Giới trẻ Việt Nam và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc (ph

PostMon Jul 04, 2011 12:31 pm

VOA - Vietnam News

Huy: Thông tấn xã Việt Nam có đăng tin, nhưng mình đọc càng thấy buồn tủi hơn khi họ nói rằng “một nhóm người tụ tập tự phát” trong một đoạn tin rất ngắn, còn tệ hơn tin xe đụng nữa. Tin xe đụng nhiều khi họ còn chụp hình đăng hình lên nữa kìa. Điều này làm mình cảm thấy rất buồn. Ngay cả nhật báo ở Úc còn đăng trang nhất hình ảnh một thanh niên ở Hà Nội cầm cờ Trung Quốc có đầu lâu bắt chéo, mà báo ngay ở Việt Nam lại không có hình gì cả.  

Trà Mi: Anh Huy ghi nhận chỉ có một mẫu tin rất nhỏ về vụ này trên một vài tờ báo trong số hơn 800 tờ báo ở Việt Nam. Thế còn hai người bạn ở phía Bắc thì sao?

Lâm: Em cũng chỉ đọc được 2 mẫu tin ngắn trên báo điện tử Thanh Niên và Tuổi Trẻ nói rằng báo chí nước ngoài đưa tin về cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam là sai sự thật. Đọc xong em cảm thấy rất buồn và nản, không hiểu sao họ có thể đưa tin như thế.

Trà Mi: Vì bạn cho rằng ngay bản tin của báo Việt Nam là không đúng sự thật khi nói thông tin của nước ngoài sai sự thật?

Lâm: Vâng. Họ bảo chỉ có một nhóm nhỏ đi tuần hành ở Hà Nội và TPHCM ngày 5/6, nhưng thật sự ở miền Bắc gần 1 ngàn người và ở miền Nam gần 5-6 ngàn người.

Trà Mi: Ý kiến anh Quyền có gì khác không?

Quyền: Tôi cho rằng quan trọng không phải ở số lượng người nhiều hay ít mà quan trọng là đây là sự kiện cho thấy người dân Việt Nam đã vượt qua nỗi sợ để bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam.

Huy: Chê trách các nhà báo cũng không đúng. Họ bị áp lực từ phía trên đưa xuống. Mình biết nhiều anh em nhà báo họ bức xúc lắm, nhưng họ muốn đăng bài cũng không được. Chẳng hạn như cuộc biểu tình lần trước, nhà báo Trung Bảo có viết một bài mà cuối cùng cả ba của anh ta cũng phải lên đường. Guồng máy đang vận hành sẵn sàng nghiền nát những gì không thích hợp với nó.

Trà Mi: Cũng có những ý kiến ngược lại cho rằng nếu loan tin nhiều về những cuộc tuần hành này e sẽ gây ra những xáo trộn không cần thiết trong tâm lý công luận. Các bạn có ý kiến thế nào về phản hồi đó?

Huy: Chuyện mấy trăm tờ báo ở Việt Nam là cái loa gì, mọi người nói nhiều lắm rồi. Tuy nhiên, nếu họ nghĩ cuộc tuần hành của vài ngàn người mà cho là chuyện nhỏ thì chuyện mất nước đối với họ cũng là chuyện nhỏ luôn.

Quyền: Tôi thấy đây là một hiện tượng rất bất thường. Đối với nền báo chí của các nước khác, các cuộc tuần hành này sẽ là chuyện hàng đầu, nhưng ở Việt Nam vì hệ thống hơn 700 tờ báo chỉ có 1 ông Tổng biên tập là Ban Tuyên giáo Trung ương. Trường hợp này cho thấy báo chí ở Việt Nam không hề độc lập chút nào. Nói hay viết, không nói hay không viết, đều theo sự chỉ đạo ở bên trên. Quả là rất đúng. Lãnh đạo cấp cao không cho báo chí đưa tin đúng về các cuộc tuần hành ở hai miền Nam-Bắc chống Trung Quốc.

Trà Mi: Nếu nhận xét của anh Quyền là đúng, vì sao chính quyền Việt Nam cho phép sự kiện này diễn ra mà lại không cho phép loan tin về nó. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy?

Lâm: Họ không muốn một cuộc biểu tình tiếp theo.

Quyền: Sở dĩ cuộc tuần hành ngày 5/6 diễn ra mà không bị đàn áp khốc liệt như các cuộc biểu tình trước vì đây là tình thế bắt buộc, nhà cầm quyền Việt Nam phải để cho dân bày tỏ thái độ. Tuy nhiên, họ vẫn muốn khống chế ở mức họ kiểm soát được. Nếu họ đưa tin, đó là một cách cổ võ sự hăng hái, quan tâm của mọi người, nhưng đây hoàn toàn không hề có.

Trà Mi: Anh Huy nhận xét thế nào? Sự mâu thuẫn này phải chăng là một thái độ lúng túng của chính quyền Việt Nam trước Trung Quốc và trước phản ứng của quần chúng?

