Tình già phố thị
Posted: Mon Aug 17, 2015 8:01 am
Tình già phố thị
1. Bệnh viện vào giờ cao điểm, dòng người dân lầm lụi đứng chen chân chờ đến lượt thăm khám. Ở góc khác, trước cửa phòng chụp X-quang, cụ ông nắm chặt tay cụ bà đứng chờ.
Phải rất lâu, tiếng nhân viên phòng chụp mới vang lên: “Bà Nguyễn Thị Lang đâu ...”, cụ bà chậm rãi lên tiếng: “Tôi Lang đây”. “Mời cụ vào trong chụp X-quang” - cô y tá nói.
Cụ ông bỏ tay đẩy nhẹ bà về phía trước rồi bảo: “Bà vào đi, tôi đứng ở đây chờ”. Cụ bà nấn ná quay lại nhìn ông vẻ ngập ngừng: “Hay ông vào với tôi”. Cụ ông trấn an: “Ai cho mà vào, người ta chỉ cho ai chụp vào thôi”. “Nhưng tôi sợ…” - cụ bà đáp lại. “Sợ gì, tôi ở đây tôi canh cho”, vừa nói tay ông vừa xua xua về phía trước. Cụ bà nhìn ông rồi chầm chậm bước vào sau cánh cửa phòng X-quang. Lúc này cụ ông mới đặt mình xuống ghế chờ bên cạnh, mắt không rời cánh cửa phòng chụp.
2. Quán bia hơi lúc tan tầm ồn ã những tiếng nói cười, chúc tụng cạn ly. Hai ông bà ngập ngừng bước vào quán, nhìn hoang mang về phía trước. Nhân viên quán chạy ra đon đả: “Ông bà đến gặp ai ạ?”. Ông nhìn lên, hóm hỉnh nói: “Tôi gặp bia”. “Thế ông đã đặt bàn trước chưa ạ?”, vẫn tiếng cô nhân viên hỏi. Ông đặt tay vào túi quần vỗ bành bạch giọng đã tự tin hơn: “Tôi có tiền mà”. Cô nhân viên cố nín cười mời ông bà vào một chiếc bàn để trống. Vừa ngồi xuống, bà đã dặn: “Uống một cốc thôi nhé!”. Ông: “Lúc nãy thỏa thuận là tôi uống hai cốc rồi cơ mà”. Bà: “Tôi vừa thay đổi ý định rồi, hôm nay uống một cốc”. Ông: “Uống một cốc quê chết, người ta không bán cho. Thôi cho tôi uống hai cốc, uống lần này rồi không uống nữa. Mấy khi mà lên thành phố, bà chiều tôi nhé”. Bà nhìn ông cười âu yếm: “Chỉ có xin là khéo”.
3. Bà ngồi lặng thinh trong quán nước, cố giấu khéo đi giọt nước mắt đang chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nheo. Cô hàng nước dường như nhận ra sự bất thường ấy nhưng tế nhị không tiện hỏi. Lúc sau ông đến, ngồi bên cạnh bà cố nói thật to: “Cho tôi cốc trà nóng đi cô Vân”. Đưa nước cho ông, bà chủ quán trà đá mới cất tiếng: “Chắc lại giận nhau với con dâu à?”. Ông gật đầu xác nhận: “Hôm nay có vẻ căng, hai bà giận nhau được hai ngày rồi, sáng nay thì chiến đấu miệng quá dữ”. Rồi ông quay sang vỗ vai bà nói: “Tôi đã bảo, chấp chúng nó làm gì!”. Lúc này bà mới chịu ngẩng đầu lên, nhìn ông khóc méo: “Cũng tại ông cả, ngày xưa tôi đã không ưng rồi mà ông cứ cho chúng nó lấy nhau, để bây giờ nó ghét, nó khinh, sướng thân ông, thân tôi chưa?”. Ông mỉm cười, chậm rãi uống chén nước trên tay rồi mới cất tiếng: “Thì vì chúng nó yêu nhau”. Bà vẫn chưa chịu thua: “Con mình trẻ người non dạ, yêu gì mà yêu. Ông mà không đồng ý thì đừng hòng tôi cho”. Lần này ông không quay sang nhìn bà, đôi mắt nhìn xa vắng rồi buông lời: “Ngày xưa các cụ nhà ta cũng cấm đoán, chắc bây giờ tôi với bà làm gì được ngồi ở đây với nhau”. Bà bật cười, lẫn chút ngượng nghịu: “Thì tôi với ông nó khác”. Uống xong cốc nước, ông nắm lấy tay bà lắc lắc: “Thôi về đi, chúng nó đi làm hết rồi, về ngủ lấy sức tối mà giận nhau tiếp”…
Nhìn hai bóng người già chầm chậm bước đi giữa dòng người tấp nập, cô bán trà đá chép miệng: Không biết sau này có bằng được một nửa các cụ không?!.
