Page 1 of 1

Cuộc thi em viết tiếng Việt năm 2011

PostPosted: Wed Jun 15, 2011 12:02 pm
by NewsReporter
VOA - Vietnam News

Ngày 6 tháng 4 năm nay, nhằm góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam tại hải ngoại và khuyến khích các em học tiếng Việt, Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn loan báo việc tổ chức lần đầu tiên cuộc thi viết văn xuôi với đề tài “Kỷ niệm về Tết hoặc những kỷ niệm đẹp của em” dành cho các học sinh từ 12 đến 18 tuổi và đang theo học tại các trường tiểu học và trung học tại vùng Hoa Thịnh Đốn.

Trong số những trường dạy tiếng Việt tại Washington D.C và vùng phụ cận có 3 trường là trường Việt ngữ Hoài Hương thuộc Maryland, và hai trường tại Virginia là trường Việt ngữ Thăng Long và Hội giáo dục trẻ em vùng Washington D.C có học sinh tham dự cuộc thi.

Kết quả đã có 9 em đoạt giải trong đó có một em được giải Xuất sắc, một em giải Đặc biệt, 4 giải đồng hạng và 3 giải khuyến khích. Cô Bùi Thị Đoan Trang thay mặt ban tổ chức cho biết thêm:

“Chúng tôi rất vui vì nhận được nhiều bài dự thi của các em. Tuy nhiên so với số học sinh hiện đang theo học tại các trường Việt ngữ thì các em dự thi quá ít. Chúng tôi hy vọng trong năm tới, các phụ huynh và các thầy cô sẽ khuyến khích các em tham dự nhiều hơn. Chúng tôi cũng nhận được sự yễm trợ quý báu về tinh thần cũng như vật chất của quí vị. Ban giám khảo là các thầy cô đang dạy những lớp Việt trong vùng.”

Cô Đoan Trang cám ơn sự tiếp tay và đóng góp tài chánh của các phụ huynh và các mạnh thường quân để việc tổ chức “Cuộc thi em viết tiếng Việt” đạt được kết quả tốt đẹp nhưng đồng thời cô cũng kêu gọi các phụ huynh học sinh quan tâm nhiều hơn nữa việc trau giồi tiếng Việt của con em:

“Chúng tôi cũng mong mỏi sự quan tâm của quý vị trong việc gìn giữ cho con cháu chúng ta biết nói và viết tiếng Việt. Một trong những điều quan trọng để phát huy văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.”

Bà Lê Tống Mộng Hoa, thuộc Hội giáo dục trẻ em vùng Washington D.C một trong những giám khảo có nhận xét về các bài dự thi:

“Các em viết rất thành thật và rất hay. Khi chấm tụi tui chia ra hai phần. Một phần là ý, phần thứ nhì là lời văn, cách hành văn như thế nào, có sai chính tả không. Nhưng ý quan trọng hơn vì các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên vấn đề chính tả không được như các em ở Việt Nam nhưng các em chỉ có vài lỗi sai. Cái đó làm cho chúng tôi rất vui. Từ trước đến giờ ba mươi mấy năm ở bên này, tôi cứ sợ thế hệ thứ nhất mất đi rồi thì các em không biết nói tiếng Việt, không đọc tiếng Việt, viết tiếng Việt nữa nhưng cuộc thi vừa rồi, khi chấm bài các em tôi có niềm hy vọng, tôi vui nhiều lắm vì các em vẫn không quên tiếng mẹ đẻ.”

Cô Chử Nhất Anh, Chủ tịch Hội Giáo dục Trẻ em vùng Hoa Thịnh Đốn giám khảo cuộc thi cũng có nhận xét về các bài dự thi:

“Cảm tưởng đầu tiên khi nhận được những bài đó là các em viết cũng thông suốt, dễ thương và trong sáng. Vấn đề chính tả thì các em viết cũng là khá, có thể cũng nhờ cha mẹ giúp đỡ cho, hoặc là các em cũng cố gắng tra tự điển để viết cho đúng. Có một số bài chính tả cũng yếu một chút xíu. Nhưng vấn đề chính tả không phải là vấn đề chính, vấn đề chính là cách hành văn của các em. Có những bài có lẽ các em sinh trưởng trên đất Mỹ nên cách suy nghĩ của các em là cách suy nghĩ của người Mỹ. Các em muốn viết một câu tiếng Việt các em dịch ra từ một câu tiếng Mỹ sang tiếng Việt nên có những bài mình đọc mình thấy như một bài văn dịch hơn một bài văn viết.”

