VOA - World News
Cuộc họp khẩn của Liên đoàn Ả rập đã không đạt được mục đích nguyên thủy là tạm thu hồi tư cách hội viên của Syria vì vụ đàn áp đẫm máu của chính phủ nước này nhắm vào thường dân.
Tuy nhiên, bộ trưởng ngoại giao của Qatar, một trong 6 nước vùng Vịnh Ba Tư yêu cầu triệu tập cuộc họp, nói rằng các nước Ả rập sẽ thực hiện một sáng kiến và yêu cầu chính phủ Syria thương thảo với phe đối lập.
Ngoại trưởng Sheik Hamad bin Jassim al-Thani nói rằng ông muốn cuộc thảo luận diễn ra trong vòng 15 ngày tại trụ sở của Liên đoàn Ả rập ở Cairo. Ông nói thêm rằng ông hy vọng Damscus sẽ chấp nhận lời kêu gọi đối thoại và bắt đầu đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria.
Đại sứ Syria tại Liên đoàn Ả rập, ông Yousef Ahmad, nói rằng chính phủ nước ông sẽ đáp ứng tích cực và cởi mở đối với những nỗ lực của các nước Ả rập mà ông gọi là “thành thực và có hiệu quả” để chấm dứt vụ khủng hoảng.
Đại sứ Ahmad nói thêm rằng chính phủ Syria sẽ đề nghị một kế hoạch để tăng cường dân chủ, cải cách và nhân quyền.
Đây là cam kết bao quát nhất của một giới chức Syria trong lúc những cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra trong 7 tháng nay. Chính phủ ở Damascus chưa thực hiện những thay đổi này.
Những người biểu tình chống Syria đã tụ tập bên ngoài trụï sở Liên đoàn Ả rập với hy vọng khối này sẽ có hành động chống lại Damascus. Hầu hết các nước vùng Vịnh Ba Tư thành viên của Liên đoàn Ả rập đã giảm cấp quan hệ với Syria và triệu hồi đại sứ của họ vì vụ bạo động mà Liên hiệp quốc nói là đã gây tử vong cho hơn 3,000 người.
Tuy nhiên những nước vừa kể đã không tranh thủ được đa số ba phần tư để tạm thu hồi tư cách hội viên của Syria. Có tin cho hay chính phủ của những nước khác trong khối Ả rập đang đối mặt với các cuộc nổi dậy, kể cả Yemen, nằm trong số những nước phản đối đề nghị thu hồi tư cách hội viên của Syria.
Hồi đầu năm nay, Liên đoàn Ả rập đã tạm thu hồi tư cách hội viên của Libya vì vụ đàn áp của lãnh tụ Libya lúc đó là ông Moammar Gadhafi. Diễn tiến đó được xem là một dấu hiệu cho thấy sự can thiệp của nước ngoài, dưới hình thức của hành động quân sự của Nato, sẽ được các nước trong khu vực chấp nhận.
Nhưng việc thực hiện một chiến dịch quân sự quốc tế ở Syria không được nhắc tới nhiều, trong khi một số nhà tích tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của những áp lực chính trị và kinh tế.
Ông Hisham Kassem, một nhà phân tích chính trị ở Ai Cập, nói rằng chính phủ Syria sẽ không lý gì tới những lời khuyên của các nước khác.
Ông Kassem nói: "Rất khó để biết được những nước trong khu vực có thể làm được điều gì, ngoại trừ một sự can thiệp quân sự mà tôi nghĩ là sẽ không xảy ra. Vì vậy, không có áp lực chính trị nào có thể làm cho tình hình thay đổi. Ở đây chúng ta có một người làm tổng thống và một chế độ biết rõ là họ phải giết dân để tiếp tục nắm quyền vì nếu không như vậy họ có thể bị người dân giết chết."
Về phần mình, Liên đoàn Ả rập, một tổ chức lâu nay thường bị chỉ trích là không có hành động để hậu thuẫn cho các tuyên bố, vẫn chưa cho biết họ sẽ làm gì nếu chính phủ Syria không tham gia cuộc đối thoại quốc gia mà họ đề nghị.