1. Bệnh viện vào giờ cao điểm, dòng người dân lầm lụi đứng chen chân chờ đến lượt thăm khám. Ở góc khác, trước cửa phòng chụp X-quang, cụ ông nắm chặt tay cụ bà đứng chờ.
Phải rất lâu, tiếng nhân viên phòng chụp mới vang lên: “Bà Nguyễn Thị Lang đâu ...”, cụ bà chậm rãi lên tiếng: “Tôi Lang đây”. “Mời cụ vào trong chụp X-quang” - cô y tá nói.
Cụ ông bỏ tay đẩy nhẹ bà về phía trước rồi bảo: “Bà vào đi, tôi đứng ở đây chờ”. Cụ bà nấn ná quay lại nhìn ông vẻ ngập ngừng: “Hay ông vào với tôi”. Cụ ông trấn an: “Ai cho mà vào, người ta chỉ cho ai chụp vào thôi”. “Nhưng tôi sợ…” - cụ bà đáp lại. “Sợ gì, tôi ở đây tôi canh cho”, vừa nói tay ông vừa xua xua về phía trước. Cụ bà nhìn ông rồi chầm chậm bước vào sau cánh cửa phòng X-quang. Lúc này cụ ông mới đặt mình xuống ghế chờ bên cạnh, mắt không rời cánh cửa phòng chụp.
2. Quán bia hơi lúc tan tầm ồn ã những tiếng nói cười, chúc tụng cạn ly. Hai ông bà ngập ngừng bước vào quán, nhìn hoang mang về phía trước. Nhân viên quán chạy ra đon đả: “Ông bà đến gặp ai ạ?”. Ông nhìn lên, hóm hỉnh nói: “Tôi gặp bia”. “Thế ông đã đặt bàn trước chưa ạ?”, vẫn tiếng cô nhân viên hỏi. Ông đặt tay vào túi quần vỗ bành bạch giọng đã tự tin hơn: “Tôi có tiền mà”. Cô nhân viên cố nín cười mời ông bà vào một chiếc bàn để trống. Vừa ngồi xuống, bà đã dặn: “Uống một cốc thôi nhé!”. Ông: “Lúc nãy thỏa thuận là tôi uống hai cốc rồi cơ mà”. Bà: “Tôi vừa thay đổi ý định rồi, hôm nay uống một cốc”. Ông: “Uống một cốc quê chết, người ta không bán cho. Thôi cho tôi uống hai cốc, uống lần này rồi không uống nữa. Mấy khi mà lên thành phố, bà chiều tôi nhé”. Bà nhìn ông cười âu yếm: “Chỉ có xin là khéo”.
3. Bà ngồi lặng thinh trong quán nước, cố giấu khéo đi giọt nước mắt đang chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nheo. Cô hàng nước dường như nhận ra sự bất thường ấy nhưng tế nhị không tiện hỏi. Lúc sau ông đến, ngồi bên cạnh bà cố nói thật to: “Cho tôi cốc trà nóng đi cô Vân”. Đưa nước cho ông, bà chủ quán trà đá mới cất tiếng: “Chắc lại giận nhau với con dâu à?”. Ông gật đầu xác nhận: “Hôm nay có vẻ căng, hai bà giận nhau được hai ngày rồi, sáng nay thì chiến đấu miệng quá dữ”. Rồi ông quay sang vỗ vai bà nói: “Tôi đã bảo, chấp chúng nó làm gì!”. Lúc này bà mới chịu ngẩng đầu lên, nhìn ông khóc méo: “Cũng tại ông cả, ngày xưa tôi đã không ưng rồi mà ông cứ cho chúng nó lấy nhau, để bây giờ nó ghét, nó khinh, sướng thân ông, thân tôi chưa?”. Ông mỉm cười, chậm rãi uống chén nước trên tay rồi mới cất tiếng: “Thì vì chúng nó yêu nhau”. Bà vẫn chưa chịu thua: “Con mình trẻ người non dạ, yêu gì mà yêu. Ông mà không đồng ý thì đừng hòng tôi cho”. Lần này ông không quay sang nhìn bà, đôi mắt nhìn xa vắng rồi buông lời: “Ngày xưa các cụ nhà ta cũng cấm đoán, chắc bây giờ tôi với bà làm gì được ngồi ở đây với nhau”. Bà bật cười, lẫn chút ngượng nghịu: “Thì tôi với ông nó khác”. Uống xong cốc nước, ông nắm lấy tay bà lắc lắc: “Thôi về đi, chúng nó đi làm hết rồi, về ngủ lấy sức tối mà giận nhau tiếp”…
Nhìn hai bóng người già chầm chậm bước đi giữa dòng người tấp nập, cô bán trà đá chép miệng: Không biết sau này có bằng được một nửa các cụ không?!.