Chuyện thịt chó, mèo ở Việt Nam lên Quốc hội Mỹ
Hạ viện Mỹ mới thông qua một nghị quyết, kêu gọi Việt Nam “thông qua và thực thi các luật lệ cấm buôn bán thịt chó, mèo”, giữa lúc vấn đề này đang “nóng” ở trong nước.
Ngoài Việt Nam, Nghị quyết 401 còn thúc giục các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào và Ấn Độ cũng có hành động tương tự.
Văn bản này còn khẳng định “cam kết của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ động vật và thúc đẩy nỗ lực này trên toàn thế giới”.
Nghị quyết thông qua ngày 12/9 cũng kêu gọi các quan chức nhánh hành pháp Mỹ “đưa vấn đề buôn bán thịt chó mèo vào chương trình nghị sự" khi gặp gỡ quan chức các nước cho phép ăn thịt chó, mèo.
Các nhà lập pháp Mỹ trích số liệu của các tổ chức thúc đẩy quyền của động vật như Humane Society International nói rằng “ước tính khoảng 200 nghìn con chó đã bị đưa lậu từ Thái Lan sang Việt Nam mỗi năm”, và món thịt mèo mà “người địa phương gọi là thịt ‘tiểu hổ’ vẫn xuất hiện nhiều trong các nhà hàng đặc sản”.
Quan chức thành phố Hà Nội mới đây đã đề xuất “cấm bán thịt chó ở các quận nội thành vào năm 2021”.
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International, nói với VOA Việt Ngữ biết rằng đó là bước đi “sáng suốt”.
Tuy nhiên, bà cho rằng chính quyền thủ đô “mới đề cập đến việc cấm này vì đó là hành động phản cảm, giảm đi hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại, nhưng chưa nói thêm về các hệ luỵ khác của việc giết mổ chó, mèo làm thịt” nên đã “làm nảy sinh các thảo luận sôi nổi trên các mạng xã hội những ngày gần đây”.
Giám đốc của tổ chức có trụ sở ở Mỹ nói rằng Hà Nội “cần nâng cao nhận thức cho người dân; đề cập đến vấn đề vận chuyển, giết mổ chó còn là nguyên nhân reo rắc bệnh dại; việc kiểm soát và vận chuyển chó còn chưa thực hiện triệt để dẫn đến các hệ luỵ như nạn trộm chó”.
Bà Phượng nhận xét rằng chính quyền “đã cân nhắc để những người kinh doanh các dịch vụ liên quan có đủ thời gian chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang một công việc khác”.
Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International cho rằng “tự người dân Việt Nam cũng sớm nhận ra vấn đề và chuyển đổi dần thói quen ăn thịt chó, chứ không hẳn vì việc Hạ viện Hoà Kỳ ra nghị quyết không ràng buộc, thúc giục Việt Nam phải thay đổi việc này”.
Theo nghị quyết được các dân biểu Mỹ, trong đó có nhiều người quan tâm tới các vấn đề Việt Nam, bảo trợ, nhiều tổ chức ước tính rằng “khoảng 30 triệu con chó và 10 triệu con mèo bị giết lấy thịt mỗi năm ở châu Á”.
Các nhà lập pháp Mỹ nói rằng hiện “có ít bằng chứng khoa học để củng cố quan niệm truyền thống về công dụng của thịt chó đối với sức khỏe”.
Nghị quyết cũng cho rằng việc chó mèo “bị nhốt trong các lồng chật chội không được ăn uống khi được vận chuyển tới các lò mổ” đã “vi phạm các đạo luật chống lại việc đối xử tệ hại với động vật” của Mỹ.
Các loài gia súc gia cầm khác như gà, lợn, bò đã được nuôi công nghiệp và đáp ứng đủ không nói là dư thừa và đa dạng nguồn cung protein cho người dân, cả thành phố lẫn nông thôn. Lựa chọn ăn thịt các loài đã được thuần nuôi, dinh dưỡng đủ, có quy trình kiểm dịch từ chăn nuôi, giết mổ, cung ứng ra thị trường, chắc chắn sẽ là lựa chọn sáng suốt hơn cho người tiêu dùng.
Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International nhận định rằng việc giết mổ chó, loài động vật bà cho là “thông minh và gần gũi với con người” ở Việt Nam “chưa nhân đạo”.
“Các loài gia súc gia cầm khác như gà, lợn, bò đã được nuôi công nghiệp và đáp ứng đủ không nói là dư thừa và đa dạng nguồn cung protein cho người dân, cả thành phố lẫn nông thôn. Lựa chọn ăn thịt các loài đã được thuần nuôi, dinh dưỡng đủ, có quy trình kiểm dịch từ chăn nuôi, giết mổ, cung ứng ra thị trường, chắc chắn sẽ là lựa chọn sáng suốt hơn cho người tiêu dùng”, bà Phượng nói.
Trong một diễn biến liên quan, Hạ viện Mỹ hôm 12/9 cũng thông qua một dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo ở Hoa Kỳ và những ai vi phạm sẽ bị phạt lên tới 5 nghìn đôla. Trước đó, tin cho hay, việc này vẫn được coi là hợp pháp ở 44 tiểu bang tại Mỹ.
Dự luật do dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa từ biểu bang Florida, ông Vern Buchanan, đồng bảo trợ. Nhà lập pháp này nói rằng “chó và mèo đã làm bạn với hàng triệu người và không nên bị thịt để bán”.