Trên Công Trường Đỏ
Tác Giả: Ngưới Thứ Tám
Chương 1
Văn Bình trịnh trọng nâng chai rượu vốt-ka lên mắt ngắm. Vốt-ka với trà là món uống phổ thông ở Nga sô. Văn Bình không lạ gì vốt-ka mặc dầu bình sinh chàng chỉ mê huýt-ky.
Đặc điểm của rượu vốt-ka là màu trắng trong suốt, ngửi không có mùi thơm. Rượu vốt-ka phải đủ 46 độ mới ngon. Nhưng chai rượu trong tay Văn Bình lại tỏa ra một mùi thơm hăng hắc. Bực mình chàng dằn mạnh chai rượu xuống bàn.
Tưởng là rượu ngon, chứ như thế này thì uống thêm đau bao tử.
Cô gái nhìn chàng bằng cặp mắt thỏ đế ngây thơ. Có lẽ lần thứ nhất nàng được nghe khách ngoại quốc chê rượu vốt-ka sô viết. Nàng quay cái nhãn chai về phía Văn Bình rồi nói :
Ông cứ uống thử thì biết. Rượu này không dở đâu. Nó được cất tại Lêningờrát bằng lúa mì lên men, trộn với bột bắp và bột khoai. Khách sạn có cả thảy 50 loại vốt-ka mà 30 loại là của nhà máy Lêningờrát. Mỗi loại có một mùi hương riêng, tùy theo được pha với đường hoặc hạt tiêu. Hồi nãy, ông dặn thứ mạnh nên tôi mang chai này cho ông. Rượu cô-sắc đấy, ngon gấp chục lần vốt-ka Ba lan …
Văn Bình cười duyên :
- Chỉ nhìn miêng cô nói cũng đủ say rồi, chẳng cần phải uống rượu nữa. Tên cô là gì?
- Ông còn nhớ đây là đâu không?
- Mạc tư khoa.
Phải. Mạc tư khoa không giống như Ba lê hoặc Nữu ước. Khách sạn Métropole mà ông đang ngụ là do Nhà nước quản lý, không phải của tư nhân nên nhân viên không có bổn phận chiều chuộng khách trọ.
- Chao ôi, cô có thân hình nảy nở, cân đối ghê!
Vẻ mặt đang cau có của cô gái nhân viên khách sạn bỗng tươi lại. Kể ra nàng chẳng có gì là đẹp. Mặt nàng, miệng nàng, ngực nàng, mông nàng chỉ được liệt vào hạng trung bình. Khuôn mặt tròn trạnh như mặt nguyệt của nàng không còn thích hợp với tiêu chuẩn thời danh nữa. Miệng nàng hơi lớn, không tương xứng với mặt, song lại có đôi môi dầy, hơi cong, loại môi khoái hôn đàn ông, dường như được làm bằng keo, chạm vào là dính chặt lấy hàng giờ mới nhả. Nàng mặc một cái ba đờ suy dầy, dài thòng đến đầu gối, che kín những bộ phận mà phụ nữ phương tây thường tìm cách bầy biện ra ngoài nên Văn Bình không đoán được kích thước và sự căng cứng của bộ ngực. Tuy nhiên, bằng con mắt có khả năng xuyên qua da thịt như quang tuyến X, chàng ước lượng là cô gái không thuộc đẳng cấp siêu giai nhân núi lửa.
Văn Bình đã hiểu tại sao nàng thay đổi vẻ mặt. Đàn bà ở sau bức màn sắt ít khi được đàn ông ca tụng sắc đẹp, đến nỗi họ không còn nhớ họ là giống cái, được tạo hóa sinh ra để được đàn ông nâng niu, nịnh hót nữa. Lời khen của Văn Bình làm nàng chếnh choáng như vừa uống ly vốt-ka thượng hạng. Văn Bình thấy bàn tay nàng hơi run.
Chàng bèn tiến lại gần nàng, giọng dịu dàng :
- Tên cô là gì?
Nàng lắp bắp :
- Nina.
- Hừ, Nina … tên cô cũng đẹp như người.
Cô gái đứng sững như bị Văn Bình thôi miên. Chàng vòng tay ngang lưng nàng, kéo nàng lại, rồi từ từ hôn vào môi nàng. Nàng run lên bần bật. Trong chớp mắt, nàng mềm ra như bún.
Nàng đeo cứng chàng không chịu rời ra nữa. Nghe tiếng giầy ngoài hành lang, và tiếng gõ cửa, chàng vội xô nàng sang bên, rồi cất tiếng hỏi :
- Ai đấy?
Bên ngoài có tiếng đáp :
- Guy.
Cửa mở. Khách là một thanh niên Mỹ cao lớn, cử chỉ cứng nhắc, nét mặt nghiêm trọng. Khách lẳng lặng đợi cho cô gái ra khỏi phòng, đóng cửa lại mới nói :
- Chào anh. Tôi là Guy.
Văn Bình chia tay ra bắt :
- Chào anh Guy. Như anh đã biết, tôi là Kêvin.
Mặc dầu được mời ngồi, Guy vẫn đứng giữa phòng, mắt nhìn lấm lét như sợ bị nghe trộm. Văn Bình hỏi :
- Vốt ka nhá?
- Cám ơn anh. Nhân viên sứ quán Hoa kỳ không được phép uống rượu trong giờ công vụ.
Lần đầu tiên, tôi được biết cái lệnh quái gở ấy. Tại nhiền nơi, nhân viên sứ quán đã uống rượu với tôi thả cửa. Lắm khi tôi còn mời cả ông đại sứ nữa.
- Anh còn nhớ đây là đâu không?
Văn Bình cảm thấy nhột nhạt. 5 phút trước, cô gái bồi phòng Nina cũng hỏi một câu tương tự. Phải, đây là Mạc tư khoa, thủ đô của Liên bang Sô viết, cường quốc cộng sản thế giới. Phải, đây là thành phố bí mật nhất trái đất nằm giữa khuỷu sông Mốt-qua và Sông Đào dẫn tới sông Vôn-ga, 6 triệu dân trong thành phố cũng phá một kỷ lục dáng kể : kỷ lục của im lặng.
Im lặng. Ban đêm im lặng đã đành, ban ngày Mạc tư khoa cũng im lặng như ban đêm. Trên khắp thành phố chỉ có 300,000 ngàn chiếc xe hơi, phần lớn là xe hơi Nhà nước, đường sá lại rộng thênh thang nên quang cảnh Mạc tư khoa lúc nào cũng vắng vẻ. Lần trước Văn Bình đã sé lòng trước sự im lặng khó hiểu, gần như rờn rợn của thủ đô Nga. Thời gian qua, sự vật vẫn không thay đổi. Xe hơi chạy từ từ, tài xế không dám sang số gấp gáp sợ hỏng hộp số và mòn vỏ lốp, đàn bà con gái đều cúi đầu nhìn xuống vỉa hè, ngã ba ngã tư đều không nghe tiếng còi tu huýt, âm thanh quen thuộc của các quốc gia bên này bức mán sắt …
Văn Bình nhún vai, nhắc lại tiếng vừa nói với cô gái bồi phòng :
- Mạc tư khoa.
Guy bước lại cửa sổ nhìn xuống đường :
- Có lẽ anh mới đến đây lần đầu.
- Lần đầu.
- Thảo nào : Thay mặt sứ quán, tôi cần dặn anh một vài điều căn bản trong thời gian anh lưu trú trên đất Nga. Trước khi đặt chân xuống Mạc tư khoa, anh hãy tưởng tượng là bước vào bệnh viện.
- Anh lầm rồi. Tôi thấy đàn bà con gái Nga phốp pháp, khỏe manh hơn đàn bà con gái tây phương nhiều.
- Tôi không có thời giờ đến đây để nghe anh nói đùa. Tôi dùng danh từ “bệnh viện” không có nghĩa là người Nga đều ốm yếu, bệnh hoạn. Anh đã biết khi vào bệnh viện người ta phải làm gì trước tiên. Đó là giữ im lặng, tuyệt đối im lặng. Ngồi trong nhà ăn, yêu cầu anh kiên nhẫn chờ đợi, và không bao giờ bóp ngón tay răng rắc hoắc hoặc là lối gọi bồi.
- Vậy làm cách nào để kêu họ?
