VOA - World News
Tổng thống Obama cho biết ông cử Bộ trưởng Ngoại giao đến Miến Điện để xem Hoa Kỳ có thể làm thế nào để giúp nước này ủng hộ tiến bộ về cải cách chính trị, nhân quyền và hòa giải dân tộc. Nhưng ông Obama cũng nói rằng bang giao của Miến Điện và Bắc Triều Tiên là một vấn đề quan trọng cần phải giải quyết.
Thượng nghị sĩ Richard Lugar đại diện tiểu bang Indiana, một thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại, đề nghị bất kỳ việc tiếp xúc trở lại nào với Naypyidaw đều phải bao gồm một sự khai báo đầy đủ về “mức độ và ý đồ trong chương trình hạt nhân đang được Miến Điện phát triển.”
Vị thượng nghị sĩ này nói ủy ban của ông đã nhận được thông tin cách đây 5 năm cho biết chính phủ Miến Điện có ý định phát triển vũ khí hạt nhân, với sự trợ giúp của Bắc Triều Tiên.
Cách đây 1 năm, các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc đã công bố một bản phúc trình cáo buộc Bắc Triều Tiên cung cấp thiết bị hạt nhân và phi đạn bị cấm chỉ cho Miến Điện, Iran và Syria, một cách bí mật, để tránh các biện pháp chế tài quốc tế.
Miến Điện, còn gọi là Myanmar, là nước ký tên vào Hiệp ước Cấm phổ biến Hạt nhân, và là thành viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế. Theo chuyên gia cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Daniel Pinkston, sự kiện đó có nghĩa là Miện Điện phải khai báo đầy đủ bất kỳ cuộc giao dịch nào trước đây với phía Bắc Triều Tiên.
Ông Pinkston nói: “Nếu có bằng cớ rõ ràng về sự hợp tác hạt nhân thì, để cải thiện bang giao với Hoa Kỳ và phần còn lại của cộng đồng quốc tế, Miến Điện sẽ phải hoàn thành các nghĩa vụ theo Hiệp ước Cấm Phổ biến Hạt nhân và theo các thỏa thuận về bảo vệ với Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế. Và sự kiện đó có nghĩa là khai báo bất kỳ công cuộc hợp tác nào đã có với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tức Bắc Triều Tiên, bất cứ vụ thủ đắc nào về chất liệu, kỹ thuật, cơ phận, vân vân...”
Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích tình báo cũng nêu ra những báo cáo chưa được kiểm chứng về việc hàng trăm kỹ sư và khoa học gia Bắc Triều Tiên đến thăm hay làm việc tại các cơ sở quân đội và các cơ sở khác của Miến Điện. Nhưng nói chuyện với đài VOA với điều kiện không nêu danh tính, các giới chức chính phủ Nam Triều Tiên cho biết họ chưa nhìn thấy bằng chứng cụ thể về mức độ hợp tác đó giữa Bắc Triều Tiên và Miến Điện.
Cựu tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, ông Hans Blix, hiện là chủ tịch Ủy ban về Vũ khí có sức tàn sát hàng loạt, cũng đồng ý với đánh giá đó, có liên quan đến một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mà Miến Điện được cho là đang thực hiện.
Ông Blix nói: “Thế giới có lý do để lo ngại và tìm hiểu về việc này. Có một vài người đào tỵ đã nói đến chuyện ấy, nhưng nhiều người khác lại gạt hẳn đi. Và kinh nghiệm của tôi cho thấy là phía Bắc Triều Tiên chưa đi xa mấy.”
Các giới chức Miến Điện cũng bác bỏ bất kỳ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân nào, tuy họ thừa nhận rằng họ có cứu xét việc tìm cách sử dụng kỹ thuật nguyên tử để sản xuất điện năng. Trước đây trong năm, các giới chức Miến Điện đã khẳng định rằng đất nước họ quá nghèo không thể theo đuổi bất cứ hình thức nào của chương trình hạt nhân.
Bằng chứng về vũ khí quy ước đi lại giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên trong nhiều năm thì cụ thể hơn. Trong nhiều dịp, Hải quân Hoa Kỳ đã ngăn chặn các tàu của Bắc Triều Tiên, nghi là chở vũ khí, đến các cảng của Miến Điện. Các chuyên gia phân tích nói Bắc Triều Tiên dường như đã tiếp tay cho Miến Điện nâng cao các khả năng phi đạn của họ.
Các chuyên gia nêu ra rằng bất kỳ việc giao nhận thành công các vũ khí đó trước đây đều có thể đề ra những rắc rối về ngoại giao cho Miến Điện khi nước này tìm cách bình thường hóa quan hệ với cộng đồng quốc tế. Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp dụng đối với Bình Nhưỡng, tất cả mọi vụ mua bán vũ khí của Bắc Triều Tiên, kể cả vũ khí quy ước, đều bị cấm chỉ.
Bang giao giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên đã trải qua những thời kỳ bấp bênh kể từ khi được thiết lập vào năm 1962. Miến Điện đã cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng vào năm 1983, sau khi các điệp viên Bắc Triều Tiên ở Miến Điện tìm cách ám sát tổng thống Nam Triều Tiên. Vụ đánh bom lần đó đã gây thiệt mạng cho 18 viên chức cấp cao của Nam Triều Tiên.
Quan hệ quân sự giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên dường như đã được nối lại vào đầu thập niên 1990, nhưng quan hệ ngoại giao chưa được chính thức phục hồi cho mãi đến lúc cách đây 4 năm.
Từ nhiều chục năm, cả hai nước đều bị cô lập tách khỏi phần lớn cộng đồng ngoại giao và giao thương toàn cầu vì các chính phủ áp bức.