LHQ nghe những câu chuyện kinh hoàng về cuộc khủng hoảng ở S

PostThu Aug 11, 2011 6:45 am

VOA - World News

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, gồm 15 nước thành viên, chiều hôm qua đã lắng nghe báo cáo của ông Oscar Fernandez-Taranco, một giới chức chính trị hàng đầu của Liên hiệp quốc, về tình hình tại Syria.

Sau buổi họp kín đó, Phó đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Philip Parham thuật lại cho các nhà báo điều được ông mô tả là bản báo cáo có những chi tiết “ghê rợn” và “tuyệt vọng”.

Ông Parham phát biểu: “Điều rõ rệt là chiến dịch quân sự do chế độ Syria tiến hành chống lại nhân dân của chính họ vẫn tiếp tục. Đó là một chiến dịch tàn bạo, vô cớ ,và vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của chế độ cầm quyền Syria. Để nhắc nhở quý vị về quy mô của những gì chúng ta đang thảo luận ở đây, tôi xin nói là cho tới nay đã có 2,000 thường dân bị sát hại, đại đa số đều không có vũ khí trong tay. Khoảng 3,000 thường dân khác đã bị bắt đi biệt tích. Khoảng 13,000 người khác còn đang bị giam cầm.”

Ông Parham lưu ý rằng từ khi các cuộc biểu tình khởi sự vào trung tuần tháng Ba, hàng chục ngàn người đã rời bỏ nhà cửa của họ ở miền Bắc Syria, và nhiều ngàn người vẫn lưu lại nước láng giềng Thổ nhĩ kỳ trong tư cách tỵ nạn.

Ông Parham cũng lên án việc Syria không cho phép các nhân viên cứu trợ và truyền thông quốc tế được tự do hoạt động ở nước họ.

Đại diện cho 3 vị đồng nhiệm Âu Châu khác tại Hội đồng Bảo an, Đại sứ Parham nêu bật một số điểm chính mà Ban Thư Ký Liên hiệp quốc đã trình bày trong buổi họp kín vừa rồi. Những điểm ấy là: các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra, hiện không có hy vọng sẽ đạt được tiến bộ nếu các chiến dịch quân sự chống lại thường dân vẫn được xúc tiến; và thứ ba, muốn các biện pháp cải cách được tin cậy, thì việc sử dụng bạo lực và các vụ bắt bớ hàng loạt phải ngưng ngay tức khắc.

Đại sứ Parham nói chế độ cầm quyền tại Syria cần lắng nghe những lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Liên Đoàn Ả Rập và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, của Thổ nhĩ kỳ và các nước khác, để ngưng bạo lực và thi hành các biện pháp cải cách chính trị thực sự.

Ông Parham nói tiếp: "Nếu chính quyền Syria tiếp tục theo hướng đi hiện tại, và không lắng nghe những lời kêu gọi của quốc tế, thì chúng tôi tin rằng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phải xét tới việc đề ra những bước kế tiếp để tăng sức ép đối với chế độ Syria hầu có thể xoay tình hình sang một hướng đi khác, tích cực hơn.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, bà Susan Rice, cũng đưa ra lập trường tương tự. Bà nói Washington sẽ tiếp tục tăng áp lực với Syria, bằng cách một mặt, áp dụng các biện pháp chế tài phụ trội, và mặt khác, tiếp tục phối hợp hành động với các quốc gia khác.

Nói chuyện với các nhà báo, Đặc sứ Syria tại Liên hiệp quốc Bashar Ja'afari mô tả những tuyên bố của Đại sứ Parham của Anh và các vị tương nhiệm Âu Châu khác là sai lầm.

Ông Ja'afari nói: "Họ đang tìm cách bóp méo sự thực và che giấu những sự kiện quan trọng và những yếu tố có liên quan tới điều mà gọi là tình hình ở Syria. Họ cố tình bỏ qua và làm ngơ trước những bước vô cùng quan trọng mà chính phủ Syria đã thực hiện. Họ cố tình làm ngơ và tránh nhắc tới những tiến bộ rất quan trọng và tích cực mà nước tôi đã đạt được.”

Đặc sứ Syria đơn cử những ví dụ mà theo ông, nói lên những tiến bộ mà Syria đã đạt được, như chuyến đi thăm Damascus của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ nhĩ kỳ hôm thứ Ba, và cuộc họp mặt hôm qua giữa Tổng Thống Bashar al-Assad với các phái đoàn của Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, mà theo một thông cáo sau đó, ông Assad đã trấn an các đại biểu ấy về quyết tâm của ông đối với tiến trình cải cách và một nền dân chủ đa đảng trước cuối năm nay.

Đại sứ Syria tại Liên hiệp quốc cũng tìm cách bác bỏ những tố cáo cho rằng Syria không cho phép truyền thông quốc tế đến tường trình tình hình tại nước ông. Ông nói rằng chính phủ Syria hôm qua đã đưa các nhà báo đi tham quan thành phố Hama, nơi xảy ra nhiều bất ổn. Ông tiên đoán rằng trong những ngày tới, sẽ có nhiều cơ hội hơn để nhiều nhà báo khác tham gia các chuyến đi do chính phủ Syria hướng dẫn.

Tuy nhiên, Phó đại sứ Đức tại Liên hiệp quốc, Miguel Berger, lưu ý rằng vấn đề thực sự không phải là tiến trình cải cách chính trị sẽ kéo dài bao lâu, mà theo ông, vấn đề ở đây là phải lập tức ngưng việc giết hại những người biểu tình ôn hòa, và khởi sự một cuộc đối thoại nghiêm túc giữa chính quyền và những người biểu tình.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Hoa Kỳ Và Thế Giới - USA And World News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 933 guests

cron