vì miếng cơm mà đập niêu cơm của người khác’. Xin lỗi bạn, cơm cháo gì ở đây. Đang nói về chuyện ngủ khi nào cơ mà. Hoặc ở hình thái cực đoan thì người ta văng ‘đổi mới’ luôn.
- Người ta không biết quan chức phải chịu sự soi mói của truyền thông và dư luận hơn người thường. Vì sao ư? Vì người thường đóng tiền thuế để trả lương cho quan chức và nhân viên nhà nước nói chung. Người thường đấy thậm chí có thể là bà bán ve chai, ông bán vé số. Tiêu tiền mà người khác đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được thì phải có trách nhiệm hơn là đương nhiên. Trong trường hợp này quan chức được chụp với hai chữ ‘Việt Nam’ chứ không phải với tên riêng của ông. Như thế ông đại diện cho hình ảnh của một quốc gia chứ không chỉ là riêng ông Dương như có người nguỵ biện. Luật sư Ngô Ngọc Trai đã viết khá rõ về điều này trên Facebook của ông.
- Một số người không hiểu thế nào là quyền riêng tư và nói rằng người chụp hình đã vi phạm quyền này. Bạn có thể nói vậy khi họ dùng ống kính tele chụp khi bạn đang ngủ trong nhà, trên tàu, tại sân bay… Nhưng khi bạn bước vào phòng họp của Liên Hiệp Quốc thì bạn đã bỏ quyền riêng tư của bạn lại ngoài cửa rồi. Chẳng nhẽ bạn mang luôn cái đệm vào phòng Đại Hội Đồng ngủ cho êm luôn sao?
- Văn hoá xin lỗi ở Việt Nam còn chưa phổ biến. Làm gì sai thì nhận và xin lỗi thành tâm mọi người sẽ bỏ qua. Tham tán Dương thay vì xin lỗi công khai trên Facebook thì anh đóng Facebook lại. Vậy là anh đã bỏ lỡ cơ hội biến điều tiêu cực thành tích cực và chứng minh khả năng ngoại giao của mình. Còn nếu anh không đủ khả năng để xử lý tình huống này thì làm sao người ta tin anh có thể cáng đáng được những việc lớn hơn ở Liên Hiệp Quốc.
- Trước một sự cố bất ngờ người ta thường như con thỏ bị rọi đèn pha trong đêm. Điều này có thể hiểu được nhưng đừng cứ đứng đó lâu mà xe nó cán. Tôi gửi thư cho phái đoàn của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc từ thứ Bảy. Tới thứ Ba vẫn chờ thư họ trả lời về chuyện tham tán ngủ. Trong khi đó người chụp tấm hình trả lời thư của tôi trong cả thứ Bảy và Chủ Nhật. Mà đó là họ làm cho hãng tin tư nhân chứ không ăn tiền thuế của dân đâu. Im lặng không phải khi nào cũng là vàng.
- Con người ta quả là đáng thương. Đúng là ai cũng phải đi làm và nhiều cơ quan thích vắt chanh bỏ vỏ. Có thể anh tham tán bị nhồi cho họp mười mấy tiếng liền và như thế có thể sai cả luật lao động và chuyện anh ngủ là đương nhiên. Có thể họ cũng cắt luôn quyền mở miệng của anh nữa. Mà cái này là truyền thống của Việt Nam rồi.
Người chụp ảnh tham tán ngủ nói với tôi ông hy vọng có điều gì tích cực sẽ đến với vị tham tán từ trải nghiệm này. Khi tôi nói tôi khó nghĩ ra có điều tích cực nào có thể đến với tham tán thì phóng viên Don Emmert, người chụp hình ở Liên Hiệp Quốc từ năm 1985, nói ông luôn cố biến mọi trải nghiệm thành điều gì đó tích cực. Tôi giải thích với ông về phản ứng của cộng đồng Facebook Việt Nam trước bức ảnh của ông và ông nói người ta có thể hiểu bức ảnh theo hai cách. Một là tham tán thiếu tôn trọng diễn giả và những người xung quanh. Hoặc tham tán chắc đã làm việc quá nhiều mới mệt đến thế. Ông Emmert cũng nói: “Tôi không chụp tấm ảnh đó để có đánh giá tích cực hay tiêu cực về Liên Hiệp Quốc hay các đại biểu. Tôi ở đó để cho công chúng thấy những gì xảy ra trong các cuộc họp.”