- Trong các nhà hàng tây phương, anh muốn làm gì cũng được. Anh có thể dẫm đế giầy thình thịch, hoặc vỗ hai bàn tay vào nhau bôm bốp, hoặc khua muỗng lanh tanh, hoặc nếu cần, anh có thể chạy xồng xộc đến quầy két túm lấy ve áo gã xếp bồi để hậm học nữa. Nhưng ở đây, những cử chỉ ấy bị coi là tư bản phản động. Muốn gọi bồi, anh cứ ngồi ngay ngắn, nhìn về phía họ. Nếu họ không đến thì chờ. Chờ cho đến khi gặp họ.
- Vâng, tôi xin chờ. Nhưng bao tử của tôi không thể chờ được mãi. Nếu họ phớt lờ thì sao?
- Thì đành chịu vậy. Nhân viên khách sạn ở đây là đồng chí, không phải là bồi bếp. Nghĩa là ngang hàng với khách.
- Ở tây phương cũng thế. Bồi bếp có phải là tôi mọi cho khách đâu?
- Nhưng ở đây lại khác. Ở tây phương các nhà hàng, khách sạn phải cạnh tranh chiều khách để sống, ở đây, Nhà nước là chủ nhân ông thượng đẳng duy nhất, không cần ăn lời cũng như không sợ lỗ lã, anh vào tiệm ăn chờ không được thì mời anh đi ra …
- Trời ơi, nếu biết nông nỗi thế này tôi đã chẳng mầy mò đi Nga nữa!
- Mỗi khi có dịp trò truyện với du khách từ bên nhà tới, tôi thường khuyên họ về nước càng sớm càng hay. Khổ lắm … anh ở lại một đêm rồi sẽ thấy. À, tôi nghe nói anh qua đây vì công chuyện làm ăn phải không?
- Phải.
- Nghe nói anh sang đây để ký khế ước với bộ Ngoại thương sô viết!
- Đúng.
- Anh có thể cho sứ quán biết nội dung về khế ước sắp ký được không?
- Hoa kỳ là quốc gia tự do, công dân Hoa kỳ được quyền tự do đi lại, tự do buôn bán, tự do ký khế ước với ngoại nhân.
- Miễn hồ không phương hại đến an ninh quốc phòng …
- Vâng. Khế ước của tôi chỉ có tính cách thuần túy quảng cáo thương mãi. Tôi đại diện cho công ty Maxman, Hạ uy di. Công ty tôi chuyên về quảng cáo hàng hóa ngoại quốc trên đất Mỹ.
- Chắc anh cũng biết rằng hàng hóa Nga là do chính phủ sản xuất. Họ bất chấp lời lãi nên dầu giá thành cao họ vẫn có thể bán rẻ.
- Hàng hóa của họ đắt hay rẻ khong liên quan đến công ty Maxman của chúng tôi.
- Nhưng lại liên quan đến nhân dân Mỹ.
- Liên quan như thế nào?
- Chính phủ Sô viết sẽ tung thật nhiền hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ, khiến cho kỹ nghệ Mỹ bị thiệt hại tài chính. Mặt khác, nhân dân tiêu thụ Mỹ sẽ có cảm tình với họ.
- Thưa ông Guy của đại sứ quán, tôi là nhà quảng cáo thuần túy, không khoái nghe chuyện chính trị.
- Tôi không dám tuyên truyền ông, chỉ xin ông nghĩ lại …
- Ông có muốn tuyên truyền cũng vô ích. Trái tim của tôi được trui luyện trong lò thép, ông Guy ạ … Lời nói của ông rất ngon, nhưng xét ra số tiền một trăm ngàn đô-la còn ngon hơn nhiều.
- Họ sẽ trả các ông một trăm ngàn đo-la?
- Không bớt một xu.
- Rõ ràng là họ lấy thịt đè người. Nếu họ trả những một trăm ngàn thì thôi, tôi không dám thuyết phục ông nữa. Tôi chỉ xin ông …
- Giữ đúng tác phong một công dân Mỹ …
- Vâng. Nhất là đối với phụ nữ. Dân chúng Nga nghiêm nghị đã quen nên ít khi cười và rất ghét người ngoại quốc hay cười.
- Hồi nãy cô bồi phòng Nina đã cười với tôi.
- Đứng ngoài cửa, tôi còn nghe nhiều tiếng chụt chụt liên tiếp, chứng tỏ ông hôn nàng và được nàng hôn trả.
- Ông đã khâm phục thành tích của tôi chưa?
Guy lắc đầu ngao ngán :
- Không. Ông cũng nên biết rằng đa số nếu không là hầu nhân viên nhà hàng, khách sạn ở Mạc tư khoa đều là mật báo viên cho KGB. Tại đại lữ quán Metropole dành riêng cho người ngoại quốc này, toàn thể nhân viên từ giám đốc, quản lý, thư ký kế toán xuống đến nhân viên giữ thang máy, bồi phòng, bồi dọn ăn, phụ bếp, đều là mật báo viên thực thụ. Liệu chừng … nếu Nina cười tình và ôm ông hôn. Đêm nay, nếu nàng mở cửa vào phòng, trèo lên giường, và cởi quần áo ra mời ông làm tình thì ông còn nguy hơn nữa.
- Hừ … được người đẹp Nga la tư biếu không kho báu ngàn vàng giữa đêm vắng lạnh buốt xương mà ông cho là đại nguy ư?
- Vâng, trước ông nhiều người đã được hân hạnh ngủ với các cô bồi phòng tuyệt đẹp, nhiều cô lại tạo cho khách cái cảm giác rằng họ còn trinh, họ mời chung chăn gối với đàn ông lần đầu. Sự thật họ là mô-dờ-nô, nữ nhân viên an ninh chuyên mồi chài ngoại kiều. Họ được học đủ mánh khóe chinh phục đàn ông, và đủ kiểu làm tình.
- Càng tốt. Đàn bà được huấn luyện dĩ nhiên phải khoái hơn đàn bà tay mơ …
- Thôi, tôi không muốn khuyên nhủ ông nữa. Vì sau một hồi nói chuyện với ông tôi có ấn tượng ông là con thiêu thân đến đây để nhảy vào lửa.
Văn Bình mỉn cười nhè nhẹ. Gã nhân viên sứ quán Mỹ đã phê bình rất đúng. Tuy vậy, hắn không biết là đã nói đúng. Văn Bình là con thiêu thân, nhưng không phải con thiêu thân ngu muội cứ thấy ánh đèn là sà vào để chết oan uổng mà là con thiêu thân khôn ngoan, sáng suốt biết ánh đèn là cạm bẫy tử thần nhưng vẫn lao tới. Lao tới, với tin tưởng mãnh liệt là sẽ dập tắt được ngọn lửa …
Từ lâu, Văn Bình đã đóng vai trò thiêu thân điệp báo. Lần nào, chàng cũng may mắn trở về lành lặn. Tuy nhiên, chuyến đi này khác hẳn những chuyến đi đã qua. Trong dĩ vãng, mỗi khi hoạt động ở các quốc gia cộng sản chàng đều đột nhập lén lút bằng cách nhảy dù, đổ bộ bằng tiềm thủy đĩnh, hoặc vượt biên giới lén lut. Năm thì mười họa, chàng mới ngang nhiên đến bằng cửa trước đội lốt người khác.
Văn Bình đến Nga sô lần này dưới lốt một chuyên viên quảng cáo của công ty Hoa kỳ vốn có nhiều liên hệ với các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa. Nghề quảng cáo không phải là nghề lạ hoắc đối với chàng, vì trong quá khứ ít ra là một lần chàng đã đóng vai chuyên viên quảng cáo để hoạt động gián điệp.
Ba tuần trước, thành công ở Tahiti trở về (1). Văn Bình được ông Hoàng cho xuất ngoại nghỉ xả hơi. Thường lệ ông Hoàng không bắt chàng phải tuân theo một lộ trình nhất định miễn hồ chàng báo cáo đều đặn về Sở. Nhưng lần này ông lại yêu cầu chàng lên đường đi Hạ uy di.
Của đáng tội, phong cảnh trời biển Hạ uy di thật hữu tình, phụ nữ Hạ uy di thật ngoan ngoãn, nhưng so sánh với Phù Tang tam đảo thì mới một vực một trời. Khoa học giải phẫu thẩm mỹ đã làm gái Nhật đẹp và ngon hơn xưa, gái Nhật lại biết chiều chuộng những chàng trai khó tính nên Văn Bình thích đi Đông Kinh. Biết là đi Hạ uy di để dưỡng sức nhưng cũng để chờ công tác mới, chàng bèn hỏi đột ngột :
- Chừng nào ông giao việc?
