VOA - World News
Trong một diễn văn được truyền hình toàn quốc tối thứ Tư, Tổng thống Obama nói rằng Hoa Kỳ sẽ triệt thoái 10 ngàn binh sỹ khỏi Afghanistan từ nay đến cuối năm, và thêm 23 ngàn quân nữa trong 14 tháng tới, và sẽ giao trọn trách nhiệm an ninh cho các lực lượng Afghanistan vào năm 2014 là hạn chót.
Ông cũng nhắc đến công lao của chính phủ Pakistan, nói rằng chính phủ nước này đã cộng tác với Hoa Kỳ để triệt hạ hơn phân nửa những thủ lãnh của al-Qaida.
Nhưng Tổng thống Obama cũng nói rằng Hoa Kỳ phải đối phó với vấn đề những nơi trú ẩn an toàn của quân khủng bố tại Afghanistan, và phải làm việc với chính phủ nước này để tiêu diệt điều ông gọi là “chứng ung thư của chủ nghĩa cực đoan bạo động.”
Phân tích gia Pakistan, giáo sư Hassan Askari thuộc đại học Punjab, nói rằng lời nhắn nhủ của Tổng thống Obama vừa ca ngợi, vừa cảnh báo, khiến người ta không thể không chú ý.
Ông nói: ”Người ta thừa nhận rằng với sự cộng tác của Pakistan, al-Qaida đã bị suy yếu trong quá khứ. Vì thế nước Mỹ cảm kích chuyện này. Nhưng cùng với lời cảm ơn lại có lời cảnh giác Pakistan rằng có những nơi trú ẩn an toàn (cho al-Qaida) tại Pakistan và rằng Hoa Kỳ sẽ thúc bách Pakistan phải có hành động để bảo đảm rằng những nơi trú ẩn này sẽ không còn tồn tại ở Pakistan nữa.”
Điều khiến hầu hết người dân Pakistan cảm thấy khích lệ là kế hoạch của Tổng thống Obama cho một giải pháp chính trị gồm những cuộc thương thuyết với phe Taliban ở Afghanistan.
Trong một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đang viếng thăm Islamabad, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Hanna Rabbani Khar nói rằng những gì diễn ra tại Afghanistan sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với Pakistan.
Ông nói: ”Afghanistan là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Afghanistan và Pakistan hai quốc gia láng giềng quan trọng, Pakistan, nước láng giềng, sẽ chịu ảnh hưởng nếu một giải pháp cho Afghanistan đưa đến tình trạng có hay thiếu an ninh và ổn định, Pakistan sẽ chuẩn bị chờ đợi bất cứ một giải pháp nào đó cho Afghanistan.”
Taliban đã bị đánh bật ra khỏi một số nơi quan trọng tại miền nam Afghanistan. Nhưng quân nổi dậy đã tăng cường dọc theo biên giới phía đông giáp với Pakistan, là một trong số vỏn vẹn 3 quốc gia công nhận chính phủ do Taliban cầm đầu cai trị Afghanistan từ năm 1996 tới năm 2001.
Việc triệt thoái lực lựơng NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo ra khỏi Afghanistan có những ý nghĩa cho toàn khu vực, với một số nước lân cận, trước tiên là Ấn Độ, lo sợ rằng ảnh hưởng của nước láng giềng và thù nghịch là Pakistan có thể lên cao nếu như Taliban có thể giành lại quyền tại Afghanistan.
Về phần Pakistan, nước này không vui đối với mức độ ảnh hưởng mà Ấn đã tạo được tại Afghanistan kể từ khi Taliban bị lật đổ năm 2001.
Giới lãnh đạo của Ấn và Pakistan đã tìm cách giảm nhẹ mối lo ngại này. Thủ tướng Ấn Manmohan Singh nói trong một chuyến thăm Afghanistan vào tháng Năm rằng quốc gia ông ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Afghanistan thương thuyết với Taliban để kết thúc cuộc chiến kéo dài đã gần 10 năm.
Trước đây trong tháng, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã đến Pakistan và loan báo những biện pháp mới nhắm cải thiện an ninh và kết thúc cuộc chiến trong nước ông, kể cả việc thành lập một Hội đồng Hòa Bình và Hòa giải tại Afghanistan để thương thuyết với những thành phần của Taliban ở Afghanistan.
Về phần giới lãnh đạo Pakistan, họ đã tỏ ý rằng chấm dứt cuộc chiến tại nước láng giềng là bước tiến thật dài để giảm bất ổn trong khu vực và có lẽ sẽ giúp hàn gắn lại mối quan hệ đã bị tổn hại giữa Islamabad và Washington.