VOA - World News
Các nhận định của bà Clinton phản ánh căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia, sau khi xảy ra các vụ tấn công đại sứ quán, trong đó những người biểu tình Syria thân chính phủ trèo tường đại sứ quán Mỹ và tư dinh của ông đại sứ, gây thiệt hại tại cả hai nơi đó.
Cũng xảy ra một cuộc tấn công tương tự vào đại sứ quán Pháp, và những người biểu tình bị đẩy lui sau khi nhân viên bảo vệ người Pháp bắn cảnh cáo.
Hành động vừa kể được coi là sự trả đũa của Syria đối với chuyến thăm hồi tuần trước của đại sứ Hoa Kỳ Robert Ford và người đồng nhiệm Pháp Eric Chevallier tới thành phố Hama, một điểm nóng diễn ra các cuộc biểu tình đòi dân chủ, và lâu nay là nơi chống đối gia đình trị Assad.
Tại một buổi họp báo với người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton, bà Clinton đã cứng rắn hơn trong ngôn từ mà Hoa Kỳ sử dụng đối với nhà lãnh đạo Syria, và nói rằng ngoài nhiều vấn đề khác, ông Assad đã làm mất đi tính chính đáng để nắm quyền, nhận viện trợ của Iran để đàn áp người dân của chính nước mình và không nên tự cho mình là một phần của tương lai chính trị đất nước.
Bà Clinton nói: “Nếu bất kỳ ai, kể cả Tổng thống Assad, nghĩ rằng Hoa Kỳ đang ngầm hy vọng rằng chế độ này sẽ thoát ra khỏi tình trạng bất ổn hiện thời để tiếp tục sự đàn áp tàn bạo, thì họ đã lầm. Tổng thống Assad không phải là người không thể thay thế, và chúng tôi hoàn toàn không kỳ vọng vào chuyện ông tiếp tục cầm quyền.”
Ngoại trưởng Clinton đưa ra các nhận định vừa kể sau khi đại biện lâm thời của Syria ở Washington bị triệu đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để nghe phản đối chính thức về các sự cố tại đại sứ quán, đã xảy ra bất kể sự kiện đích thân Ngoại trưởng Syria Walid Muallam đã bảo đảm với Đại sứ Ford hôm Chủ Nhật rằng an ninh sẽ được tăng cường.
Giới hữu trách Syria phẫn nộ vì ông Ford và đồng nghiệp người Pháp tới thăm Hama. Truyền thông Syria còn cáo buộc nhà ngoại giao Hoa Kỳ là gặp gỡ các phần tử bị coi là ‘những kẻ phá hoại’ và kích động bạo lực.
Bà Clinton cho rằng các vụ việc đó là nỗ lực của giới lãnh đạo Syria nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với cuộc đàn áp tàn bạo những cuộc biểu tình chống chính phủ hiện vẫn tiếp diễn, làm hơn 1.000 thường dân thiệt mạng kể từ tháng Ba.
Bà Clinton nói: “Chính quyền Assad sẽ không thành công trong việc đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới đối với câu chuyện thực sự đang diễn ra ở Syria. Đây không phải là chuyện về Hoa Kỳ, Pháp hay bất kỳ nước nào khác. Đây là chuyện về ước vọng chính đáng của người dân Syria đòi được tôn trọng nhân phẩm, hưởng các quyền cơ bản và pháp trị.”
Các diễn biến xảy ra kể từ chuyến thăm tới Hama của ông Ford hôm thứ Năm tuần trước lại khiến người ta tập trung sự chú ý đến nhà ngoại giao kỳ cựu này. Ông đã được bổ nhiệm tới Damascus hồi đầu năm nay vào chức vụ đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên trong sáu năm tại đó bất chấp sự chỉ trích nặng nề của cả hai đảng trong Quốc hội.
Bà Robin Wright, một phóng viên ngoại giao kỳ cựu và cũng là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hòa bình Hoa Ky,ø cho rằng ông Ford đảm nhiệm một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất mà bất kỳ một đại sứ nào phải thực hiện, mà chuyến thăm tới Hama là một ví dụ điển hình.
Bà Wright nói: “Hoa Kỳ muốn vận động thay đổi nhưng rõ ràng sẽ không hành động như từng làm ở Libya. Nhưng đại sứ Ford đã thực hiện hai điều mang tính sáng tạo. Oâng tới Hama, với tác dụng cho thấy ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự do ngôn luận, và tự do hội họp. Oâng cũng đăng tải một thông điệp khá nghiêm trọng trên trang Facebook, mà cơ bản là thách thức chế độ (Syria) vì đã gây ra các hành động đối với đại sứ quán cũng như các hành động chống lại thường dân nước mình tại các nơi như Hama.”
Bà Wright nói rằng trong khi các giới chức Syria loan truyền các sự cố xảy ra ở đại sứ quán là hành động tự phát của người dân Syria, thì động cơ chính thức của các vụ tấn công “hoàn toàn rõ ràng,” và thực là điều đáng “kinh ngạc” nếu giới hữu trách Syria không hiểu ra được rằng các chiến thuật đó là thô thiển tới mức nào đối với thế giới bên ngoài.