VOA - World News
Hôm nay, tòa án Quốc tế ở La Haye tuyên bố một khu vực biên giới trong vòng tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia là một khu vực phi quân sự tạm thời.
Tòa án phán quyết rằng cả hai bên phải lập tức rút quân ra khỏi khu vực chung quanh một ngôi đền cổ, và cho phép các quan sát viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, giúp đỡ hầu tránh xảy ra các hành động thù nghịch mới.
Tòa án cũng hạ lệnh rằng cho tới khi nào Tòa đưa ra phán quyết chung cuộc, tòa phải được thông báo về tất cả những vấn đề liên quan tới vấn đề này.
Các Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Campuchia đã đến dự phiên tòa, và cả hai ông đều ra dấu hiệu cho thấy họ hài lòng với phán quyết của tòa án quốc tế, và sẽ tuân thủ phán quyết đó.
Tòa án quốc tế nói rằng cần đề ra các biện pháp khẩn cấp để tránh xảy ra “những thiệt hại không thể khắc phục được”, giữa lúc tòa án đang xét xem nước nào sở hữu vùng đất này.
Thẩm phán Hisashi Owada, chủ tọa tòa án, đọc phán quyết của Tòa án Quốc tế La Haye.
Thẩm phán Owada nói: “Với 11 phiếu thuận, 5 phiếu chống, cả hai bên tranh chấp phải lập tức rút quân đang trú đóng trong vùng phi quân sự tạm thời, như đã được định nghĩa trong đoạn 62 của lệnh này. Hai bên phải tự chế, không được hiện diện quân sự trong phạm vi vùng phi quân sự, và không được có hoạt động vũ trang nào nhắm vào vùng này.”
Tòa án quốc tế cũng bác bỏ yêu cầu của Thái Lan, để nghị tòa gạt đi lời yêu cầu của Campuchia xin diễn dịch các quyền pháp lý của khu đất bao quanh ngôi đền cổ Ấn giáo-Khmer đã có từ 900 năm nay.
Đền này được Campuchia gọi là Preah Vihear, và Phra Viharn ở Thái Lan.
Năm 1962, tòa án quốc tế ra phán quyết rằng ngôi đền là thuộc quyền sở hữu của Campuchia, nhưng giờ đây hai nước đang dành chủ quyền của khu đất chung quanh ngôi đền. Vụ tranh chấp bùng nổ hồi năm 2008, khi Liên hiệp quốc tuyên bố ngôi đền này là một di sản thế giới, khơi dậy những phản ứng có tinh thần dân tộc của cả hai bên. Hồi đầu năm nay, Campuchia yêu cầu tòa án quốc tế hãy diễn dịch phán quyết đầu tiên.
Ông Michael Montesano là một nhà nghiên cứu đang làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Singapore. Ông nói phán quyết này có thể được coi là một chiến thắng đối với những người theo chủ nghĩa quốc gia Thái Lan, thành phần đã phát động các chiến dịch chống đối tuyên bố chủ quyền của Campuchia trên khu dất này, và qua đó hồi sinh những căng thẳng giữa hai bên.
Ông Montesano nói: “Ta có thể hiểu tại sao người Campuchia có thể cảm thấy cay đắng về phán quyết này. Tuy nhiên những căng thẳng liên quan tới ngôi đền xuất phát từ các vấn đề chính trị trong nội bộ Thái Lan. Họ đang khơi lại một vết thương cũ, vì những mục đích chính trị nội bộ. Giờ đây người Campuchia có thể cảm thấy họ được Tòa án Quốc tế đối xử không khác gì cách đối xử đối với người Thái.”
Ít nhất có 20 binh sĩ và thường dân bị giết chết từ khi các cuộc giao tranh lẻ tẻ xảy ra giữa lực lượng quân đội hai nước.
Các thẩm phán còn hạ lệnh cho Thái Lan, không được cản trở sự lui tới của người Campuchia đến ngôi đền. Mặc dù Campuchia điều hành ngôi đền, Thái Lan lại kiểm soát trục lộ chính dẫn tới ngôi đền này.