VOA - World News
Báo cáo viên đặc biệt Marzuki Darusman cho biết ông lấy làm lo ngại trước các hình ảnh chụp bằng vệ tinh cho thấy “sự gia tăng đáng kể” về quy mô các trại tù nhân chính trị ở Bắc Triều Tiên so với các hình ảnh tương tự đã thu thập được trong năm 2001.
Ông nói: “Người ta ước tính mạng lưới nhà tù chính trị của nước Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên, trong đó có một số đã hoạt động từ năm 1950, chứa tới 200.000 người. Tôi kêu gọi nhà cầm quyền hãy xúc tiến một cách cụ thể và cấp bách việc phóng thích các tù nhân chính trị.”
Là một chuyên gia độc lập được ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm, ông Darusman cũng bầy tỏ mối quan ngại về sự gia tăng trong số những người xin tỵ nạn từ Bắc Triều Tiên. Ông nói với các phóng viên rằng con số này đã tăng từ 40 người trốn qua Thái Lan vào năm 2004 lên tới gần 2.500 người hồi năm ngoái.
Ông nói: “Những người xin tỵ nạn đôi khi được sự “trợ giúp” của các tay buôn người để đi sang các nước láng giềng và xa hơn. Trong khi đa số người xin tỵ nạn bị bọn buôn người lợi dụng, thì phụ nữ và trẻ em đặc biệt dễ là nạn nhân.”
Tình hình thiếu an ninh về thực phẩm của Bắc Triều Tiên cũng được đặc biệt đề cập đến trong báo cáo của ông. Ông Darusman cảnh báo rằng viện trợ lương thực của cộng đồng quốc tế đang giảm sút và nước này tiếp tục đứng trước tình trạng thiếu thốn thường xuyên và đáng kể.
Đối tác của ông là ông Tomas Ojea Quintana, người theo dõi tình hình ở Miến Điện. Ông Quintana nêu ra một số tiến bộ kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, trong đó có việc ký thành luật trong tháng này một dự luật cho phép thành lập các công đoàn và thừa nhận quyền đình công, cũng như việc nới lỏng các hạn chế đối với các cơ quan truyền thông và internet mới đây.
Nhưng ông cảnh báo rằng vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền cần phải được giải quyết, trong đó có việc phóng thích cho khoảng 2.000 tù nhân chính trị ở Miến Điện.
Ông nói: “Tôi đang hối thúc chính phủ phóng thích số tù nhân chính trị còn lại trước cuối năm này. Chính phủ đã phóng thích một số, nhưng những nhà lãnh đạo nổi tiếng, những người đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Myanmar, vẫn còn ở trong tù.”
Ông Quintana đã đi thăm Miến Điện, còn gọi là Myanmar, 4 lần kể từ khi nhậm chức vào năm 2008.
Ông cũng bầy tỏ sự quan ngại về tình trạng phân biệt đối xử các nhóm sắc tộc thiểu số, đặc biệt tại các bang Rakhine và Chin miền Bắc, nơi ông nói là dân chúng không được dậy ngôn ngữ của mình ở trường và không được hưởng quyền công dân.
Báo cáo viên đặc biệt này cũng nêu ra rằng căng thẳng tại các khu vực biên giới sắc tộc và xung đột với một số nhóm sắc tộc có vũ trang đã đưa đến những vụ tấn công vào dân chúng, các vụ giết người bất hợp pháp, các vụ tấn công tính dục, việc tuyển mộ lính trẻ em, và những vụ bắt giữ bừa bãi.
Ông Quintana nói việc điều tra những cáo giác về những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống và trắng trợn phải được tiến hành bởi một cơ quan độc lập một cách vô tư và đáng tin cậy nhằm ngăn tránh những vụ vi phạm trong tương lai, và cung cấp cho các nạn nhân một phương sách đền bù cho những vụ vi phạm mà họ đã phải chịu đựng.