VN loan báo tập trận bằng đạn thật ở biển Đông

PostFri Jun 10, 2011 7:16 am

VOA - Vietnam News

Một nhật báo do nhà nước điều hành ở Việt Nam loan báo một cuộc tập trận bằng đạn thật tại một khu vực ở biển Đông trong một hành động rõ ràng là để đáp lại yêu cầu của Trung Quốc đòi Việt Nam ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực này.

Theo tin của hãng thông tấn AP, loan báo do tờ Đất Việt đăng tải hôm thứ 6 nói rằng hải quân Việt Nam sẽ bắn đạn thật vào thứ hai tới đây trong vùng biển ngoài khơi duyên hải miền trung và cảnh báo các tàu bè và máy bay tránh xa khu vực này.

Loan báo vừa kể được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc yêu cầu Việt Nam ngưng xâm nhập khu vực mà họ nói là hải phận của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam gây nguy hiểm cho tính mạng của ngư dân Trung Quốc.

Theo tin của Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ 5 hối thúc Việt Nam ngưng chỉ tất cả những hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa - nhóm đảo mà Việt Nam gọi là Trường Sa, và vùng biển xung quanh.

Ông Hồng Lỗi nói rằng ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt cá trong vùng biển gần Trường Sa từ xưa tới nay nhưng đã bị tàu vũ trang của Việt Nam xua đuổi vào sáng ngày thứ 5, và trong lúc rượt đuổi các chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đã vướng vào dây cáp của một chiếc tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trái phép trong hải phận của Trung Quốc.

Người phát ngôn Trung Quốc nói thêm rằng chiếc tàu thăm dò của Việt Nam đã bất chấp sự an toàn của ngư dân Trung Quốc và tiếp tục lôi chiếc tàu Trung Quốc chạy ngược trong hơn một giờ đồng hồ.

Ông Hồng Lỗi đưa ra tố cáo vừa kể vài giờ sau khi Việt Nam nói rằng tàu đánh cá Trung Quốc, với sự yểm trợ của hai chiếc tàu tuần tiễu mà phía Trung Quốc gọi là tàu ngư chính, đã gây hư hại cho dây cáp thăm dò của tàu Viking II, một chiếc tàu khảo sát địa chấn của công ty dầu khí quốc doanh của Việt Nam.

Phía Việt Nam nói thêm rằng đây là lần thứ nhì trong vòng hai tuần mà phía Trung Quốc gây cản trở và thiệt hại cho hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong vùng biển nằm trong thềm lục địa Việt Nam.

Các giới chức ở Hà Nội cũng tố cáo rằng những hành động đó của Trung Quốc là những hành động có dự tính từ trước với mục đích gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.  

Các giới chức Trung Quốc cũng bác bỏ tố cáo và kháng nghị của Philippines về điều mà Manila gọi là những vụ xâm nhập  trái phép vào hải phận của mình.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Lưu Kiến Siêu, hôm thứ 5 nói rằng Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ nhiều thế kỷ. Tuy nhiên ông Lưu nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ một hiệp định ký kết năm 2002 liên quan tới vấn đề khai thác khu vực này.

Sáu nước Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, và Brunei tuyên bố có chủ quyền từng phần hoặc toàn phần đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.

Trong vài tháng qua, Philippines và Việt Nam đã loan báo những vụ việc liên quan tới các tàu bè của Trung Quốc bên trong các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của mình.

Những vụ việc này đang làm gia tăng sự lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á, mặc dù Trung Quốc nhiều lần tuyên bố ý định hợp tác phát triển kinh tế ở Biển Đông và cam kết không dùng vũ lực để bảo vệ quyền lợi của họ trong khu vực.

Cả hai chính phủ Việt Nam và Philippines đều khẳng định quyết tâm bảo vệ lãnh hải của mình.

Báo chí Việt Nam hôm thứ 5 trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nói rằng “nhân dân Việt Nam có đủ ý chí, quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.”

Hoa Kỳ nhiều lần kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông giải quyết các mối tranh chấp một cách hòa bình và bảo đảm tự do hàng hải trên tuyến đường huyết mạch của hoạt động vận tải đường biển quốc tế.

Bắc Kinh nói rằng họ sẽ thảo luận song phương với các bên khác trong vụ tranh chấp, nhưng các thành viên của ASEAN muốn tiến hành những cuộc đàm phán đa phương.


Nguồn: AP/Dat Viet
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Viet Nam - Vietnam News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 790 guests

cron