Hàng ngàn người biểu tình ở Ba Lan phản đối luật bổ nhiệm th
Hàng ngàn người đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp Ba Lan hôm thứ Năm sau khi Tổng thống Andrzej Duda kí thành luật một dự luật mà trên thực tế cho phép chính phủ lựa chọn chánh thẩm phán kế tiếp của Tòa án Tối cao.
Liên minh Châu Âu, các tổ chức nhân quyền và các đảng đối lập ở Ba Lan nói rằng luật này và các thay đổi khác được thúc đẩy bởi Đảng Luật pháp và Công lý đương quyền sẽ làm suy yếu sự độc lập tư pháp và nền dân chủ.
Các đám đông tụ tập bên ngoài dinh tổng thống ở Warsaw hô to "đáng xấu hổ," Reuters tường trình. Nhiều người cầm nến và bút, gợi liên tưởng tới việc ông Duda sẵn sàng kí ban hành luật này. Họ la lớn "bẻ gãy bút" và "Ông sẽ đi tù."
Các cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại hơn hai chục thành phố và thị trấn trên khắp Ba Lan, theo Reuters.
Đảng Luật pháp và Công lý nói cần phải có một cuộc cải tổ để nâng cao hiệu năng của các tòa án và xóa bỏ ảnh hưởng của quá khứ cộng sản của Ba Lan.
Trước đó trong tháng này, 22 thẩm phán Tòa án Tối cao đã bị buộc phải về hưu non nhưng chánh thẩm phán Malgorzata Gersdorf đã từ chối rời đi, nói rằng nhiệm kì hiến định của bà đến năm 2020 mới hết hạn.
Sửa đổi mới nhất, được thượng viện Ba Lan thông qua trước đó trong tuần này, được soạn thảo để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc bổ nhiệm tân chánh thẩm phán Tòa án Tối cao.
Kể từ khi Đảng Luật pháp và Công lý nắm quyền vào năm 2015, hàng chục thẩm phán trên thực tế đã bị bãi nhiệm khỏi Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Tư pháp Quốc gia (cơ quan quyết định người được bổ nhiệm làm thẩm phán), và bây giờ là Tòa án Tối cao.
Những người mới được bổ nhiệm đã sử dụng các thủ tục cho quốc hội, nơi Đảng Luật pháp và Công lý chiếm đa số, thẩm quyền lớn hơn đối với các tòa án và cho chính phủ quyền kiểm soát lớn hơn đối với các thẩm phán.
Ủy hội Châu Âu đang tiến hành một cuộc điều tra chưa từng có về nền pháp trị và đã mở một số vụ kiện riêng rẽ chống lại Ba Lan, nước lớn nhất từng theo chế độ cộng sản trong khối EU, trong đó có một số vụ về Tòa án Tối cao.