Nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại nhiều hơn dự kiến đã khiến các quan chức tài chính hàng đầu thế giới đưa ra lời kêu gọi vượt qua các bất đồng thương mại và lựa chọn hợp tác đa phương cũng như ‘hành động chính sách kịp thời’.
Các nhà hoạch định chính sách từ nhóm các nước G-20 bao gồm các quốc gia phát triển và mới nổi đang lo ngại rằng sự yếu ớt thấy rõ ở những nền kinh tế chủ chốt có thể lan rộng, nhất là khi căng thẳng thương mại, chẳng hạn như thương chiến Mỹ-Trung, leo thang nhiều hơn nữa.
“Cán cân rủi ro vẫn nghiêng về phía đi xuống,” Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G-20. “Chúng tôi nhận thấy rủi ro triển vọng tăng trưởng có thể xấu đi nếu sự suy yếu ở các nền kinh tế chủ chốt lây lan lẫn nhau.”
Nhận định của ông Aso trùng hợp với ý kiến của các quan chức khác vốn đang tề tựu ở Washington để tham dự kỳ họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhiều người trong số họ than phiền rằng những vết thương tự gây ra từ các chính sách bảo hộ chính là nguyên nhân khiến kinh tế toàn cầu suy yếu. Các phiên họp này khai mạc khi IMF đã một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhấn mạnh nhu cầu của các nước phải có các bước đi xây dựng nền kinh tế toàn cầu năng động hơn.
“Có sự hiểu biết chung trong số các nước G-20 rằng mỗi nước cần phải có hành động chính sách kịp thời,” ông Kuroda phát biểu tại cuộc họp báo.
Là chủ tịch hiện tại của G-20, Nhật muốn đi sâu vào các cuộc đàm phán về sự mất cân bằng toàn cầu – nỗ lực để chuyển sự quan tâm của Washington ra khỏi vấn đề mất cân bằng thương mại song phương và đẩy lùi áp lực của Mỹ muốn đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng trật tự thế giới đa phương dựa trên luật lệ đang ngày càng bị đe dọa và các nhà lãnh đạo phải ủng hộ hợp tác quốc tế.
Ông Scholz kêu gọi Hoa Kỳ vượt qua những khác biệt thương mại với châu Âu, vốn đã bùng phát trở lại trong tuần này khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên 11 tỷ đô la giá trị hàng xuất khẩu của EU, trong đó có máy bay thương mại.
“Tôi tin rằng đây là vấn đề nguyên tắc, nó không phải chỉ là đạt được một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Nó không phải là về nghệ thuật đàm phán,” ông Scholz nói với ý nhắc đến quyển sách về nghệ thuật đàm phán của ông Trump.