Nhắm vào đường bay của muỗi giúp ngăn ngừa bệnh sốt rét

PostTue Feb 14, 2012 9:12 pm

VOA - World News

Một toán các khoa học gia nghiên cứu mô hình nhiễm bệnh sốt rét tại các làng mạc vùng quê ở Kenya nhận thấy bất kể sự sụt giảm từ từ những ca nhiễm bệnh trong vùng, “những điểm nóng” vẫn cứ tồn tại.

Muỗi hút máu truyền ký sinh trùng bệnh sốt rét đẻ trứng rồi nở thành lăng quăng ở dưới nước. Vì vậy những nhà nghiên cứu, trong đó có chuyên gia dịch bệnh học, ông David Smith, thuộc trường Y Tế Cộng Đồng Bloomberg tại Baltimore, bang Maryland, đã quyết định xem xét nơi muỗi đẻ trứng tại những ao hồ có liên quan đến những làng có số dân bị nhiễm bệnh sốt rét nhiều nhất.

Chuyên gia Smith và các đồng nghiệp mô tả những gì họ thấy trong một cuộc nghiên cứu được loan tải trên tập san Nature Communications. Ông nói:

”Trong cuộc nghiên cứu này, chúng tôi xem xét những nơi ẩm ướt như cống rãnh, ao hồ nơi muỗi đẻ trứng và những địa điểm con người sinh sống, và cố tìm xem có sự dính chùm nào không giữa nơi sinh sản của muỗi và nơi cư trú của số đông người nhiễm bệnh, và dĩ nhiên là có. Nhưng khi chúng tôi xét kỹ hơn, chúng tôi thấy rằng có sự liên hệ giữa hướng gió thổi và nơi sinh sống của những người có nguy cơ lây bệnh.”

Chuyên gia Smith nói muỗi không hẳn là loài côn trùng bay giỏi, nhưng đánh hơi thấy người là chúng biết đường tìm đến ngay. Ông Smith cho biết tiếp:

”Vì thế chúng tôi nêu giả thuyết rằng mùi người đi theo chiều gió và rằng muỗi bay lung tung cho đến khi nó ngửi thấy hơi người và rồi bay ngược gió cho đến khi tìm ra. Chúng ta nên dự kiến có nhiều nguy cơ là ở những nơi đầu ngọn gió của nơi sinh sản các ấu trùng muỗi.”

Khoa học gia Smith và toán nghiên cứu khảo sát 642 trẻ em sống trong các làng mạc ở Kenya sau mùa mưa, khi bệnh sốt rét hoành hành mạnh nhất.

Bà Janet Midega là một chuyên gia y khoa về côn trùng làm việc tại viện Nghiên Cứu Y Khoa Kenya và là đồng tác giả cuộc nghiên cứu. Bà nói các khoa học gia so sánh các dữ liệu các ca bệnh sốt rét với sự gần kề những nơi bùn lầy nước đọng, những ao tù. Bà giải thích:

”Điều chúng tôi khám phá là có nhiều vũng nước hay ao tù có nhiều ấu trùng ở nhiều giai đoạn sinh sôi, vì thế chúng tôi lấy mẫu nước ao tù này về nghiên cứu. Chúng tôi lấy mẫu những con muỗi đang trong các giai đoạn sinh sôi đó để xác định giống muỗi gây tình trạng lây nhiễm bệnh sốt rét trong khu vực.”

Cuộc nghiên cứu phát hiện rằng khoảng cách sinh sống của dân làng với những nơi muỗi sinh sản càng ngắn thì các ca bệnh sốt rét càng nhiều.

Đồng tác giả David Smith nói đưa yếu tố chiều gió vào phương trình giúp người ta có thể nhắm tới những nơi ao tù chứa ấu trùng muỗi ở cuối chiều gió kể từ những điểm nóng các ca bệnh ở đầu gió, và vì thế giúp kiểm soát bệnh ngay từ ngọn nguồn. Khoa học gia Smith cho biết:

”Cái lý thuyết ở đây là nếu hiểu rõ hơn, chúng ta có thể tiên đoán chính xác hơn nơi bệnh có nguy cơ phát tác, để chúng ta kịp thời phân phát mùng màn hay đưa ra những biện pháp can thiệp, phòng ngừa.

Đồng tác gia Janet Midega cho biết trong lúc đang có những kế hoạch mở rộng cuộc nghiên cứu tại Kenya, rập khuôn cuộc nghiên cứu tại những nơi khác rõ ràng có những thách thức. Bà nói:

”Khả năng áp dụng những kết quả cuộc nghiên cứu này lệ thuộc thật nhiều vào điều kiện ở địa phương và giống muỗi thường sống ở môi trường địa phương đó, để các biện pháp kiểm soát có thể được thay đổi cho phù hợp với tình hình dịch tễ trong vùng.”

Bà Midega cho biết vì vậy những sách lược phòng ngừa sẽ tùy thuộc vào nơi mà người ta sinh sống, vì có từ 30 đến 40 giống muỗi truyền bệnh sốt rét.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Hoa Kỳ Và Thế Giới - USA And World News

Who is online

Users browsing this forum: Google [Bot] and 1391 guests

cron