Ông Hoàng đáp :
- Thú thật với anh tôi cũng chưa biết chừng nào nữa. Tôi vừa nhận được điện của ông Sì-mít yêu cầu anh có mặt tại Hạ uy di trong vòng 10 , 15 ngày sắp tới.
- Mình lại làm thuê?
- Dĩ nhiên. Nếu không làm thuê thì lấy đâu ra ngoại tệ để đài thọ hệ thống hoạt động của Sở. Ông Sì-mít cho biết anh sẽ qua Liên sô.
- Hừ … lâu lắm tôi chưa được qua đó. Nội dung công tác ra sao, thưa ông?
- Đại để anh sẽ đội lốt một nhân viên cao cấp của công ty quảng cáo Hoa kỳ Maxman, Hạ uy di. Tên nhân viên này là Kêvin. Hắn là người Hạ uy di, cũng mũi tẹt như anh. Da hắn hơi ngăm ngăm thì anh chỉ cần ngồi dưới đèn cực tím một buổi là bắt nắng ngay. Mặt anh hao hao giống mặt hắn, C.I.A. sẽ sửa đổi cho anh.
- Kêvin đi Liên sô làm gì?
- Hồ sơ nội vụ sẽ được gửi đến cho tôi nội trong tuần này. Nhưng anh yên tâm, tôi sẽ tiếp tục liên lạc với anh. Một công đôi việc, anh làm thuê cho C.I.A. đồng thời làm việc riêng cho Sở.
Văn Bình du hí tại đảo dừa thần tiên Hạ uy di được đúng 10 ngày thì được bí mật đưa lên phi cơ qua Mỹ rồi từ Mỹ qua Liên sô. Kêvin thực thụ đã bị C.I.A. chặn bắt ngang đường từ trung tâm thành phố lên phi trường. Việc thay thế được thực hiện khéo léo đến nỗi Văn Bình cũng ngạc nhiên. Giám đốc công ty Maxman cũng không biết Kêvin bằng xương bằng thịt đã bị chích thuốc mê và nằm dưới hầm một ngôi nhà gần bãi biển.
Văn Bình đổi phi cơ tại Pháp. Trèo vào chiếc may bay phản lực khổng lồ TU-104 của hãng hàng không Sô viết Aeroflot đậu tại trường bay Buộc-giê, chàng đã có cảm tưởng là đặt chân xuống Liên sô. Từ cách trang trí bên trong đến y phục, cử chỉ của nữ tiếp viên, tất cả đều khắc nếp sống quen thuộc của thế giới tây phương.
Tuy nhiên, chàng cũng không hoàn toàn thất vọng như những lần trước. Trong quá khứ, lần nào làm hành khách của công ty Aeroflot chàng cũng bực mình chán nản. Về kỹ nghệ hàng không, Liên sô vị tất chịu thua ai, vậy mà về nghệ thuật chiều chuộng hành khách họ lại đứng hạng bét trên thế giới. Họ có thể bỏ ra cả chục triệu đô-la để sắm con chim sắt phản lực vĩ đại TU-104, song lại không dám thuê họa sĩ trang trí cho đẹp mắt và nhất là tuyển dụng những bông hoa biết nói tương xứng với may móc tối tân. Kết quả là bên trong phi cơ tối mò, đèn đuốc chỗ có chỗ không, ghế ngồi thì bọc bằng vải sợi đay, nghĩa là một trong những thứ sợ tồi nhất, lẽ ra phải dùng những thứ sợi hóa học sang trong, đắt tiền.
Ôi chào, nữ tiếp viên còn làm Văn Bình ngao ngán hơn nữa! Nóng cũng như lạnh họ cũng chỉ có một bộ đồng phục độc nhất, trên trắng dưới xanh. Quá lạnh thì họ choàng thêm ba đờ suy. Với đống da dày cộm này trên người họ trở thành cái chum biết đi. Bỏ áo choàng ra, với xiêm xanh, sơ-mi trắng, họ có vẻ khá hơn, nhưng con mắt lọc lõi của Văn Bình vẫn không tài nào khám phá ra những đường cong của bộ ngực...
Lần này, các nữ tiếp viên vẫn mặc đồng phục cũ nhưng đuợc may chật hơn trước. Chàng bắt đầu được nhìn thấy đôi nhũ hoa căng phồng sau làn vải da. Song sự căng phồng này chỉ có thể giúp chàng xác nhận rằng cái chum đang đứng trước mặt là giống cái, không phải giống đực. Chứ không gây ra cảm giác say sưa nào hết...
Đã sống nhiều năm ở Âu châu, và có nhiều kinh nghiệm về nữ giới, Văn Bình không hiểu tại sao đàn bà Nga đều béo hoặc gầy một cách trái cựa. Hễ béo thì thật béo mà gầy thì thật gầy. Nhưng thường thường họ béo nhiều hơn gầy. Vì bệnh béo này nên đàn bà con gái Nga bị liệt vào hạng yếu như sên trên trường tình ái...
Chiếc Tupôlép khổng lồ đáp xuống phi trường Chêrêmêtiêvô đúng ba giờ rưỡi sau. Nếu là trên phi cơ Pháp-Mỹ (hoặc tồi ra thì cũng là phi cơ cây nhà lá vườn Air-Vietnam) thì ba giờ rưỡi đồng hồ này đã biến thành 21 thế kỷ thần tiên đối với Văn Bình. Chàng có thể rửa mắt, tha hồ ngồi nghiêng trên ghế để ngắm đùi và mông nữ tiếp viên, hoặc giả vờ khát nước vô hồi kỳ trận, để gọi nữ tiếp viên đến mà ngắm ngực... Các nữ tiếp viên ở Đông nam á đã biết rõ bệnh khát nước độc nhất vô nhị của Văn Bình. Sau khi máy bay rời phi trường là chàng đã đòi uống. Cô nào đẹp là bị chàng vòi vĩnh nhiều nhất (và nói đúng ra thì các nữ tiếp viên đều thích Văn Bình mắc bệnh khát như vậy mãi...)
Lên con chim sắt TU-104, Văn Bình muốn khát mà không khát được. Vì chẳng hiểu sao chỉ có hai nữ tiếp viên đi qua, đi lại trước mắt chàng, và cả hai đều mập thù lu. Mỗi khi giai nhân uyển chuyển đi qua, chàng có cảm tưởng là sàn phi cơ lún sâu xuống. Nếu giai nhân đoái thương mà hôn chàng thì chàng sẽ chết vì ngạt thở. Dầu chàng giỏi võ chàng chỉ là con nhái bén bên cạnh núi thịt của giai nhân. Cho nên chàng nhắm nghiền mắt mong sao cho chóng đến Mạc tư khoa.
Văn Bình vừa xách va-li vào phi cảng thì một mùi đặc biệt giữ chàng khựng lại. Mỗi thủ đô có một mùi đặc biệt, nhưng Mạc tư khoa lại có một mùi đặc biệt hơn cả, chàng không thể ngửi thấy mùi này tại bất cứ phi trường nào trên thế giới.
Đó là mùi ét-xăng.
Phi trường nào cũng có mùi ét-xăng song mùi của Mạc tư khoa lại nặng nề, nhột nhạt khiến cho du khách phải há miêng lớn để tìm hớp khí trời và đặt bàn tay lên ngực giữ cho trái tim khỏi đập mạnh. Ét-xăng của Liên sô thuộc loại ét-xăng xấu nên mùi nó thấm sau vào da thịt, và tạng phủ, ai đã ngửi qua một lần là nhớ mãi.
Văn Bình hơi ngạc nhiên vì quần áo của Guy, gã nhân viên sứ quán Mỹ, dường như đượm mùi ét-xăng. Hắn rút mù-soa ra lau mồ hôi trán mặc dầu trời lạnh như cắt ruột
Văn Bình bước ra cửa, giọng thân thiện :
- Ông vừa ở phi trường về?
Guy trố mắt :
- Vâng. Tại sao ông biết?
- Giản dị lắm. Mùi ét-xăng.
Guy đưa bàn tay lên cổ, như để kiểm soát lại xem đầu còn dính vào thân nữa không :
- Té ra ông là người có tài nhận xét. Nếu tôi không lầm, ông là...
Văn Bình ngắt lời bằng giọng khó chịu :
- Là gì, kệ tôi. Yêu cầu ông kín cái miệng.
