VOA - World News
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cảnh báo Đức Đạt lai Lạt ma rằng chỉ có Bắc Kinh mới có quyền chấp thuận người lên kế nhiệm ngài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói bất kỳ quyết định nào của Đức Đạt lai Lạt ma nhằm chỉ định một người kế nhiệm qua việc đầu thai vào người khác là vi phạm luật pháp của Trung Quốc.
Ông Hồng khẳng định rằng Trung Quốc ủng hộ một chính sách tự do tôn giáo trong đó có việc tôn trọng và bảo vệ sự kế tiếp trong giới lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng. Nhưng ông Hồng nhấn mạnh đến sự kiện Trung Quốc nắm quyền cai trị Tây Tạng về mặt lịch sử và nói chức vụ của Đức Đạt lai Lạt ma chỉ có thể được chính phủ trung ương ở Bắc Kinh giao phó và mọi cách thức giao phó khác đều là bất hợp pháp.
Đức Đạt lai Lạt ma đã chính thức từ bỏ chức vụ đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng hồi tháng 7 năm nay, khi học giả Lobsang Sangay được đào tạo tại trường đại học Yale tuyên thệ nhậm chức lãnh tụ chính trị mới.
Hôm thứ bẩy, Đức Đạt lai Lạt ma cho biết ngài sẽ quyết định vào lúc ngài vào khoảng 90 tuổi liệu ngài có đầu thai vào người khác hay không. Theo truyền thống, các nhà sư Tây Tạng sẽ xác nhận một bé trai cho thấy các dấu hiệu đầu thai của một lãnh tụ quá cố.
Đức Đạt lai Lạt ma đã đề xuất kế hoạch của ngài sau một cuộc họp của 4 trường Phật giáo Tây Tạng ở thành phố Dharamsala miền bắc Aán Độ, nơi chính phủ Tây Tạng lưu vong đã đặt trụ sở sau cuộc xâm chiếm của bộ đội Trung Quốc vào năm 1950.
Cựu thủ tướng chính phủ lưu vong Tây Tạng, ông Samdhong Rinpioche, nói rằng cuộc họp bàn tới việc liệu thậm chí có nên tiếp tục chức vụ Đạt lai Lạt ma hay không.
Vị cựu thủ tướng này cho biết tại Đại hội vừa kể, Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 đã hội ý với những người đứng đầu các truyền thống tôn giáo có liên quan đến công bố tạm thời của ngài về việc liệu có cần thiết phải tiếp tục cơ chế Đạt lai Lạt ma tái sinh sau vị Lạt ma thứ 14 này hay không. Như ông đã thông báo ngay từ năm 1969, vấn đề liệu có tiếp tục cơ chế Đạt lai Lạt ma hay không sẽ được quyết định bởi Nhân dân Tây Tạng và vị thế của Đức Đạt lai Lạt ma hiện tại vẫn tiếp tục.
Đức Đạt lai Lạt ma, đã bỏ chạy vào năm 1959 và chưa hề trở về nước, cho biết ngài sẽ hội ý với các vị lạt ma cấp cao, với công chúng Tây Tạng và những người khác theo Phật giáo Tây Tạng có quan tâm.
Ngài nói sau đó ngài sẽ đánh giá lại liệu có nên tiếp tục cơ chế Đạt lai Lạt ma hay không.
Theo ngài, Trung Quốc sẽ không được có ý kiến về vấn đề này.
Có phần chắc Trung Quốc sẽ chỉ định người kế nhiệm ngài bất kể sự kiện này.
Điều này khơi ra triển vọng có hai nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, một người được Bắc Kinh thừa nhận, và người kia do những người Tây Tạng sống lưu vong chọn ra.
Một tình huống tương tự đã xảy ra vào năm 1995 khi Trung Quốc bác bỏ việc Đức Đạt lai Lạt ma chọn vị Ban Thiền Lạt ma kế tiếp và chọn người đầu thai là Giaincain Norbu. Ông Norbu được Trung Quốc nuôi dậy. nay đã 21 tuổi và công khai ủng hộ việc Bắc Kinh cai trị Tây Tạng.
Đức Đạt lai Lat ma thì chọn Gedhun Choekyi Nyiama, người đã không xuất hiện từ năm 1995 là lúc bị lực lượng an ninh Trung Quốc bắt giữ.