Page 1 of 1

Quan ngại vẫn còn sau Thượng đỉnh Moon-Kim lần 3

PostPosted: Thu Sep 20, 2018 6:26 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với vẻ mặt rạng ngời và vừa về nước hôm thứ Năm ngày 20/9 sau hội nghị thượng đỉnh như vũ bão kéo dài ba ngày với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã nói rằng ông Kim muốn mời Ngoại trưởng Mỹ mau chóng đến Bình Nhưỡng để đàm phán về hạt nhân và cũng hy vọng cho một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo cuộc gặp Trump-Kim hồi tháng Sáu ở Singapore.


Chỉ vài giờ sau khi đứng cùng với ông Kim trên đỉnh ngọn thiêng vốn nằm ở trung tâm hoạt động tuyên truyền của triều đại nhà Kim, ông Moon nói với các phóng viên ở Seoul rằng ông sẽ mang một thông điệp cá nhân của Kim đến cho Tổng thống Mỹ Donald Trump về sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân khi ông gặp gỡ ông Trump ở New York vào tuần tới bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.


Cả ông Trump và ông Kim đều đã bày tỏ mong muốn sẽ có hội nghị tiếp theo cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore. Bản thân ông Trump đã liên tục khoe về mối quan hệ tốt đẹp của ông với ông Kim. Tuy nhiên các nhà quan sát vẫn nghi ngại liệu ông Kim có thật lòng muốn giải trừ vũ khí hạt nhân như lời ông tuyên bố hay không.


“Có những điều mà Mỹ muốn chúng tôi truyền đạt đến Triều Tiên và mặt khác cũng có những điều mà Triều Tiên muốn chúng tôi truyền đạt đến Mỹ,” ông Moon phát biểu tại một trung tâm báo chí ở Seoul. “Tôi sẽ hết lòng đóng vai trò đó khi tôi gặp Tổng thống Trump để thúc đẩy đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.”


Ông Moon, người giúp dàn xếp cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore và háo hức muốn có một hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim nữa, cũng đã nói với các phóng viên rằng ông sẽ chuyển đến ông Trump mong muốn của ông và của ông Kim là sẽ có có tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trước cuối năm nay.


Tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ là bước đi đầu tiên hướng đến hiệp ước hòa bình chính thức chung cuộc. Tuy nhiên, phía Mỹ thận trọng trong việc ký kết một văn bản mà sẽ khiến ông Kim thúc đẩy Mỹ rút quân đội đồn trú khỏi Hàn Quốc.


Vào sáng hôm 20/9, trong ngày cuối cùng của cuộc gặp thượng đỉnh, hai ông Kim và Moon đã cùng có chuyến đi lên đỉnh núi Paektu vốn được miền Bắc xem là đỉnh núi thiêng. Hai ông đã siết tay và giơ lên để thể hiện sự chiến thắng. Chuyến đi của hai nhà lãnh đạo đến đỉnh núi ở biên giới Triều Tiên-Trung Quốc sẽ còn vang vọng ở hai miền Triều Tiên sau tuyên bố về một loạt thỏa thuận hôm 19/9 mà họ ca ngợi là một bước tiến lớn tiến đến hòa bình.


Tuy nhiên, thỏa thuận của họ trên vấn đề khiến thế giới lo ngại nhất – việc miền bắc theo đuổi vũ khí hạt nhân – có đi kèm theo một điều kiện lớn: ông Kim nói rằng ông sẽ cho tháo dỡ vĩnh viễn cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên chỉ khi nào Mỹ có những bước đi tương ứng nhưng không nói rõ bước đi tương ứng đó là gì.


“Chủ tịch Kim Jong Un đã hết lần này đến lần khác đã khẳng định cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân,” ông Moon nói sau khi trở về Seoul. “Ông ấy bày tỏ mong muốn hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn càng sớm càng tốt và tập trung vào phát triển kinh tế.”


Tổng thống Moon nói rằng việc Triều Tiên đồng ý cho phép các chuyên gia quốc tế giám sát quá trình tháo dỡ ‘vĩnh viễn’ một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa và bãi phóng tên lửa cũng không khác gì cam kết phá hủy những cơ sở này ‘một cách có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược’.