Guy nhún vai đóng cửa. Văn Bình dựa lưng vào cửa, nhìn ngắm đồ đạc trong phòng. Tiếng giày của gã nhân viên sứ quán Mỹ đã tắt ngoài hành lang.
Giờ này chắc một toán nhân viên KGB mặc ba đờ suy đen, đội phớt đen, đeo kiếng đen, vẻ mặt cô hồn, đang nín thở trước máy ghi âm đặt dưới hầm khách sạn. Văn Bình không lạ gì màng lưới nghe trộm, nhìn trộm của mật vụ Sô viết. Mọi khách sạn đều có máy ghi âm lén lút. Khách sạn Metropole, nơi trọ của người ngoại quốc ghé Mạc tư khoa, có nhiều máy ghi âm hơn hết. Chàng lấy làm tiếc là không được ngụ tại đại lữ quán Rossia vừa mới hoàn thành với ba ngàn phòng, chỉ cách Công trường Đỏ và điện Cẩm linh một quãng ngắn. Vì chàng nghe nói ở đó nhân viên KGB có nhiệm vụ ghi âm đều là đàn bà, đàn bà trẻ măng, vòng ngực gần một trăm phân, vòng mong nhỏ nhất là 95 phân, loại đàn bà cao su mút mà người đàn ông thích chẻ sợi tóc làm 8 cũng thích.
Đồ đạc trong căn phòng khách sạn Metropole này vẫn là đồ đạc cũ mèm từ thuở hồng hoang, thứ bàn ghế cổ lỗ sĩ mà ngay cả các khách sạn hạng bét ở Sài gon cũng đem chất trong xó bếp. Dường như Nga sô là một nhà kho khổng lồ chứa đựng đồ cũ, trong văn phòng, lữ quán, tư gia, đâu đâu cung thấy đồ cũ.
Điều làm Văn Bình ngạc nhiên nhiều nhất khi đến Mạc tư khoa lần đầu tiên là dân chúng Nga, đặc biệt là nữ giới, đều mặc đồ cũ. Nam phụ lão ấu đều choàng ba đờ suy do công ty may cắt quốc doanh sản xuất, toàn những màu tối, ngắn đồng loạt đến đầu gối, bên trên rộng thùng thình.
Văn Bình không quên được thời trang Sô viết vì trong quá khứ nó đã làm chàng suýt chết. Hồi ấy, chàng len lỏi vào đất Nga để thi hành một kế hoạch hành động của Trung ương Tình báo C.I.A. Chàng cải trang làm một người dân Nga ở Trung Á, giấy tờ và dụng cụ tùy thân, kể cả y phục, hoàn toàn do C.I.A. cung cấp.
Các chuyên viên tình báo Mỹ đã lo liệu đầy đủ, ngoại trừ một chi tiết nhỏ nhặt song lại rất quan trọng. Đó là bề rộng của ống quần.
Người Nga nổi tiếng trên thế giới về thói quen mặc quần ống chân voi. Tùy từng vùng, ống quần được may rộng nhiều hay ít, nhưng hẹp nhất cũng từ trên 30 phân. Ống quần của thủ tướng Cút-Sếp, với bụng ễnh ương 122 phân, lớn hơn vòng ngực 5 phân, được may rộng đến 40 phân tây, phá kỷ lục hoàn vũ.
Lần ấy, Văn Bình mặc quần ống rộng 25 phân đi nghênh ngang trên đường phố Mạc tư khoa. Và chàng bị nhân viên mật vụ theo dõi. Lý do của sự theo gõi này rất giản dị : vì chàng là người bộ hành ngoại quốc duy nhất mặc quần ống chật. Nếu kém khôn ngoan, quyền biến và võ thuật, chàng đã bị mật vụ KGB bắt giữ.
Bất giác Văn Bình cúi nhìn ống quần.
Chàng mặc bộ com-lê bằng hàng len sẫm, màu thông dụng ở Nga sô. Giờ đây chàng có thể mặc ống chật vì dầu sao chàng là công dân Mỹ, sinh quán ở Hạ uy di. Tuy nhiên, ống quần của chàng vẫn được may rộng hơn ống quần của người tây phương rất nhiều. Theo thời trang, phần đông đàn ông đều may ống chật từ 22 phân trở xuống. Nhưng C.I.A. rút đúc kinh nghiệm quá khứ, đã nới ống quần của chàng lên tới 24 phân.
Chàng mỉm cười một mình. Nhờ cái kéo vàng tài hoa và tài thuyết phục của một nhà may hữu danh Ý đại lợi (2). Cút-Sếp đã đổi quần từ bề rộng kinh khủng 40 phân xuống còn 27 phân tây. Cút-Sếp sửa soạn mặc quần 23 phân thì bị hạ bệ. Cuộc cách mạng ăn điện của Cút-Sếp đã thất bại...
Văn Bình mở hé cửa nhìn xuống đường.
Phía dưới là một công viên lớn. Mùa đông dài lê thê sắp hết. Những cây sầu-đông nở đầy hoa đỏ, tạo cho khung cảnh ảm đạm một nét chấm phá vui tươi. Nếu Mạc tư khoa không có hoa sầu-đông, hơi lạnh cuối mùa còn lạnh hơn nhiều.
Đột nhiên Văn Bình cảm thấy lạnh. Trời xâm xẩm tối. Hơi lạnh như mũi dùi nhọn xoắn vào tim chàng. Mỗi khi trời gặp lạnh ở nước ngoài, chàng đều tìm cách sưởi lòng trong các hộp đêm. Chàng quen với khí hậu rét buốt song lại sợ hơi lạnh. Hơi lạnh kỳ lạ không biết từ đâu đến làm chàng trai cô đơn trên ba mươi phải cắn chặt hàm răng để khỏi run lên cầm cạp.
Chuông điện thoại trong phòng reo vang. Văn Bình cầm lên nghe. Những ai đã qua Nga sô đều nhận thấy chuông điện thoại ở đó có tiếng reo chát chúa làm người nghe rùng mình, rợn tóc gấy, khác với tiếng reo lanh lảnh vui tai quen thuộc ở những thủ đô khác. Điện thoai là xa xỉ phẩm hiếm có, phải là nhân viên cao cấp mới được gắn. Sở dĩ mọi phòng trọ ở Metropole có điện thoại, chẳng phải vì nhà cầm quyền muốn biệt đãi lữ khách mà vì KGB muốn nghe trộm. Mạc tư khoa cũng không có cuốn niên giám điện thoại ghi số dây nói, tên và địa chỉ người thuê bao như ở Sài gon. Vì điện thoại niên giám là tài liệu bí mật.
Văn Bình hắng giọng cho trong trẻo khi nhận ra ở đầu giây giọng nói thánh thót của một cô gái còn trẻ.
- Thưa, ông có phải là Kêvin?
Văn Bình đáp :
- Phải, tôi là Kêvin bằng xương bằng thịt. Tôi mới đến, buồn quá, định đi ăn tối mà không có bạn. May được gặp cô.
- Xin lỗi, tôi chưa được hân hạnh quen ông. Tôi là phụ tá của đồng chí giám đốc Sở Phát triển Ngoại thương.
- Bônkốp.
- Vâng, đồng chí Bônkốp. Chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp ông tại Mạc tư khoa. Hồi nãy, tôi đã cho xe Sở lên phi trường rước ông. Lát nữa, đồng chí Bônkốp sẽ có mặt ở văn phòng. Đồng chí Bônkốp mời ông đến chơi. Theo chỗ tôi biết, đồng chí Bônkốp sẵn sàng chấp thuận bản khế ước do ông đệ trình.
- Cô quên là trời đã tối. Giờ này, công sở đều nghỉ việc và đóng cửa.
- Nhưng một số công sở vẫn tiếp tục mở cửa. Chẳng hạn văn phòng Phát triển Ngoại thương. Đồng chí Bônkốp thường làm việc mỗi đêm đến 2, 3 giờ sáng. Ông đã nghe rõ chưa?
- Rõ lắm. Cô dùng cơm với tôi nhé?
- Đa tạ hảo ý của ông. Tôi phải có mặt tại văn phòng đến 2, 3 giờ sáng, cùng với đồng chí giám đốc.
- Sau giờ đó, mời cô đi cũng được.
- Không tiệm ăn nào mở cửa đến 12 giờ đêm. Vả lại, trời rét như thế này, đàn bà con gái chúng tôi không dám đi khuya.
- Cô sợ lạnh?
- Không.
- Tôi hiểu tại sao cô không muốn đi ăn với tôi. Vì cô đã có chồng. Và chồng cô là người đàn ông chiếm giải vô địch về ghen.
