Page 1 of 1

Người Việt bị buôn sang Scotland: Nạn nhân hay tội phạm?

PostPosted: Wed Sep 19, 2018 1:30 pm
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


Cảnh sát Scotland đang tìm cách trấn dẹp các hoạt động buôn người đàng sau nạn nô lệ mới mà nạn nhân là những người Việt đã bỏ tiền ra để được đưa sang Châu Âu để đến đích cuối cùng là vương quốc Anh, với hy vọng tìm được một việc làm có mức lương khá, chỉ để trở thành những nạn nhân bị khai thác sức lao động hoặc bị lạm dụng.


Đeo đuổi giấc mơ đổi đời, nhiều người trẻ tuổi từ Việt Nam đã thực hiện những cuộc hành trình đầy gian nan đi qua các nước Đông Âu rồi Tây Âu, để cuối cùng tới được Scotland.


Theo bản tin của Reuters, đối với nhiều người thực tế lại vô cùng phũ phàng. Rất nhiều người Việt tới Scotland theo cách này bị khai thác sức lao động tại các trại trồng cần sa hoặc các tiệm làm móng tay, có người đã trở thành những nô lệ tình dục tại đất nước họ từng hy vọng có thể mưu tìm một cuộc sống tử tế.


Những người Việt này nằm trong số 40 triệu người đã trở thành những con mồi của một kỹ nghệ toàn cầu mang về món lợi khổng lồ ước lượng 150 tỉ đôla hàng năm cho những kẻ buôn người,


Trong khi nhiều người bị khai thác sức lao động một cách công khai, bán dâm trên các đường phố hoặc lao động trong các cửa tiệm làm móng, cảnh sát Scotland gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực chống lại các hoạt động buôn người bởi vì rất ít người Việt chịu xuất đầu lộ diện, công khai nói về tình cảnh bi đát của mình.


Thanh tra Brian Gallagher nói: “Rất khó lấy được niềm tin của các nạn nhân để có một bức tranh toàn cảnh, bởi họ rất sợ cảnh sát. Rất khó thâm nhập vào các cộng đồng người Việt cư ngụ tại các thị trấn và thành phố của chúng ta. Đó chính là tình huống mà những kẻ buôn người khuyến khích.”


Phát biểu tại trụ sở chính của đơn vị chống buôn người ở Glasgow, Thanh tra Gallagher cho rằng điều cần làm là nâng cao nhận thức của các nhân viên công lực để họ nhận biết hành vi tội phạm bên dưới những hoạt động binh thường, hoặc đàng sau những cánh cửa đóng kín, và những tội ác được che đậy bên dưới các tội hình sự khác.


Trong năm 2017 có tất cả 213 ca tình nghi là buôn người. Con số này đã tăng so với 150 ca hồi năm 2016. Phân nửa các nạn nhân đến từ Việt Nam.




Hoạt động buôn người

Các nhóm tội phạm quảng cáo vương quốc Anh là “vùng đất hứa” đối với nhiều người Việt, khiến nhiều người thực hiện những cuộc hành trình gian nan kéo dài nhiều tháng trời, có lúc phải đi bộ hàng ngàn dặm, có lúc lên tàu hay xe tải để tới điểm đến cuối cùng.


Miền Bắc nước Pháp vẫn là một cửa ngõ quan trong cho những người Việt Nam muốn tới vương quốc Anh, bất chấp một chiến dịch càn quét người di dân và những kẻ buôn người quanh cảng Calais. Nhiều người di chuyển tới miền Bắc, vượt ranh giới vào Scotland, nhưng theo các giới chức ở đây, một số phụ nữ Việt Nam đã tới Anh qua ngã Scandinavia và Bắc Ireland, trong khi cảnh sát dự kiến có những dường mới xuất hiện giữa lúc những kẻ buôn người tìm những phương thức mới để tránh lưới công lý.


Bà Mimi Vũ thuộc Quỹ Liên kết Thái Bình Dương (Pacific Links Foundation), một tổ chức chống buôn người, nói bất kể bao nhiều khó khăn trước mắt, hoặc đã được cảnh báo bao nhiêu lần, sức hấp dẫn của cuộc sống tốt đẹp bên trời Tây là một nam châm thu hút rất nhiều người trẻ tuổi Việt Nam.


Bà Mimi Vũ bỏ rất nhiều thời giờ ra làm việc để nâng cao nhận thức ngay tại Việt Nam, địa điểm xuất phát.


“Rất khó có thể phản bác câu chuyện do những kẻ buôn người thêu dệt. Một bên là lời hứa hẹn đối với những người ra đi rằng họ “sẽ tìm được hũ vàng” đang chờ họ ở vương quốc Anh, so với những lời cảnh báo của chúng tôi, coi chừng bị lạm dụng hoặc kẻ xấu bắt làm nô lệ.”


Mimi Vũ nói khuyến cáo người Việt ở trong nước về những tình cảm chống di dân đang gia tăng ở nước Anh, và về tình trạng bất định xoay quanh Brexit, nước Anh rời khỏi EU, cho tới nay vẫn tỏ ra vô hiệu quả.


Các tổ chức từ thiện nói những lo sợ sẽ bị bắt và trục xuất về nước, hoặc sợ thân nhân ở Việt Nam bị những kẻ buôn người trả thù, đã khiến nhiều “nô lệ mới” người Việt cam chịu cuộc sống nô lệ trong bóng tối.


Hãng tin Reuters trích dẫn thông tin của chính phủ Anh tường thuật rằng rất nhiều trẻ nô lệ người Việt trên khắp nước Anh bị bác đơn xin tị nạn khi bước sang tuổi 18. Trong năm 2017 có khoảng 50 trường hợp so với tổng cộng 54 người trong 3 năm từ 2014 tới 2016.


Theo các luật sư, nhiều thanh niên bị trục xuất sau khi thọ án tù về những tội mà họ bị ép buộc phải làm trong thời gian bị các tổ chức tội phạm giam giữ, như tội liên quan tới ma túy vì đã từng làm việc trong các trại trồng cần sa.





“Nhiều nạn nhân trẻ tuổi người Việt bị coi như những tội phạm thay vì là nạn nhân của một tội ác.”






Bà Debbie Beadle, Giám Đốc chương trình tại tổ chức từ thiện chống buôn người ECPAT UK nói:


“Nhiều nạn nhân trẻ tuổi người Việt bị coi như những tội phạm thay vì là nạn nhân của một tội ác.”


Trong một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện hồi năm ngoái, phân nửa người dân Scotland không tin nạn buôn người là một vấn đề tại Scotland, bất chấp nạn buôn người diễn ra tại 27 địa điểm trong tất cả 32 địa phương ở Scotland.


Tuy vậy tội ác liên quan tới buôn người đang phát triển và biến đổi trên khắp nước Anh với tổng cộng 136,000 nô lệ mới, dựa trên Chỉ số Nô lệ Toàn cầu của tổ chức nhân quyền Walk Free Foundation. Con số này cao gấp 10 lần so với con số ước lượng do chính phủ đưa ra vào năm 2013.