Vụ án quốc tề ‘bắt cóc’ mở rộng một cách nguy hiểm
Tòa án liên bang Đức ở Berlin đang tiếp tục xử vụ án quốc tế bắt cóc tháng 7/2017, một vụ án dư luận CHLB Đức cho là nghiêm trọng chưa từng có, như thời chiến tranh lạnh của thế kỷ trước.
Cả lập pháp, hành pháp và tư pháp CHLB Đức chung một quyết tâm xét xử công khai, đến nơi đến chốn vụ án lớn này để không cho nó tái diễn, đe dọa nền an ninh của quốc gia hùng cường này.
Bà thủ tướng A. Merkel, tổng chưởng lý liên bang, trực tiếp chỉ đạo vụ án lớn này. Riêng việc hỏi cung bị can cũng là nhân chứng quan trọng Nguyển Hải Long đã kéo dài 3 phiên và còn kéo dài sang tận tháng 7 và tháng 8, đủ thấy tòa án làm việc tỷ mỷ, thận trọng, công khai, minh bạch ra sao.
Vụ án càng kéo dài lại có thêm tình tiết mới. Không phải chỉ có CHLB Đức và Tiệp mà nay CH Slovaque cũng liên quan khi ông Tô Lâm lấy cớ tăng quan hệ với nước này đã xin họ giúp một chuyên cơ đặc biệt và bộ trưởng Công an Slovaque nhẹ dạ đồng ý. Máy bay này phải bay qua không phận Ba Lan đến nước Nga, lẽ ra phải báo trước 10 ngày theo điều lệ hàng không nhưng đã bay ngay hôm đến và danh sách VIP - nhân vật quan trọng - không qua thẩm tra hộ chiếu có tên nhân vật Slovaque nhưng thật ra chỉ toàn người Việt. Nay cả Slovaque và Ba Lan đều giật mình ngỡ ngàng vì không ngờ vô tình liên quan đến vụ bắt cóc quốc tế phạm pháp này.
Thời Báo De ở Đức cho biết tại phiên tòa Berlin, bà Trần thị Phương Nga (thư ký tòa án ghi nhầm là Trần Dương Nga) vợ ông Trịnh Xuân Thanh khai rằng theo bà có 12 tướng, sĩ quan cấp cao ngành Công an có can dự ít nhiều vụ bắt cóc này, gồm có: Thượng tướng Tô Lâm, trung tướng Đường Minh Hưng, trung tướng Lê Mạnh Cường (phó Tổng cục trưởng Tình báo), Phạm Văn Hiếu, Lưu Trung Việt, Vũ Quang Dũng, Vũ Hồng Minh, Đào Công Duy, Vũ Trọng Kiên, Đặng Tuấn Anh và Nguyễn Thế Đôn.
Tại phiên tòa gần đây, nhân chứng Nguyễn Vân Anh, bạn gái của Vũ Đình Duy, cũng khai rõ các mối quan hệ với tướng Tô Lâm, với Đào Quốc Oai và Nguyễn Hải Long.
Phiên tòa đã dần dần bóc dỡ và công khai một loạt tên tuổi người Việt và quan chức ngoại giao Việt Nam hoạt động hoặc bị tình nghi liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, ngoài viên đại sứ bị cảnh cáo, viên đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa đã bị trục xuất, còn có Nguyễn Hải Long đang khai trước tòa, nay có thêm N.V. Tiến, nguyên lao động tại Đông Đức, nay làm nhà hàng ở Berlin, chơi thân với đại tá Thoa, nay lại có thêm Lê Đức Trung, bí thư thứ nhất Sứ quán, và Việt kiều L.K. Phong.
Phát hiện mới mẻ nhất là sứ quán Việt Nam ở Paris – Pháp cũng đã góp phần đắc lực trong vụ bắt cóc, như có nhiều ghi âm điện thọai giữa tướng Tô Lâm nói từ Pháp đi các nơi về vụ bắt cóc, rồi người trong sứ quán Paris thuê xe ô tô lớn và nhỏ đi sang Berlin / Đức và Brno / Tiệp. Có tin 1 cán bộ sứ quán sắp bị chính phủ Pháp trục xuất do sự can dự phạm pháp này, danh tính chưa công bố. Pháp luôn đồng tình với Đức là hạt nhân của khối Liên Âu.
Gần đây có tin phía Việt Nam sẽ đồng ý cho bố con Trịnh Xuân Thanh quay về CHLB Đức, trở về với tình hình trước cuộc bắt cóc, nhưng tin này chưa rõ nguồn, có thể chỉ là quả bóng thăm dò.
Xem ra vụ án này có thể xét xử kéo dài đến cuối năm. Mọi quan hệ Việt Nam - CHLB Đức, Việt Nam – Tiệp, Việt Nam – Slovaque, Việt Nam – Ba Lan, Việt Nam – Pháp sẽ căng thẳng kéo dài. Một tá 12 ông tướng Công an và cả ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể gặp khó khăn, rất phiền toái nếu có việc đặt chân trên đất Liên Âu.
Theo tiến sĩ Gerhard Will, nhà nghiên cứu chính trị Đức, vụ án sẽ kéo dài sang năm 2019 với nhiều khó khăn căng thẳng giữa Việt Nam và Liên Âu, làm đình trệ mối quan hệ toàn diện chính trị, kinh tế, thương mại, ngoại giao, đầu tư, viện trợ… cho đến khi lãnh đạo Việt Nam giật mình tỉnh ngộ, nhận lỗi, xin lỗi và cam kết không tái phạm, vì rõ ràng bắt cóc là chủ trương của đảng và Nhà nước VN mang tính chất côn đồ bạo lực không thể bỏ qua.
Nếu Hà nội một mực giữ ý kiến Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước, không có vụ bắt cóc, tòa án liên bang Đức sẵn sàng để ngỏ cho các luật sư và các bị can từ Việt Nam sang Berlin để thanh minh và tranh tụng công khai để Hội đồng xét xử rộng đường xem xét kỹ thêm và kết luận trước các nhà báo quốc tế.
Khả năng này không có, thì sẽ đến lúc 2 nước chính thức gặp nhau, phía Đức sẽ trình bày hồ sơ vụ án rất cụ thể với đầy đủ nhân chứng, vật chứng, hình ảnh hiện vật, Việt Nam sẽ hết đường chối cãi… Chẳng lẽ tất cả do phía Đức bịa đặt tưởng tượng ra hay sao.