- Ông đoán trật lất. Còn lâu tôi mới có chồng. Khi nào lấy chồng tôi sẽ chọn người chiếm giải vô địch về ghen.
- Có lẽ vị hôn phu của cô mắc bệnh ghen kinh khủng nên cô từ chối.
- Tôi cũng chưa có vị hôn phu.
- Vậy lát nữa tôi đến đón cô nhé.
- Không được.
- Yêu cầu cô cho biết ly do. Tôi cũng xin khai trước rằng tôi không đến nỗi xí trai. Tiếng Nga của tôi rất khá, có thể tỏ tình với phụ nữ một cách văn vẻ và đúng mẹo luật.
- Cám ơn ông. Sở dĩ tôi không dám nhận lời vì sợ thú dữ.
- Trời, thủ đô Mạc tư khoa này cũng có thú dữ như ở rừng rậm Phi châu ư?
- Vâng, có nhiều lắm. Ban đêm, thường có nhiều thú dữ hơn ban ngày. Thôi, tôi xin chào ông.
- Xin cô nghĩ lại... tôi xin hứa là rất ngoan ngoãn và hiền lành. Nếu cần tôi sẽ cam kết trước mặt đồng chí Bônkốp.
- Ông là người đàn ông lạ lùng. Mạc tư khoa thiếu gì con gái đẹp mà ông lại đoái hoài đến tôi.
- Vì cô là người đàn bà dễ thương.
- Tôi không dễ thương như ông tưởng đâu. Mọi người đã liệt tôi vào danh sách phụ nữ khó tính nhất Liên sô.
- Càng tốt. Bản tâm tôi rất ưa phụ nữ khó tính. Chẳng qua chưa gặp tri kỷ đó thôi.
- Tôi xấu lắm, ông ạ. Gặp tôi, ông sẽ thất vọng. Vậy tôi thành thật khuyên ông...
- Cái nết đánh chết cái đẹp. Nào cô đã bằng lòng chưa?
- Ôi chao, thanh niên các ông chỉ hứa hẹn để mà hứa hẹn. Lát nữa, ông sẽ quên hết.
- Cô coi tôi là hạng người gì? Nếu cô chấp thuận tôi xin long trọng cam kết là sẽ đến tận văn phòng mời cô đi ăn rồi đưa cô về nhà đàng hoàng.
- Ông lỗi hẹn thì sao?
- Trời sẽ đánh tôi chết.
- Được rồi, Tôi sẽ ghi âm lời hứa của ông.
- Thưa.. tên cô là gì?
- Vêlana.
- Vâng, xin chào cô Vêlana khả ái, đại điện của thần Vệ nữ.
Văn Bình định tán thêm song Vêlana "đại diện của thần Vệ nữ" Sô viết đã cúp điện đàm. Chàng nhún vai huýt sáo miệng. Tự nhiên lòng chàng vui rộn như trẩy hội.
Đàn bà ở mọi nơi trên trái đất đều giống nhau. Xét kỹ thì đàn bà đẹp cũng như đàn bà xấu, chẳng thế mà cổ nhân đã có câu "tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh". Tuy nhiên, phải là người sành điệu hưởng thụ như Văn Bình mới hiểu được rằng đàn bà mỗi nước một khác. Nói chung, phụ nữ ở Nga sô thua xa phụ nữ các quốc gia tây phương tự do mặc dầu họ đều cao to như nhau và có sức khỏe như nhau. Phụ nữ tây phương còn trội hơn về phương diện hấp dẫn nhờ mỹ phẩm tân kỳ, đồ lót và đồ giả đặc chế. Nhưng nếu được quyền lựa chọn, Văn Bình sẽ chiếu cố đến phụ nữ ở phía sau bức màn sắt Sô viết.
Nguyên nhân của sự biệt nhỡn này rất giản dị. Phụ nữ Sô viết có thể kém sắc đẹp hơn, kém cân đối hơn, kém quyến rủ hơn phụ nữ Tây phương, song trong phòng the, trong những phút thân mật và kín đáo nhất giữa đàn ông và đàn bà muôn thuở, họ lại chiếm địa vị hàng đầu. Văn Bình nhận thấy họ có một sức làm tình mãnh liệt, một phần do khí hậu lạnh buốt, nhưng phần khác - và cũng là phần chính - là do họ bị đồn ép về mọi khía cạnh, nhất là về khía cạnh yêu đương. Xã hội Sô viết như một nhà tù khổng lồ, con người bị giam hãm đã đành, cả đến sự bột phát ân ái cũng bị xiềng xích. Khi được tự do bộc lộ, phụ nữ Sô viết vùng lên, giống như cơn nước lũ kéo phăng bờ đê tràn vào thành phố. Kết quả là họ yêu một cách tham lam, mãnh liệt và dai bền...
Văn Bình mở va-li lấy ra bộ đồ len nhạt màu sám. Miệng tiếp tục huýt sáo huyên thiên, chàng đứng trước gương, trịnh trọng nắn nút cà-vạt, cốt làm nổi bật những chấm tròn màu hoa cà trên nền vàng nhẹ của chiếc sơ-mi thời trang trong năm do nhà Jacques Fath ở Ba lê sản xuất. Ý nghi về cô gái Nga đa tình, rạt rào tình yêu, ngả trong vòng tay chàng đã làm chàng quên cả công việc phải làm. Chàng sang Liên sô là để tiến hành một công tác nguy hiểm, chứ không phải đi chơi... Vậy mà tình yêu vẫn khỏa lấp tất cả...
Chàng mở cửa bước ra hành lang. Đã quen với nếp sống ở Nga sô, chàng để nguyên chìa khóa trong ổ và cũng không buồn khóa cửa. Vì khóa cửa hoàn toàn vô ích. Chàng vừa ra khỏi khách sạn là một gã đàn ông đội mũ phớt đen, mặc ba đờ suy đen, đi giày đế cờ-rếp đen thuộc mật vụ KGB đã xô cửa phòng vào lục soát. Nhân viên mật vụ không cần lục soát lén lúc, vì toàn thể nhân viên khách sạn đều lãnh lương của KGB. Họ cũng không cần lục soát một cách vội vã. Họ từ từ rũ từng cái áo, nắn từng cái gấu, quan sát từng cái khuy, ngửi từng ve nước hoa. Họ còn có những dụng cụ riêng để khám phá xem khách trọ có giấu khí giới trong buồng tắm hoặc dưới nệm giường hay không nữa. Và để cho lữ khách giật mình, họ còn mở nắp va-li, vứt lung tung quần áo trên bàn, mà không thèm đóng lại.
Rút kinh nghiệm, Văn Bình chỉ mang rất ít đồ đoàn. Va-li của chàng không thuộc loại 2 đáy, như va-li chàng thường đem theo trong những chuyến công tác ở hải ngoại. Giầy của chàng cũng chỉ là loại giầy da thông dụng, đế không rỗng ruột, chứa súng bắn đạn xi-a-nuya và đồ nghề mở két sắt.
Trong những ngày đầu tiên của nghề điệp báo, Văn Bình thường cẩn thận dán một sợi tóc vào ổ khóa va-li. Nhưng dần dà chàng không cần đến sợi tóc canh chừng mà vẫn biết được va-li bị lục soát. Con mắt của chàng bén nhậy không kém máy chụp hình, chàng chỉ nhìn qua một lượt là thu hết chi tiết sắp xếp vào trong trí nhớ. Dầu đối phương khéo tay đến đâu chàng cung khám phá ra dễ dàng. Tuy nhiên, kinh nghiêm này đã trở nên vô dụng ở Liên so vì không những mật vụ KGB mở tung hành trang của khách trọ, họ còn vứt bỏ bừa bãi, bắt chủ nhân phải gập lại nữa.
Văn Bình chạm phải một nhân viên KGB ở cuối hành lang. Thấy chàng, hắn toan tránh, song chàng đã gọi giật :
- Mệt không, bồ?
Gã khựng người :
- Không.
Văn Bình cười khẩy :
- Vậy thì thôi. Tưởng bồ mệt thì mời bồ vào phòng tôi, dùng tạm một ly vốt-ka hạng tốt, dán nhãn hiệu Cô-sắc đàng hoàng, chỉ dành riêng cho nhân viên trung cấp. Nếu tôi không lầm, anh chỉ được uống vốt-ka hạng bét.
Gã nhân viên KGB lắp bắp :
- Thưa... ông... tôi...
