VOA - World News
Trong phúc trình mang tên “Tình Hình Kinh Tế thế Giới và Những Triển Vọng năm 2012,” các kinh tế gia Liên Hiệp Quốc tiên đoán mức tăng trưởng kinh tế rất chậm, cảnh báo rằng những quốc gia đã phát triển đang trên bờ vực suy thoái vòng xoáy vì 4 yếu tố: áp lực nợ quốc gia, khu vực ngân hàng mong manh, mức cầu tổng cộng yếu và tình trạng tê liệt về chính sách.
Giám đốc về phân tích và phát triển của Liên Hiệp Quốc, ông Rob Vos, cảnh báo thế giới có thể phải đối đầu với một cuộc suy thoái mới.
Ông nói: "Có thể chúng ta đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái mới. Mặc dù căn bản chúng ta vẫn cứ cho là kinh tế thế giới có thể từ từ ra khỏi tình trạng trì trệ trong 2 năm nữa, hiểu theo nghĩa là có thể chế ngự ở một mức độ nào đó, cuộc khủng hoảng nợ quốc gia tại châu Âu và những khó khăn kinh tế tại Hoa Kỳ sẽ không tệ hơn nhiều. Nhưng cho dù có như vậy chăng nữa chúng ta vẫn còn khó khăn, xét đến mức tăng trưởng kinh tế yếu ớt, mức hồi phục trong năm nay đã chậm lại so với năm 2010.”
Quĩ tiền Tệ Quốc Tế đề nghị những biện pháp khắc khổ về tài chính để hạ giảm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng Trợ lý Giám Đốc Phát Triển Kinh Tế Toàn Cầu của Liên Hiệp Quốc, ông Jomo Kwame Sundaram, thận trọng lưu ý về đường lối này.
Ông nói quay sang biện pháp tài chính thắt lưng buộc bụng đã làm tăng thêm tình trạng suy thoái trên toàn thế giới. Dĩ nhiên đảo ngược lại tình trạng này có phần chắc sẽ không có ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng cần phải sớm đưa ra những hành động thêm nữa về tài chính để tạo điều kiện cho hồi phục mạnh hơn.
Ông Sundaram nói nếu không có hành động chung để hồi phục, nền kinh tế có thể suy thoái mạnh hơn nữa, nhất là tại châu Âu nơi cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng.
Liên Hiệp Quốc đề nghị tăng cường Quĩ Ổn Định Tài Chính Châu Âu, quĩ dùng để giúp cứu nguy các nền kinh tế gặp khó khăn trong khối đồng euro.
Các kinh tế gia soạn thảo phúc trình cho biết nếu quĩ này có thể giảm lãi suất vay mượn, nó sẽ giúp hạ bớt áp lực cho các chính phủ đang bị áp lực tài chính.
Phúc trình ghi nhận là có áp lực lớn hơn cho các nhà lãnh đạo chính trị để họ phải đưa ra những quyết định về chính sách dựa trên ảnh hưởng của các chính sách đó đối với thị trường tài chính ra sao.
Kinh tế gia Sundaram cho biết mới 20 năm về trước không hề có tình trạng này. Ông nói:
”Vào thời điểm đó, lấy ví dụ như những năm đầu của thập niên 1990, chẳng ai nghĩ chuyện lãnh đạo chính trị phải xem chừng thị trường tài chính phản ứng như thế nào.”
Một phúc trình đầy đủ hơn cho từng khu vực một sẽ được công bố vào tháng giêng, nhưng những dự phóng công bố hôm thứ Năm cho thấy một cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế ở một số vùng trên thế giới hiện nay đang vận hành ra sao.
Liên Hiệp Quốc cho hay mức thất nghiệp cao và đồng lương thấp tại Hoa Kỳ khiến mức cầu không tăng. Yếu tố này kết hợp với giá nhà xuống thấp kéo dài đã lâu làm tăng nguy cơ xảy ra một đợt nhà cửa bị ngân hàng tịch biên nữa.
Tại châu Á, các kinh tế gia tiên lượng mức tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn độ vẫn mạnh, nhưng tổng sản lượng quốc nội tại Trung Quốc theo dự kiến sẽ chậm đi. Đây là một dữ kiện được thứ trưởng bộ tài chính Trung Quốc xác nhận hôm thứ Năm khi ông loan báo khu vực sản xuất đã co cụm.
Tại châu Mỹ La tinh, theo dự kiến, điều có thể thấy rõ hơn là kinh tế của Brazil và Mexico sẽ suy thoái. Trong lúc tại châu Phi có cả những dự báo bi quan lẫn lạc quan, dựa vào các yếu tố chính trị và khí hậu nhiều hơn là phản ứng đối với các thị trường thế giới.