VOA - World News
Ông Suresh Kumar, Thứ trưởng phụ trách xúc tiến thương mại của Mỹ công du Đài Loan để thăng tiến Chương trình Xuất khẩu Quốc gia, nhằm nhân đôi lượng hàng xuất khẩu của Mỹ trong vòng 5 năm và tạo ra khoảng 2 triệu công ăn việc làm cho người Mỹ. Nền kinh tế Đài Loan được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, tăng cường khả năng mua hàng Mỹ của dân Đài Loan, đặc biệt như thịt bò, rượu, du lịch và du học Mỹ.
Năm ngoái, hàng xuất khẩu của Mỹ sang Đài Loan tăng 41%, đạt 26 tỷ đô la. Ông Kumar phát biểu trước khoảng 100 doanh nghiệp làm ăn ở Đài Loan hôm nay rằng Đài Loan đang trong tư thế tiến lên vị trí thành bạn hàng lớn thứ 9 của Hoa Kỳ trong năm nay.
Ông Kumar nói: “Quan hệ thương mại giữa đôi bên mạnh mẽ nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa. Tôi xin nói rõ quan hệ đối tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và Đài Loan phải nói là cả đôi bên đều rất lưu tâm và sẵn sàng hợp tác với nhau để viết nên những chương mới về mối quan hệ thương mại thịnh vượng của hai bên.”
Chuyến viếng thăm của ông Kumar là chuyến thăm cao cấp nhất của một quan chức Mỹ tới Đài Loan kể từ khi Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Karan Bhatia, tới đây để thúc đẩy nghị trình mậu dịch của Washington hồi năm 2006. Chuyến thăm lần này của ông Kumar chứng tỏ Đài Loan vẫn là một trung tâm đầy ảnh hưởng đối với thương mại và mậu dịch quốc tế bất chấp nguy cơ rằng Bắc Kinh có thể phản ứng dữ dội.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình kể từ sau cuộc nội chiến trong những năm 1940. Bắc Kinh thường cấm hơn 170 nước bạn ngoại giao, kể cả Hoa Kỳ, không được có mối liên hệ chính thức với hòn đảo tự trị Đài Loan. Các giới chức Mỹ hy vọng tránh được những lời đả kích nặng nề từ Bắc Kinh khi họ tìm cách tăng cường các mối quan hệ với đảo quốc có thế lực trong nền kinh tế thế giới.
Hôm nay, ông Kumar gặp riêng Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan giữa lúc ông Mã đang xúc tiến chiến dịch tái tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 14/1 tới đây. Cương lĩnh của ông Mã một phần dựa trên việc chứng minh là ông có thể duy trì các mối quan hệ với các cường quốc thế giới bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Ông Alexander Huang, một giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại trường đại học Đạm Giang ở Đài Loan, cho rằng chuyến thăm của ông Kumar hàm chứa những ngụ ý chính trị nội địa cho Tổng thống Mã Anh Cửu:
Ông Huang nói: “Chuyến thăm của ông Kumar cũng rất ý nghĩa và quan trọng cho chính phủ của Đài Loan vì trong nghị trình làm việc của Đài Loan luôn đề cao việc mời cũng như hy vọng là các quan chức hành pháp Mỹ có thể đến thăm Đài Loan để nâng cao mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đặc biệt trong năm vận động tranh cử hiện nay chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng giêng tới. Tôi cho rằng chuyến thăm của ông Kumar sẽ giúp tăng cường hình ảnh của Tổng thống đương nhiệm Mã Anh Cửu cũng như là một bằng chứng nữa cho chính phủ chứng tỏ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan tốt đẹp như thế nào.”
Tổng thống Ðài Loan Mã Anh Cửu đã tìm cách cải thiện các mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách làm trung gian cho các cuộc đàm phán thương mại kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2008, nên các quan chức ở Bắc Kinh bớt đả kích chính sách ngoại giao của Đài Loan hơn trước.
Trung Quốc không chính thức phản đối chuyến thăm của ông Karan Bhatia hồi năm 2006 cũng như không công khai phản đối chuyến thăm hiện nay của ông Kumar khi ông dừng chân tại Đài Loan trên đường sang Đông Nam Á tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại.
Báo chí địa phương loan tin Tổng thống Đài Loan nói với ông Kumar rằng hiệp ước mở cửa thị trường mà Đài Loan ký với Bắc Kinh hồi năm ngoái có thể giúp cho các liên doanh Đài Loan-Hoa Kỳ tiến vào thị trường Trung Quốc.