Văn Bình đập vai hắn :
- Thôi, bồ ơi, thưa với gởi làm gì cho tổn thọ. Cửa phòng tôi vẫn mở, chai rượu tôi để nguyên trên bàn. Vào mà uống cho khỏe, rồi muốn lục soát tha hồ. Thế nào, bằng lòng chưa?
Không đợi hắn trả lời, chàng tiến lại thang máy. Gã nhân viên KGB như bừng tỉnh vội cản chàng :
- Thưa ông, thang máy vừa bị hỏng.
Văn Bình nhăn mặt khi thấy tấm bảng trắng to tướng trên in một giòng chữ đỏ gần đầy bề ngang và bề dọc :
- " Thang máy hỏng "
Thang máy hỏng là một trong những nỗi khổ của người ở chung cư và khách sạn. Tùy nhiên, ở các nước Tây phương, hoăc ngay cả ở Sài gòn, thỉnh thoảng tệ trạng này mới xảy ra. Trong khi ấy, thang máy lại hỏng thường xuyên ở Liên sô. Hỏng nhiều đến nỗi lữ khách sợ không dám dùng nữa. Nhưng nghĩ cho cùng thì thang máy hỏng như vậy mà lợi. Vì phải đi bộ từ lầu cao chót vót xuống tầng dưới, hai chân trở nên dẻo dai và cơ thể được tập thể dục khỏe mạnh.
Đối với Văn Bình thì chạy lên chạy xuống khách sạn Metropole hàng chục lần cũng không làm chàng mỏi mệt. Nhưng hôm nay chàng lại cảm thấy hụt hơi. Chàng dừng lại một phút để thở.
Lát sau chàng mới xuống đến phòng tiếp tân bên dưới. Không ngó ngang, nhìn ngửa, chàng lẳng lặng bước ra đường.
Trời mới tối mà đường sá đã bắt đầu vắng. Chàng đi được một quãng ngắn thì nghe phía sau có tiếng giày lộp cộp. Kẻ lẽo đẽo phía sau phải là nhân viên mật vụ có trách nhiệm theo dõi chàng vì hắn luôn luôn cách chàng 10 thước, căn cứ vào âm thanh đế giày nện trên vỉa hè.
Điều làm ngoại kiều bực mình nhất ở Mạc tư khoa là nạn nhân viên KGB bám sát ngày đêm như bóng với hình. Mật vụ đi theo một cách công khai, không cần giấu diếm. Khách về phòng trọ thì hắn đi đi lại lại dưới đường, chốc chốc lại nhìn lên cửa sổ, hoặc vào thẳng lữ quán, đứng chềnh ềnh ngoài hành lang trước cửa phòng. Thậm chí khách vào cầu tiêu công cộng, mật vụ cũng vào theo. Tuy nhiên, tùy theo khách được KGB tín nhiệm nhiều hay ít, sự theo dõi sẽ được gai tăng hay giảm thiểu. Dầu sao Văn Bình cũng là đặc phái viên của công ty Maxman có cảm tình với chế độ Sô viết. Chàng vẫn bị mật vụ canh chừng, nhưng sự canh chừng này không đến nỗi quá khe khắt.
Tiếng giày vẫn gõ đều sau lưng chàng.
Âm thanh nặng nề chói tai này chứng tỏ gã mật vụ KGB dận giày GUM. GUM là tên một siêu thị quốc doanh tọa lạc gần khách sạn mà Văn Bình cư ngụ. Hệ thống thương mãi tư nhân dường như không có, dân chúng muốn mua gì phải vào siệu thị của Nhà nước. Nghĩa là phải xếp hàng dài giằng dặc và phải xin tích-kê phiền phức. Từ sau ngày Sít ta Lin, nhà độc tài sắt máu, nằm xuống và Cút-Sếp lên thay thế, tình trạng xếp hàng dài giằng dặc đã giảm bớt, hàng hóa được bày bán nhiều hơn. Tuy nhiên, phẩm chất vẫn xấu như trước.
Và một trong các hàng hóa thiết dụng bị ta thán nhiều nhất là giày da. Giày đóng đã xấu, da thuộc còn xấu hơn, trời nắng thì mềm xèo, trời lạnh thì cứng như thép. Liên sô vốn là xứ lạnh quănh năm nên đôi giày GUM trở thành cực hình, làm bàn chân xây xát.
Các xí nghiệp đóng giày của Nhà nước sản xuất không kịp nên số giày chỉ được bán ra hạn chế, dân chúng bắt buộc phải tiết kiệm. Thành phần phải dè xẻn đế giày nhất là nhân viên KGB phục vụ trong ban Kiểm soát Ngoại nhân. Nhiệm vụ tối ngày của họ là theo dõi tình nghi ngoài đường, đế giày luôn luôn cọ sát với đá sỏi nên chẳng bao lâu phải mòn vẹt. Giày da lại chỉ được cấp phát theo hạn kỳ đã định, nhân viên Kiểm soát Ngoại nhân đành phải đóng thật nhiều cá sắt vào đế.
Thành ra mỗi khi họ cất bước là đế giày kêu vang " cộp cộp, cộp cộp ", như nuốn dõng dạc báo tin cho người bị theo ở phía trước.
Cộp, cộp... cộp cộp....
Văn Bình giả vờ buộc dây giày để quan sát diện mạo của gã mật vụ. Hắn trạc ba mươi, dưới ánh đèn đường hắn trông già khằn, cái miệng vẩu, cổ cao lêu nghêu, chân đi khập khiễng. Văn Bình biết hắn cà nhót không phải vì có tật, mà chính vì đôi giày GUM quá cứng. Tự dưng chàng đâm ra thương hại gã đi theo, thương hại toàn thể nhân viên mật vụ Sô viết... Với thân hình gày còm, cà rịch cà tang này, gã mật vụ chỉ chịu đựng được một cái khoèo chân nhẹ nhàng của chàng là lăn chiêng trên mặt lộ.
Nhưng chàng vẫn thản nhiên bước tới.
Con đường chàng đang đi là đại lộ chính của thủ đô Liên sô với Bảo tàng viên Lịch sử và Bảo tàng viện Lênin, choán hai khu nhà đồ sộ, nhìn xuống Công trường Đỏ rộng mênh mông.
Ban ngày, du khách thường có mặt trên con đường này để vào siêu thị GUM ngắm nghía, hoặc bỏ 3 rúp để mua vé vào thăm mặt ngoài của điện Cẩm linh, trụ sở đầu não của chính quyền Sô viết, hoặc đến viếng mộ phần của Lênin, thủy tổ của đảng cộng sản và Nhà nước Liên sô. Trước đây, Sít ta Lin nằm cạnh Lênin nhưng sau đó đã bị mang đi đâu mất tích. Cuộc sống phía sau bức màn sắt là thế : không ai dám nghĩ đến ngày mai, vì không thể biết ngày mai ra sao.
Tiếng giày của gã mật vụ vẫn nện đếu sau lưng Văn Bình. Thường lệ, nhân viên KGB hoặt động từng cặp. Nhân viên đi theo Văn Bình có thể bị một nhân viên khác đi theo. Và cũng có thể có nhân viên kiểm soát thứ ba nữa. Tuy nhiên, Văn Bình không tin KGB lại cho nhiều nhân viên đi theo chàng. Vì chàng được coi là cảm tình viên. Vả lại, chàng chỉ là một công dân Mỹ thèm đồng rúp Sô viết.
Đến một cái ghế gỗ công viên Văn Bình ngồi xuống. Nơi này ban ngày chim bồ câu xà xuống từng đàn, lữ khách thường mua bắp rang bán rong để ném cho chim ăn. Trời mới tối công viên đã vắng heo, vắng hút. Bầy chim bồ câu và bọn bán bắp rang cũng không thấy đâu nữa.
Tiếng giày ngừng lặng.
Văn Bình quay sang bên trái. Gã nhân viên KGB vừa ngồi xuống ghế cách chàng mười thước. Đặt đít xuống xong hắn vội vàng rút chân ra khỏi giày. Văn Bình thấy rõ khuôn mặt nhăn nhó của hắn. Tội nghiệp... đôi giày quá chật, hắn lại phải đi bộ. Nếu chàng lang thang suốt đêm hắn sẽ biến thành phế nhân.
Chàng bèn gọi lớn :
- Này đồng chí?