Em Nguyễn Khánh Linh đoạt giải xuất sắc kể về chuyến đi phụ giúp các bác sĩ, nha sĩ phát thuốc cho người dân một làng nổi trên hồ Tonle Sap ở Campuchia mà em cho là một kỷ niệm đẹp của em.

“Sau khi em về Mỹ rất nhiều người tưởng vì em thấy cuộc đời khổ sở em sẽ thay đổi cách sống của em ở Mỹ. Lúc em về, em cũng tưởng là em sẽ không bao giờ muốn mua thêm quần áo hay tốn tiền sắm đồ khi em đã biết nhiều người thiếu đồ ăn và quần áo. Mà em rất ngạc nhiên vì em cảm thấy em đã có kỷ niệm này để giúp em hiểu là mặc dù ở Mỹ hay ở Campuchia, mặc dù mình nghèo khổ hay mình giầu có, cuộc đời lúc nào cũng có cái đẹp và cái xấu. Em nghĩ là những gia đình ở làng nổi thấy nhóm thiện nguyện là đẹp, và em cảm thấy là có cơ hội giúp người khác là cái đẹp trong cuộc sống. Đó là một trong những kỷ niệm quan trọng nhất.”

Bà Lê Tống Mộng Hoa có nhận xét sau đây về em Nguyễn Thị Vân Nhi được giải đặc biệt:

“Em Vân Nhi viết bài về ‘Em Tôi’ quá hay. Tôi chấm tôi nhớ câu kết luận ‘Dù gió có ngừng thổi, dù sóng có thôi vỗ bờ tôi cũng không bao giờ quên em tôi được.’ Cô Chính Tín nói là 25 tuổi cũng không viết được như vậy. Nhưng mà sau tôi nghĩ lại là có lẽ em này ở Việt Nam qua mình tìm cách liên lạc với em Vân Nhi đó thì đúng là em mới qua có 3 năm thôi. Em học ở Việt Nam thành ra em viết ý rất hay. Em của Vân Nhi chết. Kỷ niệm đẹp của Vân Nhi là thời gian chơi với em.”

Sau khi trao giải thưởng cho một em học sinh lớp bốn trường St. Michael đáp đúng câu châm ngôn “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” áp dụng cho trường hợp ông Mạnh Tử, Ông Đỗ Hồng Anh, chủ tịch Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia đã khuyến khích phụ huynh học sinh tích cực cho con em học tiếng Việt đồng thời ông cũng khuyên các em học sinh 3 điều căn bản.

“Các em nên nhớ ba điều sau đây. Thứ nhất chúng ta là người Việt tất nhiên phải biết tiếng Việt. Thứ hai là nếu chúng ta biết thêm một thứ tiếng nữa thì hoàn toàn có lợi cho chúng ta và thứ ba nữa lớn lên các em muốn lãnh đạo cộng đồng thì tất nhiên các em phải biết tiếng Việt. Không thể nào chúng ta lãnh đạo cộng đồng người Việt mà chỉ nói tiếng Anh trong các buổi hội thảo không thôi.”

Thầy Hoàng Vi Kha, Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Thăng Long, Virginia có ý kiến về “Cuộc thi em viết tiếng Việt” trong những năm tới:

“Chương trình này sẽ cố gắng duy trì mỗi năm và hình thức thì sau này sẽ phân ra đúng theo lứa tuổi và trình độ học tiếng Việt của mỗi em và thi sẽ thi ngay tại trường hoặc cơ sở nào mình có, gom các em lại thi trong một tiếng hai tiếng để có sự công bằng và phân theo lớp tuổi, chủ đề cũng phù hợp với khoảng tuổi. Nhiều em học sinh tuổi lớn hơn những em nhỏ khác nếu cùng một chủ đề thì không công bằng với những em nhỏ tuổi hơn. Qua kinh nghiệm này, nhóm có họp lại với mọi người trong ban tổ chức và chắc chăn năm sau sẽ có cải đổi lại.”

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.