Page 1 of 1

Ai Cập: Cử tri đi bầu rất đông và bầu cử diễn ra êm thắm

PostPosted: Mon Nov 28, 2011 8:20 pm
by NewsReporter
VOA - World News

Hôm thứ hai, lần đầu tiên cử tri đi bầu quốc hội kể từ ngày cuộc nổi dậy của dân chúng đã kết thúc quyền cai trị của cựu Tổng thống Hosni Mubarak trong tháng hai.
Cử tri xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ chờ bỏ phiếu, cho thấy con số cử tri đi bầu rất đông.
Nhiều người cho biết họ đi bầu lần đầu tiên, trong khi những người khác bày tỏ hy vọng rằng cuộc bầu cử, không giống như những thập niên trong quá khứ, sẽ có giá trị.







Các liên minh chủ yếu trong cuộc bầu cử ở Ai Cập

    Các liên minh chính trong cuộc bầu cử ở Ai Cập gồm có:

    Liên minh Dân Chủ vì Ai Cập: được thành lập vào tháng 6 năm 2011. Đây là liên minh chính trị đáng kể đầu tiên xuất hiện sau khi Tổng Thống Hosni Mubarak từ chức hồi tháng Hai. Liên minh này do Đảng Tự Do và Công Lý của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lãnh đạo, và bao gồm ít nhất 5 nhóm chính trị khác. Liên minh Dân chủ này khởi sự như một liên minh rộng rãi quy tụ các đảng theo khuynh hướng cấp tiến và các đảng Hồi giáo, nhưng một số thành viên ban đầu đã rời liên minh vì những khác biệt về ý thức hệ.

    Liên minh Hồi giáo (Liên minh vì Ai Cập) do đảng Salafi al-Nour cầm đầu, bao gồm ít nhất 2 nhóm khác, thành lập vào cuối tháng 9. Thành viên của liên minh này thoạt tiên trực thuộc Liên minh Dân Chủ, tuy nhiên họ rời bỏ liên minh này vì một số bất đồng liên quan tới số các ứng cử viên họ có thể đăng ký để tham gia bầu cử.

    Khối Ai Cập: Liên minh cấp tiến này đã mất nhiều thành viên từ khi được thành lập vào tháng 8, và nay chỉ bao gồm nhóm Người Ai Cập Tự do, và các đảng Dân chủ Xã Hội và nhóm al-Tagammu. Khối này nói họ hy vọng có thể quy tụ các lực lượng chính trị quyết tâm đeo đuổi một chế độ dân chủ dân sự, dựa trên nguyên tắc tách tôn giáo ra khỏi chính trị.

    Liên minh Hoàn tất Cách mạng: Thành lập hồi tháng 10, liên minh này bao gồm những người trẻ tuổi, theo khuynh hướng xã hội, cấp tiến và các đảng phái Hồi giáo ôn hòa. Đa số thành viên của nhóm này trước đây có mặt trong Khối Ai Cập. Liên minh Hoàn tất Cách mạng bao gồm Liên minh Thanh niên Cách mạng, Đảng Tự do Ai Cập, và đảng Liên minh Xã hội Nhân dân.


Mặc dù đã xảy ra vụ đàn áp trong những ngày qua nhắm vào các vụ biểu tình chống chính phủ tại quảng trường Tahrir ở Cairo, hầu hết cuộc bầu cử đã diễn ra trong êm thấm. Hàng ngàn thẩm phán Ai Cập đang theo dõi tiến trình bầu cử.

Cuộc bầu cử tiến hành qua nhiều giai đoạn để bầu hạ viện đã bắt đầu ở những thành phố chính là Cairo và Alexandria cũng như bảy tỉnh khác. Một loạt bầu cử vòng nhì tại những nơi này sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 12.

27 tỉnh của Ai Cập sẽ bỏ phiếu trong 3 loạt bầu cử trong một tiến trình sẽ kết thúc vào thượng tuần tháng giêng. Các cuộc bầu cử thượng viện sẽ diễn ra sau đó, và kết thúc vào tháng Ba.

Tiếp theo, quốc hội sẽ soạn thảo hiến pháp mới.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ai Cập, bà Anne Patterson, hôm thứ hai đã gửi lời mừng cuộc bầu cử và nhân dân Ai Cập đã đi bầu đông đảo.

Đảng Huynh Đệ Hồi Giáo, một phong trào Hồi giáo đã chính thức bị cấm hoạt động kể từ thập niên 1950, có phần sẽ đạt được vai trò mạnh hơn trong một quốc gia do quân đội cai trị trong gần 6 thập niên tại một quốc gia thế quyền chuyên chế.

Nhưng các tướng lãnh cầm quyền tại Ai Cập đã thiết lập một hệ thống bầu cử ngoắt ngoéo mà nhiều người lo ngại sẽ đưa tới hệ quả là một cơ quan lập pháp thiếu tín nhiệm. Các tướng lãnh quân đội đã khẳng định là quốc hội mới sẽ không có quyền giải thể một chính phủ do hội đồng quân nhân cầm quyền bổ nhiệm.

Người đứng đầu hội đồng, thống chế Mohamed Hussein Tantawi, đã bênh vực qui chế nhiều đặc quyền của quân đội trong xã hội Ai Cập, hôm Chủ nhật tuyên bố "địa vị của các lực lượng vũ trang sẽ vẫn được duy trì nguyên trạng" ngay cả sau khi một bản hiến pháp mới được thông qua.

Ông nói quốc gia đang đứng trước ngã ba đường và có thể hoặc bầu cử thành công để "đưa Ai Cập đến nơi an toàn" hoặc phải đối mặt với những trở ngại hiểm nguy, điều mà các lực lượng vũ trang "sẽ không để cho xảy ra." Ông cũng cảnh báo về những hệ quả "vô cùng nghiêm trọng" nếu tình hình chính trị rối loạn như hiện nay không nhanh chóng kết thúc.