Hắn giật nảy người trên ghế, buột tay đánh rơi chiếc giày xuống cỏ. Nhận ra chàng hắn giả vờ ngoảnh mặt đi chỗ khác. Song Văn Bình đã cười khanh khách :
- Lại đây, đồng chí. Còn giả vờ gì nữa?
Hắn đành buông tiếng thở dài. Tiếng thở dài của hắn kêu to đến nỗi trong đường kính một trăm thước người điếc tai cũng nghe rõ.
- Đồng chí gọi tôi?
- Phải. Ở đây chỉ có hai chúng ta. Không lẽ tôi lại gọi cô vợ trẻ măng của đồng chí Kôsigin.
Kôsigin là thủ tướng chính phủ Sô viết. Vợ Kôsigin đã thuộc vào loại da mồi, tóc bạc. Biết vậy Văn Bình vẫn phịa chơi. Gã mật vụ vội suýt soa :
- Đồng chí đừng nói bậy.
Văn Bình gật gù :
- Nếu đồng chí không muốn tôi tiếp tục nói bậy thì lại đây chơi với tôi. Tôi xoa nắn rất giỏi. Học được của bộ lạc du mục Nêpan mà lại... Nào, tôi bóp chân cho đồng chí nhé...
Gã nhân viên KGB tiếp tục thở dài :
- Tôi chỉ làm nhiệm vụ do cấp trên giao phó, xin đồng chí thông cảm.
- Nhiệm vụ đi theo tôi suốt ngày suốt đêm phải không?
- Không, tôi chỉ làm việc từ 6 giờ tối đến nửa đêm. Đồng chí là người ngoại quốc nên không hiểu rõ sự kiện này, chúng tôi đi theo đồng chí chẳng phải là để kiểm soát mà chỉ để giúp đỡ mỗi khi cần thiết. Cuộc sống ở đây khác hẳn cuộc sống bên Mỹ, đồng chí lại chưa nói thạo tiếng Nga. Kể ra sự có mặt của chúng tôi bên cạnh đồng chí rất hữu ích, đồng chí không phải tốn tiền: trong khi ấy, một số viên chức Sô viết đi Mỹ về kể chuyện là ở nước đồng chí muốn có người đi theo phải trả lương giờ với giá biểu cắt cổ.
Văn Bình chỉ cười xòa mà không giải thích. Vì chàng nhận thấy giải thích vô ích. Vả lại, chàng sang Liên sô để làm công tác gián điệp, chứ không phải là cán bộ tuyên truyền. Trên thực tế, gã nhân viên KGB đã nói đúng : ở Tây phương, du khách phải trả tiền cho hướng dẫn viên, nhưng gã nhân viên KGB lại không biết rằng hướng dẫn viên du lịch và mật vụ Sô viết là hai thái cực.
Liên sô cung có cơ quan du lịch riêng, gọi là Intourist, song du lịch chỉ là bình phong, toàn thể nhân viên nam nữ của sở Intourist đều là mật vụ.
Văn Bình kéo gã nhân viên KGB ngồi xuống ghế rồi gợi chuyện :
- Nhà đồng chí ở đâu?
Hắn lắc đầu :
- Theo lệnh trên, tôi không được phép cho du khách biết chỗ ở của tôi?
- Đồng chí có vợ chưa?
- Theo lệnh trên, tôi không được phép...
- Hừ... bất cứ điều gì anh cũng mang ngoáo ộp thượng cấp ra hăm dọa... Không lẽ lệnh trên cấm anh tâm sự với du khách là anh đã có vợ, và vợ anh khá đẹp, nếu không đẹp như hoa hậu thì cũng hơn đứt vợ ông tướng Sêrốp.
Gã KGB nhổm người trên ghế. Sêrốp là trùm an ninh điệp báo Liên sô. Nhắc đến tên Sêrốp là sự phạm thượng đối với người Nga, còn đáng tội gấp chục lần tội phạm tên húy vua chúa dưới thời xa xưa ở Viet nam nữa.
Nhưng Văn Bình vẫn tiếp tục chọc tức hắn bằng giọng châm biếm lên bổng xuống trầm :
- Ngủ với vợ, anh cũng phải xin lệnh trên phải không?
Hắn đành xuống nước, chắp tay xá chàng :
- Tôi lạy đồng chí. Có ai ghe được thì chết. Tôi đã bị thượng cấp phạt cấm trại đúng một tháng về tội bép sép với một du khách Nhật. Thấy hắn dễ thương, tôi rỉ tai cho hắn biết mấy địa chỉ mua vui ở Mạc tư khoa, ai ngờ hắn...
- Lằm ăn lộ liễu để thượng cấp khiển trách.
- Ồ, nếu chỉ có thế thì cũng chẳng sao. Đằng này hắn lại là đồng nghiệp của tôi.
- Nhân viên KGB?
- Vâng, tuy hắn là người Nhật trăm phần trăm. Nghe tôi nói, hắn xoắn lấy, vật nài tôi dẫn hắn đến ổ nhện thanh lịch nhất. Vì lâu ngày không được hủ hóa tôi bèn kêu tắc-xí đi ngay. Sáng hôm sau, đến văn phong nhận chỉ thị tôi bị gọi vào bàn giấy đồng chí chánh sự vụ, và được đọc một bản báo cáo đầy đủ. Tôi uống mấy ly vốt-ka, làm tình với cô gái nào, tất cả đều được ghi rõ. Cũng may tôi không lỡ mồm, lỡ miệng. Nếu có thì tôi đã không được hân hạnh làm hướng dẫn viên cho ông đêm nay. Đúng 30 ngày nằm trong xà-lim tối om, với một mẩu bánh mỗi ngày để cải hối. Hết thời gian cải hối, tôi về nhà lại bị mụ vợ dằn cho một mẻ nữa. Đàn bà nước tôi đã nổi tiếng về ghen, mụ vợ tôi lại là tay ghen quán quân, nên trong suốt mấy tháng đằng đẵng tôi mất ăn, mất ngủ, hễ gặp mặt tôi là mụ ấy đay nghiến, mắng nhiếc, cấu véo, thôi thì đủ tình, đủ tội. Sau tai nạn này, tôi thề cạch đến già.
Văn Bình thích chí cười vang. Có thể gã nhân viên KGB đã nói thật. Nhưng cũng có thể hắn bịa ra để lôi chàng vào xiếc. Dầu sao thì câu chuyện của hắn cũng đượm vài nét vui vui.
Chàng bèn vỗ bụng gã nhân viên KGB :
- Đói chưa?
Hắn nhăn mặt :
- Mời ông cứ tự nhiên, tôi không dám.
- Chậc. Anh lôi thôi lắm. Tôi rất ghét đi ăn một mình. Đi ăn ở Mạc tư khoa mà có một mình thì nhịn còn hơn. Vì vậy, tôi muốn mời anh. Tiệm Đa-nuýp chỉ ở gần đây thôi.
- Thưa ông...
- Nghĩa là anh từ chối?
- Thưa ông, theo lệnh trên...
- Biết rồi, anh không được quyền làm bất cứ việc gì nếu chưa có lệnh trên. Ngủ với vợ còn phải xin phép huống hồ nhận lời đi ăn với ngoại kiều...
- Nhưng tôi nói anh biết : nếu anh từ chối tôi sẽ đuổi anh về, không cho anh đi theo nữa. Thượng cấp sẽ khiển trách anh về tội bất cẩn, và anh sẽ bị nhốt một tháng nữa vào cải hối thất. Đó là chưa nói đến việc tôi có thể sẽ liên lạc nhân viên gián điệp Tây phương...
Gã mật vụ KGB sợ cuống quít :
- Vâng, vâng, tôi xin nhận lời. Thú thật với ông, đi ăn, nhất là ăn ở nhà hàng Đa-nuýp thì ai chẳng thích, với số lương tháng chết đói bọn tối đen như tôi cả đời cũng không đám bén mảng đến tiệm ăn nổi tiếng này. Tôi xin đi, nhưng ngược lại ông cũng đừng nói đùa như hồi nãy nữa.
- Nói đùa? Hiến pháp Sô viết cấm nói đùa ư?
- Không. Nhưng vì ông dọa liên lạc với gián điệp Tây phương nên tôi sợ.
- Tôi không đọa đâu. Liên lạc thật đấy.
- Một lần nữa , tôi lạy ông.
- Hừ, nói thật mà anh không tin. Tôi là nhân viên C.I.A. đến đây với nhiệm vụ quấy phá KGB.
