VOA - USA
Hệ thống cửa hàng bách hóa Regal có thời là những điểm hẹn của những người thích đi mua sắm. Bước vào các cửa hàng này khách sẽ được chiều chuộng đủ thứ. Họ có thể thử nước hoa, chọn quần áo có thợ đo đạc cẩn thận, sau đó đi thang máy lên các tầng trên để chọn quần áo lót hoặc các vật dụng trong nhà, lang thang trước các tủ kính bày biện hàng Giáng Sinh rực rỡ, thậm chí có thể gặp bạn bè dùng bữa trưa ngay trên trong cửa hàng.
Đi shopping bấy giờ cũng là một cái thú.
Nhưng vào cuối thế kỷ 20, các cửa hàng giảm giá bắt đầu thu hút khách muốn tìm giá hạ mà vẫn có được những bộ quần áo thời trang, hàng hiệu do các nhà thiết kế danh tiếng tạo mẫu.
Các cửa hàng giảm giá bắt đầu lấy khách của những cửa hàng bách hóa sang trọng, buộc loại nhà buôn thứ nhì nay hoặc là giảm giá theo, hoặc là biến mất.
Trong vòng 10 năm qua, các nhà buôn lẻ lớn nhỏ lại gặp một đối thủ khác.
Người Mỹ ngày càng mua sắm nhiều trên Internet, sử dụng laptop hoặc điện thoại cầm tay, vì biết rằng trên Internet họ có nhiều lựa chọn hơn, và hàng được gửi về nhà họ miễn cước.
Một bà Mỹ ở California với báo New York Times rằng bây giờ bà chỉ bước vào các khu shopping khi cần trả lại hàng mà bà đã mua online.
Vậy thì các cửa hàng bách hóa phải làm gì để tồn tại? Nhiều cửa hàng đã tái cấu trúc lại dựa trên khái niệm làm thế nào tạo một kinh nghiệm thích thú cho khách khi đến cửa hàng của mình.
Một số cửa hàng bách hóa bắt chước các cửa hàng bán giá hạ, mở ra những quày bán những món đặc biệt hoặc độc quyền.
Một trong những hệ thống cửa hàng bách hóa lớn, J. C. Penney, đã thuê một quản lý viên cao cấp của công ty máy tính Apple để thay thế cách trang trí buồn bã của mình bằng những nét tươi sáng của một bộ mặt mới.
Ý của J. C. Penney là làm thế nào tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái, thư giãn, một trải nghiệm mà khách không thể nào tìm được khi mua sắm online.