VOA - World News
Các giới chức ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng bản dự thảo của Nga chưa đi đến chỗ lên án nghiêm khắc và đưa ra các biện pháp chế tài chính phủ Syria mà Hoa Kỳ và các đồng minh chính đã mưu tìm.
Nhưng họ nói rằng sự kiện Moscow vẫn cùng với Trung Quốc từng ngăn chặn các nỗ lực đưa ra một nghị quyết, mà nay lại ủng hộ ngôn từ mạnh hơn trước đây làm tăng thêm hy vọng rằng Hội đồng Bảo an có thể có một lập trường tập thể về vụ khủng hoảng ở Syria.
Theo các bản sao mà các phóng viên có được, dự thảo do Nga đề xuất lên án bạo lực của tất cả các bên, kể cả việc sử dụng sức mạnh “bất cân xứng” của chính quyền Syria.
Dự thảo nghị quyết nêu ra mối quan ngại về điều được gọi là “sự cung ứng vũ khí bất hợp pháp” cho các nhóm vũ trang ở Syria.
Các giới chức Hoa Kỳ từng nói ngôn từ trước đây do Moscow đề xuất đánh đồng các hành động của lực lượng an ninh Syria với hành động của những người biểu tình phần lớn là ôn hòa, và tạo điều kiện dễ dàng cho Tổng thống Bashar al-Assad, là người nói rằng lực lượng Syria hành động để đáp lại một cuộc nổi dậy có vũ trang.
Tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Đan Mạch Villy Soevndal, Ngoại trưởng Clinton nói dự thảo nghị quyết của Nga vẫn chứa ngôn từ mà Hoa Kỳ không thể ủng hộ, nhưng có thể là cơ sở để thương nghị.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Rất tiếc là dường như có một sự đánh đồng giữa chính phủ và người biểu tình ôn hòa và những người Syria tìm cách tự vệ. Nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ bản dự thảo. Dự thảo này sẽ phải được chia sẻ với Liên đoàn Ả Rập, tổ chức đã đi đầu trong phản ứng đối với các diễn biến ở Syria. Và hy vọng là chúng tôi có thể hợp tác với phía Nga, là nước ít nhất lần đầu tiên thừa nhận rằng đây là vấn đề cần được đưa ra trước Hội đồng Bảo an.”
Các nhà ngoại giao Anh và Pháp cũng hoan nghênh dự thảo của Nga, dù nói rằng cần phải có những khoản tu chính. Trước đây trong tuần, Liên Hiệp Quốc đã nói rằng số tử vong trong các vụ bạo động ở Syria kể từ hồi tháng Ba nay đã lên quá 5.000.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã công bố một bản phúc trình ở Moscow và các thủ đô khác hồi hôm qua, nêu đích danh hơn 70 viên chỉ huy cấp cao của quân đội Syria và các giới chức chính phủ mà báo cáo cho rằng đã ra lệnh, cho phép hay dung túng việc sát hại, tra tấn và bắt giữ trái phép những người biểu tình không có vũ trang.
Tổ chức nhân quyền này nói đường dây chỉ huy lên tới Tổng thống Assad, mặc dù mới đây ông này đã lên truyền hình phủ nhận trách nhiệm. Bản phúc trình cho biết đã dựa vào việc thu thập những lời khai của hơn 60 binh sĩ đào ngũ khỏi quân đội Syria và các cơ quan tình báo.
Bà Sarah Leah Whitson, trưởng ban Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức có trụ sở ở New York này nói rằng bản phúc trình được công bố ở Moscow một phần là để thúc đẩy Nga có hành động về những hành vi độc ác của Syria.
Bà Whitson nói: “Tôi hy vọng rằng Nga và Trung Quốc sẽ thôi không hành động như những trở ngại như họ đã làm trong nhiều tháng vừa qua tại Hội đồng Bảo an. Và lý do khiến chúng tôi công bố bản phúc trình hôm nay tại Moscow là để thực sự thách thức các nhà lãnh đạo Nga về khái niệm liên tục dựa vào Assad để cải tổ, đồng thời thực sự thách thức và đối đầu với họ với bằng chứng về các tội ác chống nhân loại, chiến dịch sát hại, bắt giữ và tra tấn lan rộng và với quy mô lớn mà chính phủ Syria đã thực hiện.”
Bà Whitson nói Hội đồng Bảo An cần phải đưa vụ đàn áp của Syria ra trước Tòa án Tội phạm Quốc tế, và nói rằng có bằng chứng đầy đủ không những về những tội ác đã phạm mà còn cả những cá nhân đã gây ra tội ác.