VOA - World News
Chương trình thử nghiệm này cho phép thợ mỏ bước vào một thế giới ảo dưới đất và cảm thấy mình thuộc vào khung cảnh đó.
Những người tham dự được bao quanh bởi một màn ảnh hình cầu và đeo kính để xem các hình ảnh 3 chiều. Họ chìm đắm trong bầu không khí giả qua các hình ảnh được chiếu qua 12 máy phát hình và một hệ thống âm thanh 24 kênh.
Có tới 30 khóa sinh có thể tham gia cùng một lúc. Họ có thể đi trên một chiếc xe chạy trong hầm mỏ ảo chạy qua một mê lộ các đường hầm được mô phỏng theo một mỏ thực ở bang New South Wales của Australia. Các tham dự viên cho biết họ cảm thấy như có thể với tới và sờ vào các chốt giả trên trần.
Đứng đầu công cuộc khảo cứu này là Giáo sư Dennis Del Favero, người làm giám đốc của Trung Tâm Nghiên cứu iCinema tại trường Đại học New South Wales.
Giáo sư Dennis Del Favero cho biết: "Chúng tôi tin là thiết bị gần như chắc chắn sẽ cứu được các mạng sống bởi vì không có gì bằng mô phỏng tình huống ngoài đời thực. Thợ mỏ cần phải có mức kỹ năng cao. Họ đứng trước các mối hiểm nguy vô song về nhiều mặt và có lẽ chỉ có công việc của một thành viên trong lực lượng phòng vệ ngoài chiến trường mới có thể so với các hiểm nguy khi làm việc trong một hầm mỏ.”
Công nghiệp mỏ của Trung Quốc là ngành công nghiệp nguy hiểm nhất thế giới. Trong những năm vừa qua, các giới chức ước tính có trung bình 6 thợ mỏ bị thiệt mạng trong khi công tác mỗi ngày. Giới hữu trách Trung Quốc đã đống cửa hàng trăm hầm mỏ bất hợp pháp và gia tăng các cuộc thanh tra an toàn để tìm cách giảm thiểu hiểm họa.
Thiết bị chế tạo tại Australia về nhiều mặt tương tự như một trò chơi video vĩ đại nhắm mục đích chuẩn bị cho công nhân mỏ nhận ra được các dấu hiệu của mối nguy đối với nhiều loại rủi ro. Một trong những mối đe dọa lớn nhất trong các hầm mỏ là nổ khí đốt và thiết bị này tìm cách chuẩn bị cho thợ mỏ đối phó với trường hợp xấu nhất.
Ông Del Favero nói: “Học viên sẽ nhận ra rằng họ sẽ thiệt mạng trong trường hợp đó nếu sự cố xảy ra bên dưới mặt đất. Nhưng điều họ có thể làm với thiết bị này là đi xuyên qua sự cố và nhìn vào thiệt hại vật chất xảy ra cho con người đồng thời cả các hậu quả vật chất đối với máy móc nữa. Và chúng tôi dẫn dắt qua tất cả các sự kiện xung quanh và có thể nhìn thấy hậu quả, sự tàn phá của vụ nổ.”
Phải mất 7 năm để khai triển dự án tại trường Đại học New South Wales ở Sydney, với sự hợp tác của trường Mỹ thuật, phân khoa Kỹ thuật và trường Mỏ. Cũng có ý kiến đóng góp của công nghiệp mỏ, các công đoàn và chính phủ.
Kỹ thuật này được sử dụng tại 4 địa điểm quanh New South Wales, nơi hàng ngàn người đã được tập huấn trong 3 năm vừa qua.