Virus ‘tử thần’ Nipah từ dơi lây sang người bằng cách nào?

PostTue May 16, 2023 10:20 pm

VOA - Health


Một số nhà khoa học coi bang nhiệt đới Kerala của Ấn Độ là một ‘điểm nóng toàn cầu’ về khả năng xuất hiện của một loại virus corona mới. Nhưng một loại virus khác đã xuất hiện trước tại đây: virus Nipah.


Cư dân địa phương được cảnh báo chớ ăn trái cây bị dơi cào hoặc cắn để tránh bùng phát thêm loại virus chết người, loại virus đang tìm các cách thức đáng lo mới để từ dơi lây truyền bệnh trực tiếp cho con người khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng lấn sâu vào các vùng sinh sôi nảy nở trước đây của chúng vốn từng là những nơi xa xôi hẻo lánh.


Vào năm 2018, virus Nipah đã giết chết các thành viên trong gia đình của Muthalib Valachuktty, bao gồm bố và hai người anh của Muthalib. Người anh tên Sabith được nhập viện đầu tiên trong tình trạng sốt, nôn mửa, mê sảng, run và ho dữ dội. Phải mất gần hai tuần sau cái chết của Sabith, các bác sĩ mới biết nguyên nhân gây tử vong cho anh ấy.


Lúc đó thì 22 người khác cũng đã bị nhiễm virus Nipah. Chỉ 2 người trong số này sống sót.


Làm thế nào mà bệnh nhân đầu tiên, Sabith, bị nhiễm virus Nipah?


Rà soát khu phố anh ở, người ta tìm thấy hang ổ của một đàn cáo biết bay, một loài dơi ăn quả phổ biến, làm tổ trên cây cách nhà nạn nhân chưa đầy một cây số. Một số con dơi cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah. Trái cây ở những nơi Sabith từng sinh sống và làm việc cũng dính virus Nipah.


“Chúng tôi không ăn xoài nếu chúng có vết cắn, nhưng ổi thì chúng tôi vẫn ăn sau khi loại bỏ phần đó,” anh Muthalib nói với Reuters.


Các loại trái cây chỉ là một giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra về cách mà bệnh nhân Sabith bị nhiễm virus.


Virus Nipah có thể lây nhiễm cho con người khi nạn nhân tiếp xúc với chất dịch có chứa virus như nước bọt, nước tiểu, máu, và các giọt nước li ti qua đường mũi hoặc đường hô hấp.


Không có vaccine để ngừa virus này và chưa có cách điều trị một khi bị nhiễm bệnh.


Nó được coi là một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất lưu hành trong tự nhiên và nằm trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới về các mầm bệnh có khả năng gây dịch.


“Tỷ lệ tử vong vì Nipah rất cao, 70-100%”, Veena George, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình ở Kerala, cho biết.


“Tỷ lệ tử vong, tỷ lệ gây chết người của virus Nipah cao hơn nhiều so với COVID, virus corona.”


Đợt bùng phát năm 2018 đã cho thấy con đường nhanh chóng và hung hãn mà mầm bệnh này có thể gây ra. Reuters đã phân tích các điều kiện khiến những đợt bùng phát như thế này có thể xảy ra và nhận thấy rằng vào thời điểm Sabith ngã bệnh, vùng đất này của Ấn Độ đã trở thành một trong những nơi dễ lây lan nhất từ dơi sang con người.


Reuters đã xác định được hơn 9 triệu cây số vuông ở 113 quốc gia, nơi con người thay đổi môi trường sống của loài dơi và tạo ra những điều kiện gần giống với những điều kiện xung quanh các đợt lây lan trong quá khứ.


Kerala có một số khu vực rủi ro nhất trên thế giới. Đây là cái nôi của hơn 40 loài dơi và cũng là nơi sinh sống của 35 triệu người. Các khu rừng ở đây, môi trường sống chính của loài dơi, đã dần dần bị chặt phá để nhường chỗ cho việc trồng trọt và phát triển, tạo điều kiện lý tưởng cho một loại virus như Nipah xuất hiện và lây nhiễm cho con người, thường dẫn tới hậu quả chết người.


