VOA - World News
Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya, ông Mahmud Jibril đã đến Bắc Kinh hồi trưa hôm nay để mở các cuộc hội đàm trong 2 ngày với các nhà lãnh đạo Trung Quốc nóng lòng muốn thấy cuộc xung đột đẫm máu kết thúc.
Bắc Kinh các các quyền lợi quan trọng về kinh tế tại quốc gia Bắc Phi này, trong đó có dầu khí rất cần thiết giúp cho công cuộc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục.
Ông Jibril dự trù sẽ họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Kiết Trì, mặc dầu Bộ Ngoại giao công bố rất ít chi tiết trước các cuộc đàm phán.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với các phóng viên hôm nay rằng Trung Quốc coi Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia như một lực lượng chính trị quan trọng trong chính sự nội bộ của Libya.
Ông Hồng nói Trung Quốc mong muốn duy trì liên lạc với tất cả các bên và muốn tiếp tay mưu tìm một giải pháp chính trị cho vụ khủng hoảng Libya.
Ông nói Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ nhằm thương nghị trực tiếp với cả hai bên, để thuyết phục họ hành động phù hợp với quyền lợi tốt nhất của nhân dân Libya.
Các chuyên gia phân tích Trung Quốc được giới truyền thông nhà nước trích thuật nói rằng Trung Quốc rất nóng lòng thiết lập một vai trò ngoại giao lớn hơn tại một nước Libya sau cuộc khủng hoảng.
Bắc Kinh đã tham gia vào nhiều vòng ngoại giao con thoi với các phe phái giao tranh tại Libya và đã họp hai lần với người đứng đầu Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Mustapha Abdul Jalil.
Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Libya Abdelati al-Obeidi đã dành 3 ngày tại Bắc Kinh để thảo luận các phương sách giải quyết vụ khủng hoảng.
Là nước vẫn tuyên bố chính sách đối ngoại bất can thiệp, Trung Quốc nhấn mạnh rằng một cuộc ngưng bắn phải là ưu tiên hàng đầu đối với cả hai bên.
Bắc Kinh có các quyền lợi về dầu khí, viễn thông và hỏa xa ở Libya và đã gửi một tầu chiến giúp di tản hơn 30 ngàn công nhân Trung Quốc khi chiến cuộc khởi sự hồi giữa tháng hai.
Trung Quốc đã không bỏ phiếu trong cuộc biểu quyết về hành động quan sự quốc tế chống lại chế độ của lãnh tụ Libya Moammar Gadhafi, và sự kiện này đã bật đèn xanh cho nghị quyết.
Kể từ khi đó, Bắc Kinh đã chỉ trích các cuộc không kích do NATO lãnh đạo.