Các nhà hoạt động sẵn sàng liều mình để chống nạn săn cá voi

PostMon Oct 17, 2011 7:04 am

VOA - World News

Những chiến sĩ ăn chay trường trên tàu Bob Barker của Hội Mục Đồng Biển cho biết họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ cho những con cá voi ở Nam Băng Dương trước những ngọn lao của người Nhật.

Thuyền viên Benjamin Potts cho biết các đồng sự của ông sẵn sàng chấp nhận những hiểm nguy trước mắt.

Ông Potts nói: "Chúng tôi sẵn sàng liều mình trong các chuyến đi này; và tuy không ai muốn chết cho những con cá voi, nhưng mọi người đều sẵn sàng hy sinh tính mạng với hy vọng giúp cho những chủng loại này khỏi bị tuyệt chủng hay khỏi bị giết hại."

Hội Mục Đồng Biển đặt bản doanh ở Mỹ nhưng thực hiện những chiến dịch ở Nam băng Dương từ các hải cảng của Australia. Năm nay, nhóm này định phái 3 chiếc tàu đến quấy rối những hoạt động của đoàn tàu săn cá voi của Nhật Bản. Để đáp lại, Tokyo cảnh báo rằng tàu của họ sẽ được bảo đảm an ninh nhiều hơn và sẽ được các tàu tuần tiểu hộ tống. Những vụ dung trước đây đã khiến cho một chiếc tàu của Mục Đồng Biển bị chìm và nhiều vụ suýt chìm.

Trong lúc những nhân vật tranh đấu của Mục Đồng Biển ném bom axít thối, họ cũng tố cáo rằng những chiếc tàu săn cá voi đã trả đũa bằng cách sử dụng những vòi phun nước áp suất cao và những khẩu súng tiếng ồn để bắn đi những làn sóng âm thanh thấp và cao vào những người chống đối.

Ông Benjamin Potts nói rằng hành động trực tiếp là một phương cách hữu hiệu để đối phó với những người săn cá voi.

Ông Potts nói tiếp: "Những chiến thuật này mang lại hiệu quả. Quí vị cũng biết, nếu chỉ xuống dưới vùng biển đó để căng biểu ngữ và quay phim, thì điều đó tuy có giúp cho thế giới biết rằng việc này vẫn xảy ra, nhưng không có tác động thật sự. Điều đó không cứu được mạng sống của những con cá voi. Những con cá voi vẫn bị giết hại."

Bà Dae Levine, thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh ở Australia Thái bình dương, muốn áp dụng một đường lối có tính chất ngoại giao nhiều hơn đối với vấn đề săn cá voi. Và tuy tổ chức của bà không phái thuyền để rượt đuổi những người săn cá voi, bà tin rằng những nỗ lực của tổ chức này nhằm tranh thủ tình cảm của người Nhật đang dần dần mang lại kết quả.

Bà Levine nói: "Giờ đây họ nhận ra rằng chính phủ họ dính líu tới một công nghiệp mà trên cơ bản là một công nghiệp thối nát, và việc này không liên hệ gì tới lịch sử, không liên hệ gì tới truyền thống, và việc này thật sự có liên hệ tới tham ô và tiền bạc. Và nếu chúng tôi có thể trình bày chuyện này với người dân Nhật Bản nhiều chừng nào thì chúng tôi càng có thể thuyết phục họ để họ tin rằng đây không phải là chuyện chính phủ Nhật bảo vệ truyền thống mà chính phủ chỉ bảo vệ cho việc kiếm tiền của một số người. Như vậy chúng tôi có thể thuyết phục họ và chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi đó trong thực tế."

Tuy nhiên đối với những thuyền viên trên tàu Bob Barker, là chiếc tàu  định rời bến đậu ở Cảng Sydney vào tháng 12, việc đối đầu thêm nữa với đoàn tàu săn cá voi là một việc không thể tránh khỏi. Một điều thú vị là nhóm Mục Đồng Biển đã đặt tên cho chiến dịch năm nay là “Thần Phong”, đồng nghĩa với chữ kamikaze của Nhật Bản.

Tiến sĩ Tim Stephens, một chuyên gia luật quốc tế của Đại học Sydney, tin rằng phương pháp của nhóm Mục Đồng Biển là có vấn đề.

Ông Stephens nói: "Đây là hành vi hải tặc, xét theo một quan điểm. Nó có thể bị xem là hải tặc dựa trên một số cách diễn giải của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Quan điểm của tôi là việc này quả thật là một sự can thiệp bất hợp pháp vào những hoạt động của một chiếc thuyền, đi ngược với một số những công ước chống khủng bố hiện có để bảo vệ thuyền bè và những cơ sở cố định trên biển như giàn khoan dầu. Họ đang tìm cách tiến tới bờ rìa của pháp luật mà không vượt quá lằn ranh để có thể bị đưa ra tòa về tội cướp biển."

Chính phủ Australia muốn Tòa án Quốc tế ngăn không cho Nhật Bản săn cá voi, nhưng phải mất hai hoặc ba năm nữa tòa án này mới có thể có quyết định chung cuộc. Và trong thời gian này, nếu không có được một giải pháp thông qua thương lượng, những vụ đụng độ ở vùng biển Nam Cực có phần chắc sẽ gia tăng cường độ.

Hoạt động săn cá voi vì mục đích thương mại đã bị cấm chỉ từ 25 năm nay, nhưng Nhật Bản được phép săn bắt khoảng 1.000 con cá voi mỗi năm để phục vụ cho điều mà Tokyo nhất mực gọi là một chương trình nghiên cứu khoa học.

Những người chỉ trích nói rằng chương trình này là trên thực tế là một hoạt động săn bắt cá voi cho mục đích thương mại.
NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Hoa Kỳ Và Thế Giới - USA And World News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1038 guests

cron