VOA - World News
Cả đại sứ Hoa Kỳ ở Syria lẫn đại sứ Syria ở Hoa Kỳ đều đã được triệu hồi về thủ đô của hai nước, và các giới chức đôi bên nói rằng các vụ triệu hồi này là để tham khảo ý kiến. Nhưng các giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nói rằng ông Ford được đưa trở lại Washington vì có “những mối đe dọa đáng tin cậy” đối với an ninh của ông.
Phát biểu với các phóng viên ở Washington hồi hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nhấn mạnh rằng việc ông Ford trở về Washington không phải là một quyết định rút đại sứ. Bà Nuland cũng cáo buộc chính phủ Syria là tham gia vào một “chiến dịch bôi nhọ” nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Bà Nuland cho biết: “Chúng tôi lo ngại về một chiến dịch khích động do chế độ lãnh đạo nhắm vào cá nhân đại sứ Ford của các cơ quan truyền thông do nhà nước Syria điều hành, và chúng tôi lo ngại về tình hình an ninh mà chiến dịch đó đã gây ra.”
Bà Nuland nói theo dự kiến ông Ford sẽ trở lại Damascus sau khi hoàn thành các cuộc tham khảo ý kiến, mặc dù thời điểm chưa chắc chắn là bao giờ. Bà cho biết chính phủ Syria phải cung cấp an ninh cho ông Ford khi ông trở lại. Ông Ford là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã được bổ nhiệm làm đại sứ ở Syria hồi tháng giêng. Ông đã phục vụ tại Algeria, Bahrain và Iraq trong thập niên vừa qua.
Ông Salman Shaikh, chuyên về các vấn đề giải quyết xung đột ở vùng Trung Đông, là giám đốc Trung Tâm ở Doha của viện Brookings. Ông nói với đài VOA rằng các cơ quan truyền thông Syria đã tìm cách mô tả công tác của Đại sứ Ford ở Iraq dưới một khía cạnh không thuận lợi.
Ông Shaikh nói: “Tôi nghĩ đó là một nỗ lực tìm cách mô tả ông qua một hình ảnh có hình thức phe phái nào đó, có thể để làm lợi cho một số vấn đề phe phái đã nổi lên ở Iraq và tìm cách liên kết các vấn đề này, một cách thiếu khéo léo, với các vấn đề phe phái ở ngay Syria.”
Ông Ford từng là người thẳng thắn chỉ trích việc chính phủ Syria đàn áp giới bất đồng chính trị một cách tàn bạo. Liên Hiệp Quốc nói có 3 ngàn người đã bị sát hại kể từ khi vụ nổi dậy chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu hồi tháng 3.
Lập trường của ông Ford đã gây khó chịu cho chính phủ Syria và những người ủng hộ chính phủ. Tháng trước, một đám đông phẫn nộ đã chận đầu ông khi ông chuẩn bị gặp một nhân vật đối lập hàng đầu ở Damascus. Và chính phủ Syria đã ra lệnh hạn chế việc đi lại của các đại sứ nước ngoài sau khi ông Ford và đại sứ Pháp đi thăm thành phố Hama để bầy tỏ tình đoàn kết với cư dân ở đó.
Ông Shaikh cho rằng ông Ford đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc làm chứng nhân cho tình hình bên trong Syria, và sự ra đi của ông sẽ là một cú đánh nhắm vào các thành viên của phe đối lập ở Syria. Tuy nhiên, ông nêu ra rằng Hoa Kỳ và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế có quan hệ với các nhân vật đối lập của Syria ở trong cũng như ngoài nước.
Ông Shaikh nói tiếp: “Việc đại sứ Ford rời khỏi Syria là điều quan trọng, nhưng tôi cho rằng đó không nhất thiết là ngày tận thế xét về các nỗ lực hợp tác với phe đối lập. Tuy nhiên, nó là dấu hiệu cho thấy sẽ bớt đi một đường dây liên lạc – giữa chế độ của Syria và Hoa Kỳ. Và theo tôi, có nhiều phần chắc nó sẽ dẫn tới một sự gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước.”
Bà Nuland của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định rằng việc giao tiếp với ông Assad đã không còn nữa. Và trong khi Hoa Kỳ và Syria vẫn giữ các quan hệ ngoại giao, các giới chức của Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống Barack Obama, đã kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Ông Shaikh nói rằng các vụ triệu hồi đại sứ có thể là không tránh khỏi.
Ông Shaikh nhận xét: “Chúng ta đã đi vào một con đường va chạm ngoại giao giữa Hoa Kỳ và chế độ của ông Assad ở Syria. Điều đáng ngạc nhiên là đã phải chờ đến bây giờ Đại sứ Ford mới rời khỏi Syria, xét theo những áp lực đã gia tăng đối với ông, và rồi dĩ nhiên là quyết định tương tự mà Syria đã thực hiện với việc ông Imad Moustapha rời khỏi Washington.”
Bất kể sự vắng mặt của các vị đại sứ, đại sứ quán của Hoa Kỳ ở Syria và đại sứ quán Syria ở Hoa Kỳ vẫn còn nhân viên làm việc và vẫn hoạt động.