Ông cũng nói rằng những bước đi này, cùng với việc Bình Dưỡng đơn phương tháo dỡ một bãi thử vũ khí hạt nhân hồi đầu năm nhưng chưa được kiểm chứng, có thể ngăn chặn Triều Tiên phát triển thêm kho vũ khí bằng cách tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn. Các chuyên gia nói rằng các bước đi này của Bình Nhưỡng không là bước đi thực chất trong quá trình phi hạt nhân hóa. Hồi năm ngoái, nước này tuyên bố đã hoàn tất xây dựng được năng lực hạt nhân và đã sản xuất được hỏa tiễn có sức mạnh lớn nhất.


Ông Moon cũng cho biết ông Kim hy vọng sẽ sớm đến thăm Seoul.


“Tôi hy vọng rằng đồng bào của tôi có thể có cơ hội tận mắt nhìn thấy Chủ tịch Kim Jong Un và nghe chính miệng ông nói về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hòa bình và thịnh vượng,” Tổng thống Hàn Quốc nói.


Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã cười tươi khi họ đứng chụp hình trên đỉnh núi Paektu, với các vị phu nhân của họ đứng kế bên trước bối cảnh là nền trời trong xanh và một hồ nước sâu vốn là miệng núi lửa. Họ cũng dạo bước bờ hồ, sau đó Tổng thống Moon và phu nhân cũng đã lấy đầy nước hồ vào những chiếc chai và một ca sỹ nhạc pop của Hàn Quốc trình diễn một phiên bản của một bài hát dân gian rất được yêu mến của dân tộc Triều Tiên, bài ‘Arirang’, vốn được người dân hai miền Triều Tiên xem là một bài ca không chính thức về hòa bình.


Ngọn núi này có ý nghĩa thiêng liêng với gia tộc nhà Kim – các thành viên gia tộc được cho là có có ‘dòng máu Paektu’ và ngọn núi này cũng được in hình trên biểu tượng quốc gia của Triều Tiên và được đặt tên cho tên lửa.


Rất nhiều người dân miền Nam cũng có tình cảm đặc biệt với đỉnh núi này. Theo truyền thuyết của dân tộc Triều Tiên, đây là nơi sinh của Dangun, người sáng lập vương quốc Triều Tiên cổ đầu tiên. Ngọn núi này từ lâu cũng được xem là một trong những thắng cảnh đẹp nhất trên bán đảo Triều Tiên.


Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng về cuộc gặp thượng đỉnh này. Khoảng 100 người chống Triều Tiên đã tập hợp ở trung tâm Seoul để bày tỏ sự phẫn nộ về cuộc gặp và giương những khẩu hiệu như: “Nói không với thượng đỉnh Nam-Bắc Triều mà làm lợi cho Kim Jong Un.”


Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết làm việc cùng nhau để đăng cai Thế vận hội mùa hè vào năm 2032.


Tuy nhiên mặc nhiều chứa đựng một số đề xuất rất hấp dẫn, thông cáo chung của hai nhà lãnh đạo không có những bước đi lớn mà Washington đang tìm kiếm – chẳng hạn như cam kết của ông Kim cung cấp danh sách các cơ sở hạt nhân của nước ông, một lịch trình chắn chắn từng bước một để đóng cửa chúng, hay một thỏa thuận cho phép thanh sát viên quốc tế đánh giá các tiến triển và phát hiện các vi phạm.


Hiện chưa rõ ‘bước đi tương ứng’ mà Bắc Triều Tiên muốn Mỹ thực hiện để đổi lấy việc họ tháo dỡ hạt nhân.


Câu hỏi hiện nay là liệu những diễn biến này có đủ cho ông Trump đi tiếp ở điểm mà ông Moon để lại. Ông Trump đã nói là kết quả của cuộc gặp này là ‘tin tức rất tốt lành’ và rằng ‘chúng ta đang có tiến bộ to lớn’ với Triều Tiên.