Và so với các đợt bùng phát đã được biết tới trước đây tại những nơi khác ở châu Á, các đợt bùng phát ở đây đặc biệt nguy hiểm, giết chết 90% số người nhiễm bệnh.


Chính phủ Ấn Độ không hồi đáp yêu cầu bình luận qua điện thoại hoặc email.


Thư ký báo chí của Thủ hiến Kerala email cho Reuters một tuyên bố trích dẫn những nỗ lực của bang nhằm giảm thiểu rủi ro lây lan.


Tuyên bố viện dẫn việc lập bản đồ các khu vực dễ bị tổn thương về mặt sinh thái và sáng kiến của hai trường đại học Ấn Độ nhằm cải thiện việc giám sát động vật và con người trước virus Nipah và các loại virus khác lây truyền từ động vật sang người.


Gokul Krishna, một cư dân địa phương, cho hay dơi ngày càng khó tránh, cứ hễ ra đường là gặp. Anh từng bị nhiễm virus Nipah nhưng may mắn sống sót dù bị suy giảm trí nhớ và trầm cảm, những vấn đề về thần kinh kéo dài như những nạn nhân khác sau khi nhiễm virus Nipah.


“Những con dơi to lớn ấy từng đến sân của chúng tôi. Tôi từng nhìn thấy những vết cắn trên những quả xoài rụng. Đôi khi tôi lượm những quả xoài đó vứt ra khỏi lối đi và không rửa tay”, anh Gokul Krishna, người sống sót sau khi nhiễm virus Nipah, nói với Reuters.


Ở Bangladesh, các bác sĩ để loa tuyên truyền trên vỉa hè, phát cảnh báo về Nipah. Tại đây có một thông điệp khác: chớ uống nhựa cây chà là thô.


Đầu năm 2023, cậu bé 7 tuổi Soad Hossain chết vì Nipah sau khi uống nhựa cây trong sân nhà.


“Con trai tôi đã chết. Chúng tôi vĩnh viễn mất nó. Lời khuyên của tôi cho những người khác là không ai nên uống nước quả chà là, đặc biệt là trẻ em. Không ai nên uống loại nước trái cây này, chúng tôi cũng không uống”, ông Mohammad Sanwar Hossain, cha của Soad, cho biết.


Trước khi mọi người bắt đầu bị bệnh vì Nipah ở Bangladesh, các nhà khoa học chỉ thấy virus này lây từ dơi sang người thông qua động vật trung gian. Nó truyền qua lợn để lây nhiễm cho người trong một đợt bùng phát ở Malaysia.


Giờ đây, các nghiên cứu cho thấy rằng thông qua nhựa cây, virus có thể lây nhiễm trực tiếp cho người mà không cần truyền qua động vật khác.


Các nhà nghiên cứu đã thiết lập các camera hồng ngoại quay cảnh những con dơi liếm nước đường từ nhựa cây, nước bọt và nước tiểu của chúng nhỏ xuống những chiếc xô ở bên dưới.


Bất chấp những cảnh báo của các quan chức y tế công cộng về việc chớ uống nhựa cây chà là thô, hơn 160 người đã chết kể từ khi các nhà khoa học phát hiện ra mối liên hệ này vào năm 2005. Các quan chức cho biết một số người Bangladesh, đặc biệt là những người mù chữ, vẫn khó tiếp cận cho dù có các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng của chính phủ.


Ông Razab Ali Pramanik, ông nội của Soad, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe đến tên virus Nipah và cũng chưa có ai bị nhiễm bệnh trước đó, đây là lần đầu tiên chúng tôi biết về nó.”


Reply


Reply all


Forward

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Y Tế

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 142 guests

cron