‘Nút thắt’ lao động trong hiệp định thương mại VN-EU
Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi Việt Nam phê chuẩn những công ước lao động cốt lõi còn lại để hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, mà Việt Nam mong đợi từ lâu, được thông qua.
Hiện tại Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhưng vẫn chưa phê chuẩn 3 công ước về chống lao động cưỡng bức, quyền thương lượng tập thể và tự do liên kết, vốn là những thành tố quan trọng trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), theo một thông báo trên trang web của ILO đăng tải hôm 30/7.
Nghị viện châu Âu đòi hỏi các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo các quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thực thi.
Dự kiến, Việt Nam sẽ phải sửa đổi một số luật như Lao động, Công đoàn... Những luật này từng dự kiến được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khi TPP còn được hy vọng ký kết trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, muốn tham gia hiệp định thương mại tự do với châu Âu, một mục tiêu mà Hà nội đã nhắm tới và bắt đầu đàm phán từ hơn 5 năm nay, Việt Nam sẽ phải sớm thông qua ba công ước còn lại, và lồng ghép chúng vào hệ thống luật quốc gia,.
EVFTA là một “hiệp định dựa trên luật lệ”, nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu được báo SGGP ở tp HCM trích lời nói với báo chí hôm 27/7.
Theo ông Lange, Nghị viện châu Âu đòi hỏi các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo các quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thực thi.
EVFTA ban đầu được dự kiến ký kết trong tháng 12/2017 nhưng sau đó được hoãn lại tới mùa hè năm nay. Theo ông Lange thì việc phê chuẩn hiệp định này nay lại bị hoãn lại thêm một lần nữa, cho tới tháng 3/2019.
Sau khi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút ra khỏi hiệp định này, Việt Nam chỉ còn trông cậy vào EVFTA là hiệp định thương mại mang lại nguồn lợi nhiều nhất. Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm của Việt Nam từ Trung Quốc, nếu chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch),.
Ngoài lao động, vấn đề nhân quyền cũng được cho là một trở lực trong tiến trình đàm phán EVFTA giữa lúc Quốc hội châu Âu “đặt ra một số nghi vấn về cách nhà nước Cộng sản Việt Nam đối xử với công dân của chính mình.”
Cuối tháng 11/2017, chính phủ Việt Nam đề nghị châu Âu đừng đưa nhân quyền vào hiệp định thương mại tự do tuy nhiên các nhà tranh đấu nói rằng đề xuất này của Việt Nam khó có thể được Liên minh châu Âu chấp nhận.
Không đưa nhân quyền, đặc biệt là quyền của người lao động vào các hiệp định thương mại tư do, sẽ phương hại tới quyền lợi của giới lao động Việt Nam, theo nhận định của nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến hồi tháng 11 năm ngoái.
Ông Tuyến cho rằng nếu không có những điều khoản bảo vệ người lao động thì “hiệp định thương mại chỉ đem lại lợi nhuận cho giới chủ nhân và những kẻ cầm quyền.” Trong khi người lao động làm ra sản phẩm bị bóc lột mà chẳng có ai bảo vệ.
Vào tháng 6, 90 tổ chức đã gửi thư ngỏ tới Hội đồng Liên minh châu Âu và các thành viên của Quốc hội châu Âu để kêu gọi khối EU hủy bỏ hiệp định thương mại này, viện lý do là hồ sơ nhân quyền quá tồi tệ của Việt Nam.
Nhận định về ảnh hưởng của yếu tố nhân quyền đối với hiệp định thương mại tự do, thành viên quốc hội Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân quyền của nước này, Gyde Jensen, nói với VOA rằng “bảo vệ nhân quyền là tiền đề cho hiệp định thương mại.”
Bà Jensen cho rằng tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là tiêu biểu trong khu vực, bà cho biết Quốc hội Đức sẽ cân nhắc bất cứ vi phạm luật quốc tế nào của Việt Nam, kể cả vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại EU-Việt Nam. Theo quy định, EVFTA phải được thông qua tại Nghị viện của 28 nước thành viên EU, rồi sau đó sẽ được Nghị viện Châu Âu thông qua.
Theo quy định, EVFTA sẽ phải được thông qua tại Nghị viện của 28 nước thành viên EU và sau đó phải được Nghị viện Châu Âu thông qua.