VOA - World News
Đặc sứ về Trung Đông của nhóm Bộ Tứ, ông Tony Blair, nói rằng các thành viên của nhóm gồm Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu, Nga và Liên hiệp quốc, đang làm việc để đưa ra một thỏa thuận khung để tái tục các cuộc thương thuyết.
Ông Blair nói: “Bất chấp điều gì xảy ra tại Liên hiệp quốc, tình thế cũng sẽ cải thiện nếu chúng ta có được một thỏa thuận khung để có thể tiếp tục cuộc thương thuyết bởi vì rốt cuộc, chỉ có thương thuyết mới có thể dẫn tới một quốc gia Palestine trên thực tế, không phải trên lý thuyết, mà là một nước Palestine có thực, tại hiện trường.”
Cuối tuần trước, ông Tony Blair đã gặp Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas tại thủ đô Amman của Jordan. Nói chuyện với các nhà báo nhân dịp này, ông nói rằng bất cứ thỏa thuận khung nào làm nền cho các cuộc đàm phán do Bộ Tứ đưa ra, cũng phải mang lại uy tín cho các cuộc thương thuyết. Ông Blair nói rằng người Palestine đang lo ngại rằng các cuộc thương thuyết mới cũng sẽ chẳng đi tới đâu, trong khi người Israel cần thấy rằng các quyền lợi an ninh của họ sẽ được bảo vệ một cách thích đáng.
Ông Blair phát biểu: “Tôi tin rằng có một sự đồng thuận rộng rãi rằng phải có thời biểu rõ ràng cho việc này. Nói theo cách khác, chúng ta không thể chỉ xúc tiến cuộc thương thuyết mà không có một cơ cấu nào để hậu thuẫn tiến trình này, và diễn ra một cách từ tốn, thiếu cấp bách, Và đó là điều mà chúng tôi đang tìm cách thực hiện.”
Đặc sứ Palestine, ông Maen Rashid Areikat, nói hôm qua với CNN rằng người Palestine có thể chấp nhận một giải pháp thay thế cho hành động tại Liên hiệp quốc, tuy nhiên, giải pháp này phải bao gồm những điều khoản tham chiếu rõ rệt để trở lại với các cuộc thương thuyết, và một thời biểu rõ ràng, với một kết cuộc rõ rệt.
Thứ trưởng ngoại giao Israel Danny Ayalon nói với các nhà báo tại Liên hiệp quốc rằng không thể nào lẩn tránh các cuộc thương thuyết trực tiếp trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên.
Ông Ayalon nói: “Nếu người Palestine không trở lại bàn hội nghị và thảo luận với chúng tôi một cách thực lòng, một cách nghiêm túc, trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, thì chúng ta sẽ không tìm ra được một giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Vì thế đến với Liên hiệp quốc thực ra là một cách để trốn tránh trách nhiệm.”
Trong khuôn khổ các hoạt động ngoại giao dồn dập này, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton và nhân vật đặc trách các vấn đề đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton đã gặp nhau hôm qua. Bà Clinton cho hay trong cuộc gặp gỡ này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một phương thực để xúc tiến tiến trình hòa bình.
Hôm nay, Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas dự kiến sẽ gặp Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon. Cuộc họp này sẽ là một cơ hội để người Palestine đệ trình hồ sơ của họ để được công nhận là một quốc gia.
Tổng thư ký Ban Ki-moon có trách nhiệm duyệt lại hồ sơ và chuyển lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Hội đồng Bảo an hoặc sẽ công nhận quy chế quốc gia của Palestine qua một đề nghị, tuy nhiên có phần chắc là đề nghị này sẽ bị Hoa Kỳ phủ quyết.
Người Palestine sau đó vẫn có thể yêu cầu Đại hội đồng Liên hiệp quốc -gồm 193 thành viên, công nhận quy chế quốc gia, nhưng sẽ không được nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp quốc.