- Nếu ông là nhân viên C.I.A. thật sự, ông chẳng dại gì la lớn cho mọi người nghe thấy. Vả lại, thượng cấp đã cho tôi đọc hồ sờ về ông: đặc phái viên của công ty Maxman, một công ty đã giúp Liên sô được nhiều việc. Riêng ông, về tư tưởng cũng như hành động, ông là bạn thân của chúng tôi.
Văn Bình trề môi :
- Anh vẫn không tin à?
- Dĩ nhiên. Thưa ông, nhà hàng Đa-nuýp ở trong đường hẻm bên trái.
Văn Bình nhún vai bước vào tiệm ăn quen thuộc. Đúng ra, chàng mới đến phạn điểm này lần đầu, nhưng đã biết cặn kẽ từ chủ nhân đến bồi bàn, từ cách trang trí bên trong đến các món ăn nổi tiếng. Trung ương C.I.A. có một thư khố đặc biệt, chứa đựng mọi điều cần biết ở Liên sô. Về khách sạn, tiệm ăn, C.I.A. đã thu thập được những tài liệu dày bằng cuốn tự vi Larousse, chữ nhỏ li ti.
Vì vậy, tuy mới đến nhà hàng Đa-nuýp lần đầu Văn Bình cung đã biết gã chủ là Anonki, một sĩ quan Hông quân giải ngũ vì thương tích, miệng luôn luôn niềm nở, hễ thấy khách là xà ra bắt tay thân mật như đối với bạn cũ. Chàng còn biết Anonki là mật báo viên của KGB. Du khách ngoại quốc thường đến thưởng thức món cải bắp nhồi thịt, món bất hủ của nhà hàng Đa-nuýp nên bàn ăn nào cũng có máy ghi âm.
Thư khố C.I.A. là kết quả của hàng chục năm sưu tầm và của hàng trăm nhân viên lục lọi khắp nước Nga. Sở mật vụ của ông Hoàng cũng lập được một thư khố khá đầy đủ; tuy nhiên, phạm vi hoạt động có phần nặng về Viễn đông và Trung Á.
Văn Bình vừa ngồi xuống ghế thì lão chủ đã nhanh nhẫu tiến lại. Đúng như tài liệu C.I.A. miêu tả, hắn trạc ngũ tuần, mắt lươn ti hí, mũi nhòm mồm, môi mỏng lét, ngón tay sần sùi, tất cả tố cáo một tâm địa nham hiểm. Hắn cười hềnh hệch :
- Kính chào đồng chí. Đồng chí dùng món gì?
Văn Bình giơ hai ngón tay thành hình chữ V.
- Gà Côcadơ.
Gà Caucase là món ăn ruột của nhà độc tài Sít ta lin. Khi còn sống, không tuần nào là Sít không còm-măng gà Côcadơ. Cách nấu rất giản dị : bổ con gà làm tư, đem chiên mỡ với hành tây thái nhỏ, cần, cà rốt, dưa leo và bí xắt con cờ, trộn với rau nguyệt quế và rau thì-là. Đoạn bỏ vào một dúm gạo với một lít nước rồi đút lò trong vòng 75 phút. Trước khi dọn, đổ vào một chén nữa.
Kể ra nghệ thuật ẩm thực Nga cũng là hạng khá, nếu không dám đua tranh với Trung hoa và Pháp thì cũng hơn hẳn Anh Mỹ. Lý do của sự nổi tiếng này rất giản dị : trên thực tế, người Nga không có một nền chánh riêng biệt; sở di họ nấu ăn ngon là được các đầu bếp giỏi người Pháp truyền lại. Dưới thời Nga hoàng, hầu hết đầu bếp của nhà vua và triều đình đều là người Pháp. Nhờ có nhiều núi rừng và sông hồ, nước Nga đã có đủ gia dụng để khoản dãi thần khẩu, vịt trời, chim cút, heo rừng, hươu nai, thì thơm ngon không đâu bằng; nhưng đáng kể nhất là trứng caviar.
Tuy nhiên, món ăn Nga thiếu hương vị thanh tao vì có quá nhiều sữa, món nào cũng trộn sữa, và... củ cải.
Văn Bình rút thuốc lá mời gã nhân viên mật vụ. Thuốc lá Sô viết hút vào làm cuống họng khô đắng nên không gì khoái bằng điếu Salem thơm vị bạc hà của Văn Bình. Hắn trịnh trọng đập nhẹ đầu điếu thuốc vào mép ly, rồi ngửa cổ châm lửa.
Trong khi đó người hầu bàn già bưng cái khay đựng đầy thức ăn tới. Gã mật vụ nuốt nước miếng ừng ực.
- Zakútki, ngon lắm. Mời ông.
Văn Bình không lạ gì món zakútki. Nó gần giống như 4 món ăn chơi của Tàu. Tùy theo giàu nghèo, món zakútki gồm nhiều hay ít dĩa. Đại thể nó gồm những món căn bản như cá mòi xắt nhỏ, ngâm sữa, chiên hành; cá hồi thái lát trộn dầu dấm ăn gỏi; trứng caviar phết trên bánh với hành sống; bánh mì chiên bơ ruột nhồi thịt ngỗng nướng và dua leo; và chim cút chiên ngâm dấm...
Văn Bình không có cảm tình với thực đơn Nga, ngoại trừ món trứng cá caviar. Món ăn chơi zakútki lại là thứ mà chàng ghét cay ghét đắng. Dầu chàng không gọi, nhà hàng cũng vẫn cho bưng ra, vì lẽ họ cần ngoại tệ, cần ngoại kiều đến để chém cho thỏa thích. Dân bản xứ - nếu không phải là cán bộ lãnh đạo thuộc "giai cấp mới" - đừng hòng léo hành tới vì giá tiền đắt ngoài sức tưởng tượng. Lần đầu đến đất Nga, Văn Bình đã ngạc nhiên. Trong khi ở ngoài không tìm ra được miếng thịt thì tiệm ăn nào đành cho du khách cũng có thịt ê hề...
Văn Bình rót rượu vốt-ka cho gã mật vụ uống. Vốt-ka ướp lạnh mà uống buổi tối trước khi nhậu với zakútki thì tuyệt. Gã mật vụ lim dim cặp mắt, tợp một hơi ba ly. Rượu vào lời ra, hắn nói chuyện huyên thiên.
Đang ăn Văn Bình bỗng xô ghế đứng dậy, rồi buột miệng :
- Chết chửa?
Gã mật vụ đặt ly vốt-ka xuống bàn :
- Ông quên cái gì?
Văn Bình lấy khăn lau mép :
- Quên gọi điện thoại báo tin tôi sắp đến.
- Cho đồng chí Bônkốp, giám đốc sở Phát triển Ngoại thương?
- Phải.
- Ồ, tưởng gì... tôi đinh ninh là đến mai ông mới gặp Bônkốp.
- Không. Vì có lẽ mai hoặc mốt tôi phải từ giã Mạc tư khoa. Hồi nãy, Vêlana đã gọi cho tôi nói là Bônkốp chờ tôi tại phòng giấy. Tôi có thể kêu nhờ điện thoại của nhà hàng được không?
- Đuợc chứ. Anonki là bạn tôi. Vả lại, không cần là bạn cung có thể dùng điện thoại được. Ông yên tâm. Để tôi nói với Anonki.
Anonki, chủ nhà hàng Đa-nuýp dẫn xác lại. Nghe nói Văn Bình cần điện thoại, hắn cười teo toét và đứng sang bên :
- Mời ông. Điên thoại ở gần quày két.
Văn Bình uống cạn ly rượu rồi lững thững lại góc phòng. Phút quan trọng nhất trong thời gian công tác của chàng ở Mạc tư khoa sắp bắt đầu.
Vì, theo một kế hoạch định trước, chàng sẽ gọi dây nói để nhận chỉ thị tại nhà hàng Đa-nuýp, nhà hàng của mật vụ KGB. Và chàng phải gọi dây nói cho Sở Phát triển Ngoại thương Liên sô. Ai sẽ trao chỉ thị cho chàng? Trao chỉ thị bằng cách nào?
Lát nữa, chàng sẽ biết.
_________________________________________________
(1) - Cuộc phiêu lưu này của điệp viên Văn Bình Z-28 đã được tường thuật trong bộ truyện "Kẻ Thù Không Mặt"
(2) - Nhà may này là Angelo Litrico, hiện mở tiệm ở La mã, chuyên may cắt cho danh nhân thế giới. Litrico may quần áo cho Cút-Sếp từ năm 1957 đến năm 1963
Hết Chương 1