Người Mỹ gốc Việt vận động Quốc hội Mỹ giúp người Thượng

PostMon Jul 23, 2018 9:15 am

VOA - Vietnam News


Bà Grace Bùi, đại diện Dự án Hỗ trợ người Thượng tại Thái Lan, cho VOA Việt ngữ biết rằng bà đang vận động dân biểu Mỹ Chris Smith, và thông qua ông, kêu gọi Quốc hội Mỹ ủng hộ việc tái định cư cho hơn 400 người Thượng Việt Nam đang xin tị nạn tại Thái Lan.


Nữ công dân Mỹ gốc Việt cho biết bà vừa có cuộc gặp với Dân biểu Chris Smith thuộc đảng Cộng hòa, đại diên bang New Jersey, tại thủ đô Washington DC:


“Ông Chris Smith biết rất nhiều về vấn đề tị nạn và nhân quyền ở Việt Nam. Do đó khi đề cập đến người Montargnards [người Thượng] thì ông hiểu ngay câu chuyện. Ông sẵn sàng chung tay làm việc với chúng tôi để giúp đưa những người Montargnards – nói chuyện với Cơ quan Hải quan và Di trú Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ để thực hiện một chương trình nào đó để bão lãnh những người Thượng đang ở Thái Lan sang bên này.”


Bà Grace nói ông Smith hứa sẽ viết một lá thư và mời các nghị sĩ khác “nhập cuộc,” mặc dù bà không biết kết quả sẽ đến đâu do chính quyền của Tổng thống Donald Trump có chính sách hạn chế tiếp nhận người tị nạn, nhưng cho biết rằng ít nhất đây là “một bước nhảy vọt và ngoài sự tưởng tượng” của bà.


Bà nói thêm:


“Thật sự cho có gì đảm bảo hết, nhưng theo tôi, đầy là bước đầu tiên đi xa nhất từ trước đến nay đối với những người Thượng ở Thái Lan. Trước đây cũng có người đã cố gắng làm nhưng chưa có gì tiến xa. Khi tôi đến Thái Lan khoảng 4 năm về trước thì người Thượng đã có ở đó nhưng không ai để ý đến họ. Tôi bắt đầu giúp họ về vấn đề tài chính, luật pháp, nhân quyền. Tôi vẫn chưa thấy có tổ chức nào đứng ra để vận động tranh đấu cho họ để họ có thể đến một nước thứ ba.”


Trong dự thảo Dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Act) có số đăng bộ là HR. 5621, được Dân Biểu Chris Smith giới thiệu tại Hạ Viện ngày 26/4 năm nay, vấn đề người Thượng bị sách nhiễu được lưu ý.


Dự luật nói: “ Từ năm 2016 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn tăng cường nỗ lực để buộc người Thượng và Hmong theo đạo Tin Lành từ bỏ đức tin, tịch thu đất đai, tài sản thuộc các cộng đồng tôn giáo độc lập.”


Nhà hoạt động hỗ trợ cho các gia đình Thượng tại Bangkok cho biết thêm:


“Hiện nay có khoảng 400 người, thuộc 150 hộ gia đình, và vừa có thêm từ 7 đến 10 người vừa mới tới. Khi chúng tôi phát gạo cho họ thì biết rằng số người ngày càng cao, cuộc sống rất cực khổ, không thể xin được việc làm, không có tiền. Về phần chúng tôi, mỗi tháng chúng tôi chỉ có thể cho mỗi gia đình một bao gạo.”


Trong bản phúc trình dài 25 trang được Tổ chức Nhân quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận động Bãi bỏ Tra tấn tại Việt Nam (CAT-VN) công bố vào tháng 5 năm nay, Cơ quan chức năng Việt Nam bị cáo buộc “tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Tin lành người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên – Montagnards”, và “nhiều người phải trốn chạy sang Campuchia và Thái Lan để tìm quy chế tị nạn”.


Theo phúc trình về tự do tôn giáo ở Việt Nam được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố cuối tháng Năm vừa qua, Hà Nội “có bước tiến về luật thực thi quyền tự do tôn giáo nhưng chính quyền lại tăng cường sách nhiễu các nhóm tôn giáo có ý kiến trái chiều, nhất là các nhóm Công giáo chỉ trích chính quyền”.


Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng phản bác, và nói rằng phúc trình của Mỹ đưa thông tin “không khách quan” cũng như trích dẫn “thông tin sai lệch”.


Vào năm ngoái, Al Jazeera cho biết tại Bangkok có một cộng đồng khoảng150 gia đình người Thượng “vô tổ quốc,” sống trong những ngôi nhà bằng tre dựng trên kênh rạch.


Trang này nói đa phần trong số họ đã cải đạo sang Tin Lành, chạy trốn khỏi khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, do “bị trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất, và bắt giữ tùy tiện”.


Tin cho hay, một số gia đình đang chờ đợi cuộc phỏng vấn với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, với hy vọng được công nhận là người tị nạn và tái định cư ở nước thứ ba, nhưng do không có giấy tờ, họ luôn sợ khả năng sẽ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và rốt cuộc có thể bị trả về Việt Nam bất cứ lúc nào.


Những người Thượng được báo chí quốc tế phỏng vấn nói rằng họ biết Thái Lan không công nhận người tị nạn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được việc họ tìm đường đến đây vì "dù sao vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà."

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Viet Nam - Vietnam News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 924 guests

cron