Ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu chuyên trách thương mại quốc tế (INTA) có kế hoạch thực hiện một buổi điều trần công khai hôm 10/10 về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Vietnam, trong đó một chuyên gia nhân quyền Việt Nam được mời phát biểu.
Buổi điều trần, có tên đầy đủ là “Các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam – lợi ích và giá trị”, dự kiến diễn ra tại Brussels, Bỉ, vào cuối buổi chiều ngày 10/10, theo trang web của Nghị viện châu Âu.
Vào thời điểm bài viết này được đăng, buổi điều trần chưa diễn ra. Chương trình do nghị viện công bố cho biết thêm ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương Việt Nam, và bà Helena Konig, Phó Tổng Giám đốc chuyên trách Thương mại, Ủy ban châu Âu, sẽ có những bài thuyết trình chính.
Tiếp sau là phiên thảo luận với tiến sĩ Nguyễn Quang A, người được giới thiệu trong tờ chương trình là “Chuyên gia Nhân quyền đến từ Việt Nam”, và các đại diện của Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, và tổ chức vận động hành lang BUSINESS Europe.
Tiến sĩ Quang A cho VOA biết buổi điều trần sẽ kết thúc lúc 6h30 chiều, giờ Brussels, tức 11h30 đêm 10/10, giờ Hà Nội.
Trước khi bước vào tham gia điều trần, ông Quang A nói với VOA về những điểm chính ông sẽ trình bày với INTA:
“Họ mời tôi với tư cách là một chuyên gia về xã hội dân sự. Thế thì tôi chỉ bàn đến những khía cạnh về nhân quyền và dân chủ hóa của EVFTA thôi. Chỉ xoay quanh những điểm đấy thôi, không bàn về kinh tế, không bàn về chính trị”.
Việt Nam và EU khởi động đàm phán về hiệp định thương mại tự do, gọi tắt là EVFTA, vào tháng 6/2012 và hoàn tất đàm phán vào đầu tháng 12/2015.
Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các trở ngại chính.
Đánh giá về ý nghĩa của buổi điều trần do INTA chủ trì, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân rằng ủy ban này “hiện nắm chìa khóa của EVFTA”.
Ông Tuấn, người cũng là một cây viết bình luận được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, cho rằng phiên điều trần lần này là “dịp quan trọng” để INTA cân nhắc những vấn đề chính yếu kể trên trước khi họ đi đến quyết định có trình ra Nghị viện châu Âu để phê chuẩn trong kỳ họp cuối cùng vào tháng 3/2019 hay không.
Buổi điều trần được tổ chức trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, các tòa án trong hệ thống chính quyền Việt Nam liên tiếp tuyên các bản án nặng nề, thậm chí tới 15 năm tù, đối với hơn 30 người
về các tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 9/10 đã ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại” về xu hướng Việt Nam “gia tăng” bắt giữ và kết án tù lâu năm đối với những người mà Mỹ coi là “các nhà hoạt động ôn hòa”.
Trước đó, hôm 17/9, 32 nghị sĩ Liên hiệp châu Âu đã gửi một bức thư chung đến hai lãnh đạo của khối, đề nghị họ “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam” trước khi phê chuẩn EVFTA.
Một đoạn trong bức thư gửi đến Đại diện Cấp cao đặc trách chính sách Đối Ngoại và An ninh của EU, bà Federica Mogherini, và Ủy viên Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom, viết rằng điều cấp thiết EU phải làm là “nêu rõ về một loạt các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng” trước khi EVFTA được ký chính thức và phê chuẩn.
Nhóm nghị sĩ cảnh báo rằng Việt Nam cần “nỗ lực một cách thực tâm” để giải quyết các vấn đề nhân quyền cấp bách vừa nêu, đồng thời “cho thấy những cải thiện cụ thể” trước khi nghị viện bỏ phiếu về hiệp định EVFTA. Nếu không, “chúng tôi khó có thể bỏ phiếu thuận để thông qua hiệp định,” nhóm nghị sĩ nói trong thư.
Theo trang web của Nghị viện châu Âu, khối này và Việt Nam mới chỉ đồng ý với nhau về nội dung văn bản EVFTA, còn ba bước lần lượt tiếp theo - gồm ký kết, Nghị viện EU thông qua, và phê chuẩn chung cuộc - hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Trong giới hoạt động vì dân chủ, nhân quyền Việt Nam, hiện có luồng ý kiến giống 32 nghị sĩ EU, đó là khối này cần gây sức ép mạnh mẽ để Việt Nam cải thiện nhân quyền rõ rệt trước khi thông qua EVFTA, và ngược lại, cũng có nhiều người khác cho rằng việc ký kết hiệp định có thể diễn ra trước.
Tiến sĩ Quang A nhận xét với VOA rằng việc này tương tự như vấn đề “con gà hay quả trứng có trước”, nhưng cá nhân ông ủng hộ việc ký kết trước. Ông lý giải:
“Chính kiến của tôi là phải ký, phải thông qua thì lúc đó mới có một cơ chế để mà tiến hành những cái đòi hỏi về cải thiện nhân quyền”.
Trong các bài viết trên Facebook cá nhân, ông Quang A cho hay chính quyền Việt Nam từng lo ngại về việc ông ra điều trần ở Nghị viện châu Âu nên đã tạm giữ và cấm ông xuất cảnh hôm 18/9. Tuy nhiên, dường như chính quyền đã có sự thay đổi về thái độ và cách tiếp cận, khi ông lên đường bay đi Brussels hôm 8/10 mà không bị cản trở.
Một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng ông mong Việt Nam và EU sẽ tích cực “trao đổi ý kiến” để quan điểm hai bên xích lại gần nhau hơn và đi đến ký kết, thông qua hiệp định vào tháng 3/2019, trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5.
Hồi cuối tháng 7, theo một bản tin trên trang nhadautu.vn, Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, nói ông hy vọng lễ ký kết hiệp định “sẽ diễn ra trong tháng 10” tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), “hoặc muộn hơn vào tháng 11 tới”.
Ông nói thêm rằng “Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu”.
Trang web của Nghị viện châu Âu hồi tháng 2/2018 dẫn kết quả một nghiên cứu đánh giá tác động của EVFTA, cho thấy Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong các nước ASEAN với mức tăng 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động, so với kịch bản không có EVFTA.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU28) trong năm 2017 đạt 50,46 tỷ đô la, trong đó tổng lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ đô la, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đưa ra nhận định trên Facebook cá nhân rằng về lâu dài, EVFTA sẽ giúp Việt Nam “gần hơn với Âu-Mỹ”, và nhờ đó “giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc” cả về kinh tế lẫn chính trị.