VOA - Vietnam News
Bản dự thảo thỏa thuận buộc các bên tranh giành chủ quyền cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình đối với tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa có lời lẽ rất mơ hồ. Nhưng các giới chức Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận mà họ cho rằng sẽ giảm bớt căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN trong đó có đồng minh quân sự của Hoa Kỳ là Philippines.
Bắt đầu vòng thảo luận bên lề diễn đàn ASEAN, Ngoại trưởng Clinton hoan nghênh bản thỏa thuận trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc, mà bà cho biết cũng tập trung vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Tôi muốn khen ngợi Trung Quốc và ASEAN đã làm việc chặt chẽ để đưa ra các hướng dẫn thi hành về tuyên bố ứng xử ở biển Nam Trung Hoa, và dĩ nhiên, chúng ta sẽ thảo luận ước muốn chung về hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.”
Trung Quốc đã rơi vào thế kẹt trong cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt với bốn nước thành viên ASEAN là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam, cùng với Đài Loan, về chủ quyền biển Nam Trung Hoa, các tuyến hàng hải thiết yếu, cũng như các nguồn năng lượng tiềm tàng tại vùng biển này.
Ngồi đối diện với bà Clinton, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói Bắc Kinh, mà cho tới nay là nước tuyên bố chủ quyền các khu vực lớn nhất trong vùng biển, muốn chứng kiến một giải pháp êm thắm.
Ông nói: “Tôi thực sự tin tưởng rằng việc chốt lại hướng dẫn này hết sức quan trọng, và nó sẽ giúp ích nhiều trong việc duy trì hòa bình, ổn định và tình láng giềng hữu hảo trong khu vực này. Nó cũng tạo các điều kiện thuận lợi cho việc xử lý và giải quyết hợp lý các tranh chấp của những bên tuyên bố chủ quyền.”
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell cũng hoan nghênh các hướng dẫn trên, và nói rằng thỏa thuận, dù còn sơ khởi, đã cải thiện bầu không khí chính trị trong khu vực.
Ông Campbell nói: “Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận này. Đây là một bước quan trọng đầu tiên. Tôi nghĩ nó giảm bớt căng thẳng. Nó cải thiện không khí. Nhưng rõ ràng nó mới chỉ là bước đi đầu tiên, và chúng tôi cần phải chứng kiến các cuộc trao đổi tiếp theo giữa Trung Quốc và ASEAN.”
Trao đổi với báo giới, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoan nghênh tin tức về các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa Bắc và Nam Triều Tiên bên lề diễn đàn ASEAN.
Hôm qua Hoa Kỳ đã cực lực bác bỏ tin tức về khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tại Bali, và giới chức cấp cao nói rằng một cuộc gặp kiểu như vậy là điều “không thể nghĩ tới” trong tình hình thiếu tiến triển quan trọng trong mối quan hệ đầy sóng gió giữa Bắc và Nam Triều Tiên.
Giới chức cấp cao này cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Campbell đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Miến Điện Wunna Maung Lwin tại Bali trong tuần này, và đề ra các hướng dẫn rõ ràng về việc mà tân chính phủ dân sự trên danh nghĩa cần phải làm để cải thiện quan hệ với Washington.
Giới chức cho rằng kết quả của việc chính quyền của Tổng thống Obama tiếp xúc với chính quyền quân nhân “gây nhiều thất vọng,” và nói rằng tân chính quyền cần phải thực hiện hành động “dứt khoát khác biệt” nếu Miến Điện muốn chấm dứt sự cô lập chính trị.
Ông nói rằng trong tuyên bố đưa ra tại diễn đàn ASEAN vào ngày mai, bà Clinton sẽ đề ra các điều khoản để cải thiện quan hệ, trong đó có yêu cầu thả thù nhân chính trị Miến Điện, đối thoai giữa tân chính phủ và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, chấm dứt hành động quân sự đối với những người dân tộc thiểu số, và chấm dứt bất kỳ quan hệ thương mại nào của Miến Điện với Bắc Triều Tiên đã bị cấm chỉ theo nghị quyết của LHQ.
Ông nói dù có một số 'khả năng le lói' sớm sủa từ đội ngũ lãnh đạo mới, giới chức Hoa Kỳ vẫn chưa nhìn thấy điều gì đáng kể, và rằng 'đã hết thời gian' cho mối quan hệ cải thiện.