Việt Nam: Top 20 nước đàn áp Thiên chúa giáo tệ hại nhất

PostFri Jan 25, 2019 6:13 pm

VOA - Vietnam News


Việt Nam trong top 20 nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo nặng nề nhất trên tổng số 50 nước được tổ chức OpenDoors theo dõi và đánh giá trong năm 2018.


Phúc trình vừa công bố của cơ quan giám sát toàn cầu chuyên bảo vệ các tín đồ Thiên Chúa giáo bị đàn áp trên thế giới nhấn mạnh vào sự đàn áp đối với hai nhóm tín đồ Thiên Chúa giáo: các sắc tộc thiểu số và những người hoạt động chính trị chống chính quyền.


Báo cáo của OpenDoors nói chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ cấp trung ương đến cấp địa phương ‘theo dõi các hoạt động của người theo Thiên Chúa giáo và gây áp lực lớn lên các tín đồ’.


OpenDoors ghi nhận trong năm 2018 Việt Nam đã bỏ tù một số nhà hoạt động, blogger Công giáo và mục sư Tin Lành. Báo cáo dẫn ra trường hợp của giáo dân Nghệ An Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù về cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ cùng vụ trục xuất luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và thành viên ‘Hội Anh em Dân chủ’ Lê Thu Hà sang Đức. Ông Đài và bà Hà đều là tín đồ Thiên Chúa giáo. Hồi tháng 10 năm 2018, một tín đồ Công giáo khác là blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phóng thích sau hai năm thụ án với điều kiện phải sang Mỹ sống lưu vong.


Vẫn theo OpenDoors, năm qua có một số giáo xứ và tu viện ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh bị tấn công và ‘bị áp lực của các côn đồ do chính quyền thuê’, phải chấp nhận bị cưỡng chế thu hồi đất.


Một nhóm con chiên Thiên Chúa giáo khác đặc biệt bị ngược đãi ở Việt Nam là các sắc dân thiểu số, theo OpenDoors. Tổ chức này cho biết đa số người cải đạo sang Thiên Chúa giáo là các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam và ước tính có đến 80% tín đồ Tin Lành ở Việt Nam là người dân tộc thiểu số.


Phúc trình chỉ ra một số hình thức ngược đãi chẳng hạn như học sinh theo đạo bị phân biệt đối xử ở trường và không được quan tâm như các bạn học khác hay không được chăm sóc y tế. Một số em ‘thậm chí còn không được đi học’. Khi sinh viên người dân tộc ở Tây Nguyên cải đạo sang Thiên Chúa giáo (chủ yếu là Tin Lành), các em bị trường đe dọa đuổi học hoặc bị các thầy cô giáo thuyết phục bỏ đạo.


Sự ngược đãi không chỉ xuất phát từ chính quyền mà còn xảy ra ở chính những người thân, gia đình, cộng đồng, làng xã của người cải đạo, theo báo cáo.


OpenDoors nói khi phát hiện có người mới theo đạo Thiên Chúa ở những nơi mà phong tục tập quán của tổ tiên họ vẫn còn mạnh, để bảo vệ văn hóa của buôn làng, các trưởng tộc sẽ khai trừ người đó ra khỏi làng và xem họ là ‘những kẻ phản bội văn hóa và bản sắc của cha ông’. Ngoài ra, các lãnh đạo buôn làng còn hợp tác với chính quyền để ngược đãi những người cải đạo còn dân làng thì ngăn cản các buổi cầu nguyện của con chiên trong làng.


OpenDoors cho biết những người cải đạo còn bị người thân trong gia đình cắt đứt mọi quan hệ và không cho thừa hưởng gia sản. Trong một số trường hợp, họ còn buộc ly hôn với người vợ hoặc chồng theo Thiên Chúa giáo và không cho họ quyền nuôi con.


Trung Quốc ‘đỡ hơn’


Tổ chức OpenDoor cho biết cứ ba tín đồ Thiên Chúa giáo ở châu Á thì có một người bị ngược đãi. Trên toàn cầu, tổ chức này ước tính, có 245 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo bị ngược đãi, tăng so với 215 triệu người một năm trước đó.


Trên bảng xếp hạng, so với Trung Quốc, Việt Nam hà khắc hơn đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã đi từ hạng 43 lên hạng 27, tức là đàn áp ngày càng mạnh tay.


Ở Trung Quốc, tình trạng phân biệt đối xử với tín đồ Thiên Chúa giáo, kể cả Công giáo và Tin Lành, là tệ nhất trong vòng một thập niên, theo OpenDoors, với ít nhất 50 triệu người bị các hình thức đàn áp nào đó trong lúc chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát tôn giáo.


Ông Henrietta Blyth, trưởng điều hành của Open Doors Anh và Ireland, dẫn lời một số lãnh đạo Giáo hội ở Trung Quốc cho biết sự ngược đãi trong năm 2018 là ‘tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa hồi năm 1976’.


Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia có đông tín đồ Thiên Chúa giáo nhất thế giới vào năm 2030 do dân số khổng lồ của nước này. Hiện ước tính có khoảng 93 cho đến 115 triệu tín đồ Tin Lành và từ 10 cho đến 12 triệu tín đồ Công giáo ở Trung Quốc. Đa phần sinh hoạt với các giáo hội không đăng ký với chính quyền.


Trong năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã đóng cửa hàng trăm nhà thờ không chính thức, bắt giam các linh mục và các tín đồ, hạ thánh giá, cấm bán Kinh Thánh trực tuyến và tăng cường giám sát các hội thánh. Hồi tháng trước, một số trường học và thành phố đã cấm tổ chức Lễ Giáng sinh.


Ông Blyth cho biết sự ngược đãi ở Trung Quốc là do ba yếu tố: sự lãnh đạo về mặt tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình, lo lắng của chính quyền về sự gia tăng tín đồ Thiên Chúa giáo và việc sử dụng công nghệ như là một công cụ đàn áp.


Tháng 9 năm ngoái, Vatican đã ký một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục với mục đích làm nồng ấm hơn quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Tuy nhiên, một số vị chức sắc trong giáo hội gọi đây là sự phản bội. Hồng y Joseph Zen, cựu Tổng giám mục Hong Kong, nói rằng hậu quả sẽ là ‘thảm họa và kéo dài’ không chỉ đối với giáo hội ở Trung Quốc mà còn là toàn thể giáo hội bởi vì nó hủy hoại uy tín.


Dẫn đầu danh sách các nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo mạnh tay nhất là Bắc Triều Tiên. Tiếp theo sau lần lượt là Afghanistan, Somalia, Libya, Pakistan, Sudan, Eritrea, Yemen, Iran và Ấn Độ.


Theo Open Doors, chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Ấn là nguyên nhân làm tăng các vụ tấn công bạo lực của những người Hindu cực đoan nhắm vào các tín đồ Thiên Chúa giáo và nhà thờ.


“Đối với nhiều người Thiên Chúa giáo ở Ấn Độ, cuộc sống thường nhật của họ giờ đây đầy sự sợ hãi, hoàn toàn khác với bốn hay năm năm trước đây,” ông Blyth nói.


Mười tám năm liên tiếp Bắc Triều Tiên dẫn đầu danh sách các nước bức hại tín đồ Thiên Chúa giáo. Trong năm 2018, hơn 4.305 tín đồ Thiên Chúa giáo bị sát hại tại quốc gia cộng sản cô lập này chỉ vì đức tin của họ, theo Reuters.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Viet Nam - Vietnam News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1008 guests

cron