VOA - World News
Sau các cuộc đàm phán kéo dài tới sáng sớm hôm nay, Pháp và Đức đã thuyết phục được 17 thành viên trong khu vực euro đang gặp nhiều khó khăn ký vào kế hoạch của họ nhằm thành lập một cơ cấu kiểm soát phối hợp hơn và có trách nhiệm hơn về tài chính. Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Herman van Rompuy nêu ra một vài chi tiết với báo giới:
“Có nghĩa là chúng ta đều có cam kết với một quy chế tài chính mới và mạnh của châu Âu. Có nghĩa là các nước thành viên sẽ sắp xếp nó với hiến pháp hay văn bản tương đương của họ. Có nghĩa là tăng cường các luật lệ về thủ tục thâm hụt quá mức bằng cách biến chúng trở thành tự động hơn. Cũng có nghĩa là các nước thành viên sẽ phải đệ trình các dự thảo kế hoạch ngân sách cho ủy hội.”
Nhưng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thừa nhận rằng hy vọng thuyết phục tất cả 27 nước thành viên EU đồng ý với thỏa thuận đã tan vỡ.
Ông Sarkozy nói Pháp và Đức muốn tất cả 27 quốc gia ủng hộ thỏa thuận, nhưng điều đó đã không thành tựu, trước sự phản đối của Anh Quốc. Vì vậy thỏa thuận sẽ được phê chuẩn bởi 17 thành viên dùng chung đồng euro và tất cả những nước khác muốn tham gia. Ngoài Anh Quốc, Hungari cũng đã từ chối tham gia. Thụy Điển và nước Cộng hòa Czech thì còn cần phải hội ý với các chính phủ nước họ.
Giải thích việc từ chối không tham gia thỏa thuận, Thủ tướng Anh David Cameron nói đó là một quyết định khó khăn – nhưng đúng đắn:
“Tôi đã nói nếu tôi không có được các biện pháp đầy đủ để bảo vệ Anh Quốc trong một hiệp ước Âu châu mới thì tôi sẽ không đồng ý. Những gì được đề nghị không mang lại lợi ích cho nước Anh, vì thế tôi không đồng ý.”
Hiệp ước mới nhắm mục đích đem lại một giải pháp dài hạn cho khoản nợ to lớn từ hai năm nay của khối euro và vụ khủng hoảng ngân hàng đã lan tràn từ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, và đe dọa đến các nền kinh tế lớn hơn như Italia và Tây Ban Nha.
Cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor’s đã dọa sẽ hạ cấp gần như tất cả các thành viên của khối euro, cùng với EU và một số ngân hàng lớn của châu Âu.
Trong một phản ứng sớm sủa, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu Mario Draghi đã ca ngợi thỏa thuận mới. Nhưng những người khác lo ngại rằng nó sẽ làm suy yếu sự thống nhất của EU và tạo ra cái được gọi là châu Âu “hai cấp độ” – với thành phần là những nước muốn hòa nhập thêm và những nước không muốn thế – như Anh Quốc.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý về nhiều biện pháp dài hạn nhằm ngăn chặn vụ khủng hoảng khối euro, kể cả việc tăng cường những bức tường lửa tài trợ để ngăn chặn vụ khủng hoảng lây lan.
Họ tiếp tục các cuộc đàm phán trong ngày hôm nay để vạch ra chi tiết cho một hiệp định mới, cùng với nhiều vấn đề khác.