VOA - World News
Vào lúc nhà hoạt động Anna Hazare kết thúc cuộc tuyệt thực trong 12 ngày hồi hôm qua, ông thừa nhận rằng chính sự ủng hộ của hàng chục ngàn người khắp nước đã bảo đảm cho sự thành công của ông trong chiến dịch đòi một bộ luật chống tham nhũng mạnh hơn.
Ông Hazare nói với những đám đông vui mừng rằng nghị hội của nhân dân lớn hơn quốc hội của New Delhi, và đó là lý do vì sao chính phủ phải quyết định tán thành các yêu sách của họ.
Các cơ quan truyền thông trong nước đã đồng thanh ca ngợi đó là một “thắng lợi của nhân dân.” Phong trào hòa bình do ông Hazare lãnh đạo đã được sự tham gia của dân chúng thuộc mọi lứa tuổi. Và lần đầu tiên từ nhiều thập niên, phong trào chứng kiến giới trung lưu thành thị cùng xuất hiện đông đảo ngoài đường phố vì một lý tưởng chính trị.
Sau khi nhiều ngày nhấn mạnh rằng quốc hội sẽ không khuất phục trước áp lực của những người tranh đấu cho xã hội trong khi hình thành các luật lê, chính phủ cuối cùng đã chịu thua và cho biết sẽ ủng hộ việc bao gồm các yêu sách chính của ông Hazare trong một dự luật chống tham nhũng nay được đưa ra trước Quốc hội. Giới tranh đấu cho xã hội hy vọng sự kiện này sẽ bảo đảm một bộ luật cứng rắn hơn thay thế cho một phiên bản yếu đã được chính phủ đệ trình.
Chuyên gia phân tích chính trị độc lập Prem Shankar Jha ở New Delhi nói rằng sự thành công của phong trào chống tham nhũng đánh dấu một bước ngoặt trong nền dân chủ Ấn Độ.
Ông Jha nói: “Chúng tôi có một chính quyền gia trưởng được để lại cho chúng từ thời đế quốc... Chúng tôi đã soạn thảo một dự luật và chúng tôi thông qua dự luật, chúng tôi không hề tham khảo ý kiến quý vị, chúng tôi không hề đưa người ngoài vào. Chúng tôi muốn tự làm lấy mọi thứ...nghĩa là chúng tôi muố nắm giữ quyền hành trong tay. Sự độc quyền toàn diện này được che giấu dưới hình thức gia trưởng này đã bị đập tan. Trong trường hợp đặc biệt này, chính phủ đã bị buộc phải chấp thuận tại quốc hội các yếu tố chính trong bản dự thảo của dân chúng. Đó là sự kết thúc của chính quyền gia trưởng ở Ấn Độ và sự mở đầu của một nền dân chủ thực sự có quyền hạn.”
Tầng lớp chính trị, mà các chuyên gia nói là đã bị bất ngờ trước sức mạnh của phong trào, dường như đã chú ý đến thông điệp đó. Người lãnh đạo đảng Bharatiya Janata, ông Arun Jaitley, nói với quốc hội rằng tiếng nói của dân chúng sẽ phải được nghe trong khi hình thành luật lệ.
Ông Jaitley nói: “Trong bất kỳ một xã hội đang phát triển nào và bất kỳ một xã hội trưởng thành nào, sẽ có một vai trò cho xã hội dân sự. Họ là một thực tế rõ ràng và họ tồn tại. Một số có thể chiếm các vị trí có vẻ như hơi quá đáng, có thể không thực hiện được, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng vai trò của họ là vai trò của một người đi vận động, một người cầm cờ, một người đi tiên phong về nhiều vấn đề.”
Có những người chỉ trích phong trào của ông Hazare và việc ông sử dụng một cuộc tuyệt thực để đạt được mục tiêu. Một số nói rằng nó định ra một tiền lệ nguy hiểm. Một số khác nói ông đã dùng các phương pháp thiếu dân chủ để áp đặt các ý kiến lên quốc hội.
Ông Hazare đã loan báo trọng điểm của ông nhắm vào việc cải cách hệ thống chính trị sẽ tiếp tục. Trong một nước mà hàng chục nhà lập pháp phải đối mặt với các vụ truy tố hình sự, ông muốn bảo đảm rằng những người có thành tích trong sạch phải được bầu vào quốc hội và các viện lập pháp tiểu bang. Ông nói nhân dân phải được giao cho quyền triệu hồi các nhà lập pháp không có thành tích.
Nhưng chuyên gia phân tích chính trị Jha nói ông không trông đợi ông Hazare và các ủng hộ viên của ông sẽ sử dụng các chiến thuật như thế trong tương lai.
Ông Jha nói: “Tôi không cho rằng họ sẽ sử dụng con đường đối đầu. Đây là một cây gậy có thể gẫy một cách dễ dàng trong tay ta. Nó phải được giữ để sử dụng trong trường hợp hết sức khẩn cấp như lúc này.”
Các chuyên gia phân tích chính trị nói rằng cuộc biểu tình phản kháng mới đây nêu bật ra rằng tầng lớp chính trị phần lớn xa rời với mối quan ngại của công chúng về tình trạng tham nhũng thâm căn cố đế. Họ nói rằng thành công của cuộc biểu tình sẽ buộc các giới chức phải chú ý nhiều hơn đến ý kiến của công chúng.