Page 1 of 1

Người Mỹ suy ngẫm về ngày lễ Độc lập

PostPosted: Fri Jul 01, 2011 11:35 am
by NewsReporter
VOA - World News

Nhạc bầy tỏ lòng yêu nước - cho dù được trình diễn bởi các nhạc sĩ ngoài đường phố như Raycurt Johnson hay bởi các thành viên của ban Đại hòa tấu Quốc gia - là một phần của những buổi lễ lạc thường niên mừng ngày 4 tháng 7, cùng với những bữa ăn thịt nướng và đốt pháo hoa.
<!--IMAGE-->

Và đối với nhiều người Mỹ, ngày nghỉ lễ cuối tuần cũng là lúc để nghĩ về lịch sử và suy tưởng về việc là người công dân Mỹ có ý nghĩa ra sao.

Đối với một số gia đình, sự kiện đó có nghĩa là đến thủ đô Washington, thăm viếng các đền đài lịch sử và bảo tàng viện ở thành phố.

Ông John Carothers, từ Santa Cruz, California, nói rằng thủ đô mang một ý nghĩa đặc biệt đối với ông vào thời điểm này trong năm.

Ông nói: “Thực là tuyệt diệu được đến đây nhìn thấy cái nôi của chính quyền mà chúng ta đang sống ở trong.”

Gia đình Carothers đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Mỹ thuộc hệ thống bảo tàng viện quốc gia Smithsonian, nơi một trong những bảo vật trưng bầy nổi bật là lá cờ 200 năm tuổi của Hoa Kỳ.

Lá cờ làm bằng tay này đã là nguồn cảm hứng để Francis Scott Key viết bài thơ đã trở thành bài quốc ca Mỹ.

Đến xem lá cờ này là một trong những cao điểm của chuyến đi đối với em Milena Carothers 14 tuổi.

Milena nói: “Lá cờ lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ của em. Và thật là kỳ diệu khi thấy nó được bảo quản khá tốt – ta vẫn còn nhận ra đấy là một lá cờ, không bị hư hại bao nhiêu – quả là kỳ diệu.”

Ông Andrea Lowther, giám đốc dịch vụ phục vụ khách của Viện Bảo tàng Lịch sử Mỹ nói:

“Tôi cho rằng ngày 4 tháng 7 là lúc mọi người đến và họ thực sự muốn liên hệ với lịch sử Mỹ cùng với những câu chuyện về nước Mỹ. Và dĩ nhiên, là họ đến để xem các biểu tượng này.”

Ông Lowther dự kiến sẽ tiếp hơn 100.000 du khách vào kỳ nghỉ lễ cuối tuần này.

Ông cho biết: “...chúng tôi có cái mũ mà Tổng thống Abraham Lincoln đã đội vào đêm ông bị ám sát. Chúng tôi có cái hộp kê mà tổng thống Thomas Jefferson đã thảo bản Tuyên ngôn độc lập trên đó, ý tôi muốn nói không có gì hoàn hảo hơn đối với ngày 4 tháng 7 so với những bảo vật này.”
<!--IMAGE-->
<!--IMAGE-->

Đối với những người Mỹ khác, ý nghĩa ngày 4 tháng 7 nằm trong những nguyên tắc không thể trưng bầy được ở một viện bảo tàng.

Bà Christine Coombs ở thành phố Gaithersburg, trong bang Maryland nói rằng ngày lễ Độc lập tượng trưng cho quyền được thực thi Đức tin Mormon của bà mà không bị sách nhiễu.

Bà nói: “Tự do là tất cả trên đất nước chúng ta. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa của đất nước chúng ta. Đó là biểu trưng của chúng ta – là khả năng được chọn lựa. Tôi thực sự yêu mến tôn giáo của tôi và điều quan trọng đối với tôi là được quyền chọn lựa.”

Tự do tôn giáo là điều quan trọng, theo ông Martin Hochhauser, ở Poughkeepsie, New York, nhưng ông cảnh báo rằng người Mỹ phải thận trọng về việc phân biệt tôn giáo với chính quyền... một điểm căng thẳng thể hiện trong các cuộc tranh luận chính trị hiện nay.

Ông nói: “Ở New York, người ta vừa biểu quyết để cho những người đồng tính được kết hôn và không đối xử với họ như những công dân hạng hai, nhưng một số tổ chức tôn giáo đang tìm cách nói rằng đây là đất nước của chúng tôi và mọi ý kiến khác mọi tôn giáo khác đều không đáng kể. Như thế là không đúng.”

Ông Ronnie Stephens, ở Jacksonville, Florida nhận định: “Tôi nghĩ là người Mỹ, chúng ta thường cho các quyền tự do mà chúng ta có là điều đương nhiên. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần ngưng lại và suy ngẫm về mức độ lợi ích của việc chúng ta được hưởng các quyền tự do đó bất kể chúng ta theo đường lối chính trị nào. Chúng ta có thể cùng đến với nhau và tận hưởng những gì chúng ta có ở đây.”

Trong tuần trước khi diễn ra những buổi lễ mừng ngày lễ 4 tháng 7, nhiều người Mỹ đi thăm thủ đô đã bày tỏ một tình cảm tương tự, và một ước vọng được có tự do trên toàn thế giới.

Milena Carothers nói: “Tôi mong rằng các nước đang gặp khó khăn ngay lúc này sẽ có khả năng ăn mừng ngày lễ 4 tháng 7 của riêng họ trong tương lai và ăn mừng nền độc lập của chính họ.”