Huy: Thật ra nhà nước không lúng túng. Nếu cấm sẽ có phản ứng ngược, nhưng nếu cho rầm rộ quá cũng sẽ có phản ứng ngược từ anh bạn ‘láng giềng tốt’, tốt mà sau lưng cứ đâm hoài. Họ không muốn loan tin nhiều sợ tạo thành tiền lệ sau này, đặc biệt đối với việc cực kỳ nhạy cảm ở Việt Nam là đi biểu tình.  

Trà Mi: Anh Huy cho rằng họ không muốn có tiền lệ, nhưng sau các diễn biến những ngày gần đây, liệu sẽ có một cuộc tuần hành tương tự trong thời gian sắp tới hay không?

Lâm: Theo em, chắc chắn có.

Trà Mi: Các bạn có dự đoán một thái độ khác, cách cư xử khác từ phía chính quyền nếu có những cuộc tuần hành tương tự xảy ra?

Lâm: Chắc chắn sẽ có thái độ khác. Chính quyền chắc chắn sẽ có biện pháp nào đó để đàn áp những người biểu tình trong lần tiếp theo.

Trà Mi: Lâm vẫn dè chừng. Quyền và Huy?

Quyền: Tôi lạc quan hơn Lâm. Tôi biết rất nhiều bạn bè và những người xung quanh tôi họ rất quan tâm, nhưng vì họ chưa vượt qua được nỗi sợ. Tôi vẫn hy vọng lượng người tham gia tuần hành sẽ đông hơn.

Huy: Qua cuộc biểu tình vừa rồi, người dân sẽ thấy và tự đặt câu hỏi cho mình rằng thanh niên, giới trẻ làm được như vậy, bản thân mình có phải là người Việt Nam không, có yêu nước không, mình sẽ phải như thế nào đối với đất nước của mình.

Quyền: Tôi đã vượt qua được nỗi sợ của bản thân mình khi tham gia vào các cuộc tuần hành này. Tôi cảm thấy tự nhiên mình có sự tự tin rất lớn. Không có lý do gì có thể ngăn cản tôi tham gia tuần hành để biểu thị thái độ của mình đối với sự xâm lấn lãnh hải từ Trung Quốc.

Lâm: Mình thì lúc nào cũng sẵn sàng, tham gia tuần hành là vì tình yêu tổ quốc nên mình chả sợ gì cả.

Trà Mi: Ngoài tinh thần hăng hái biểu hiện thái độ và tư tưởng của mình về vấn đề chủ quyền đất nước, các bạn cũng cho biết chưa mấy hài lòng về cách phản ứng của chính quyền. Vậy thì chính quyền Việt Nam nên làm gì hơn nữa? Họ đã phản đối, đã lên tiếng, đã khẳng định..v.v…, nhưng các bạn vẫn chưa thấy đủ. Theo các bạn, cần phải làm gì hơn nữa?

Huy: Trung Quốc không sợ Việt Nam vì Việt Nam không có một người bạn lớn. Khi Trung Quốc đưa tàu hải giám vào, Philippines điều ngay chiến đấu cơ lên vì sau lưng Philippines có những người bạn lớn. Còn chúng ta hiện giờ vẫn đang đơn độc một mình, chưa có những người bạn lớn. Chuyện có những người bạn lớn hay không tùy thuộc vào các vị lãnh đạo của Việt Nam có biết chọn đúng bạn mà chơi hay không.

Quyền: Trung Quốc không hề sợ lực lượng võ trang của Việt Nam đâu vì so với họ lực lượng của mình quá nhỏ bé, thiết bị quân sự của mình cũng không hiện đại bằng họ. Cũng có những nước có thể giúp Việt Nam, nhưng có câu ‘Nước xa không cứu được lửa gần’. Tôi cho rằng để đối phó lại sự bành trướng của Trung Quốc, cách tốt nhất là chính quyền Việt Nam phải lấy được lòng dân, sự đồng lòng của người dân Việt Nam với chính quyền Việt Nam. Đó mới là mấu chốt. Không phải chỉ trong vấn đề biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, mà trong tất cả các vấn đề khác, kể cả sự phát triển của đất nước, mấu chốt phải là lòng dân. Chính quyền phải có được lòng dân. Như những cuộc tuần hành này, lẽ ra chính quyền phải tôn trọng nguyện vọng, ý chí của người dân, phải cho lực lượng an ninh bảo vệ đoàn người biểu tình chứ không phải là dùng lực lượng an ninh để ngăn chặn người biểu tình.

Lâm: Để giải quyết vấn đề lãnh hải, Việt Nam nên quan hệ với một số nước lớn trong khu vực và tìm cách đa phương hóa vấn đề này.

Trà Mi: Các bạn nghe đài muốn chia sẻ quan điểm về các diễn tiến liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông hoặc muốn trực tiếp thảo luận trong chương trình Tạp chí Thanh Niên hằng tuần, xin email số phone về vietnamese@voanews.com. Trà Mi cũng mong được đón nhận ý kiến trao đổi của độc giả khắp nơi trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên website của đài VOA: www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên xin tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý vị vào giờ này, tuần sau.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Viet Nam - Vietnam News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 809 guests

cron