Tổng thống Obama đến Nhật Bản và đưa ra lời trấn an mà các nhà lãnh đạo nước này đã chờ đợi từ lâu. Căng thẳng tiếp tục ở mức cao vì vụ tranh chấp về nhóm đảo tại Biển Đông Trung Hoa hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói Washington nhất quyết tôn trọng hiệp ước phòng thủ chung có từ nhiều thập niên nay trong trường hợp của nhóm đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
“Hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đã có trước khi tôi sinh ra, do đó rõ ràng đây không phải là một lằn ranh đỏ mà tôi vạch ra. Đây là sự giải thích tiêu chuẩn của nhiều chính quyền ở Mỹ về những điều khoản của hiệp ước đồng minh, theo đó những lãnh thổ nằm dưới sự quản trị hành chánh của Nhật Bản là thuộc phạm vi áp dụng của hiệp ước này. Không có sự thay đổi lập trường. Không có đường ranh đỏ được vạch ra. Chúng tôi chỉ áp dụng hiệp ước.”
Khi được hỏi về tuyên bố của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng không có điều gì có thể làm thay đổi điều mà ông gọi là “sự thực cơ bản là quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ đã có từ lâu đời của Trung Quốc.” Ông Tần cũng nói rằng nước ông giữ vững quyết tâm bảo vệ “chủ quyền và quyền lợi hải dương” của mình.
Tổng thống Obama đến Nhật Bản giữa lúc lòng tin của nhiều người Nhật bị dao động vì họ thấy rằng Hoa Kỳ đã không thực hiện những đe dọa tấn công Syria và không muốn cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraina. Họ cho rằng hai sự việc đó là những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ có thể sẽ không giúp Nhật Bản để chống lại Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến đi thăm châu Á một tuần lễ với mục đích chứng tỏ cho các nước đồng minh thấy rằng chính sách xoay trục những nỗ lực ngoại giao và quân sự đến châu Á vẫn còn đi đúng hướng. Ông cũng sẽ đi thăm Nam Triều Tiên, Malaysia và Philippines.
Trong những cuộc thảo luận với Thủ tướng Abe, Tổng thống Obama khuyến khích Nhật Bản tăng tốc cuộc thương thuyết về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước đa quốc sẽ giúp tạo nên một trong những khu vực tự do mậu dịch lớn nhất trên thế giới. Cuộc thỏa thuận về hiệp định thường được gọi là TPP này chựng lại vì những tranh cãi về thuế quan của Nhật Bản đánh vào nông sản nhập khẩu.
Về vấn đề Ukraina, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói ông sẵn sàng áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Nga vì nước này không thi hành những cam kết mà họ đưa ra tại Geneva trong tuần qua để xuống thang cuộc khủng hoảng.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống là chúng tôi sẽ phải áp đặt thêm những biện pháp chế tài. Những chế tài này đã sẵn sàng. Những việc này đòi hỏi những công tác về mặt kỹ thuật và cũng cần có sự phối hợp với các nước khác.”
Tổng thống Obama sẽ đến Nam Triều Tiên trong chặng kế tiếp. Căng thẳng tại đây đang lên cao vì có những chỉ dấu cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị để thực hiện một vụ thử nghiệm hạt nhân khác nữa.
Sau khi rời Seoul, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Malaysia. Ông sẽ trở thành vị tổng thống tại chức đầu tiên của Mỹ đi thăm Malaysia kể từ năm 1966, là năm Tổng thống Lyndon Johnson đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.
Chặng dừng chân chót của ông Obama trong chuyến công du 8 ngày này là Philippines, là nước cũng đang tranh chấp gay gắt với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển đảo và do đó đã ra sức tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ trong những năm gần đây.